Cuộc chơi không công bằng
Cô Đào Thị Nga, GVHĐ từng 10 năm công tác tại Trường THCS Trung Giã (huyện Sóc Sơn) cho biết: Sau khi hợp đồng hết hạn vào 31/8, hầu hết các GVHĐ tại Sóc Sơn tiếp tục nhận được hợp đồng thỉnh giảng kéo dài đến hết tháng 12/2019. Tuy vậy, đây là những ngày tháng rất nặng nề vì sau khi nhận được lịch thi tuyển viên chức của Sở Nội vụ, các GVHĐ tại Sóc Sơn đều hẫng hụt và bất an.
Từ nhiều tháng nay, 256 GVHĐ tại Sóc Sơn đều mong chờ vào chính sách xét tuyển nhân văn từ lãnh đạo TP. Do vậy, đa phần GV ở Sóc Sơn không ôn thi và cũng xác định nếu thi sẽ khó đỗ nếu không có một ưu đãi nhất định. Do vậy, đa phần GVHĐ huyện Sóc Sơn đều quyết định sẽ không dự thi.
“Đến thời điểm này, các GVHĐ tại Sóc Sơn vẫn duy trì hoạt động dạy và hưởng lương bình thường. Tuy nhiên, các thầy cô luôn bất an trước tương lai của mình nên không có tâm trạng để ôn thi. Thêm vào đó, công việc trên lớp vẫn phải bảo đảm, vẫn có hợp đồng dạy bồi dưỡng học sinh nên không có thời gian nào để ôn thi” - cô Nga tâm sự.
Đã gắn bó 19 năm với nghề, cô Nguyễn Thị Thơm - GV Trường Tiểu học thị trấn Sóc Sơn chia sẻ: Tôi từng thi nhiều lần và đều không đỗ. Nếu bây giờ phải thi, tôi vẫn sẽ trượt. Phải tham gia một cuộc thi mà sau đó lại vào chính vị trí mà mình đã làm tốt bao nhiêu năm nay, tôi thấy không hài lòng, thật bất công.
Còn cô Nguyễn Thị Minh Phương - GVHĐ tại Trường THCS Đông Xuân (Sóc Sơn) cho biết: Nếu phải thi tuyển viên chức, tôi sẽ không tham gia vì biết chắc sẽ bị “trượt”. Thời gian vừa qua, cô cùng nhiều GVHĐ khác ở Sóc Sơn đều tin tưởng vào hướng giải quyết nhân văn của thành phố, có chính sách ưu đãi đối với những GV có thâm niên công tác.
Nhiều trường thiếu giáo viên do chờ thi biên chế
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Ba Vì có tổng số 342 GV HĐ ở 3 cấp, mầm non, tiểu học, và trung học cơ sở. Cùng với hàng nghìn GV khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, các GVHĐ của huyện Ba Vì có nguy cơ mất việc khi phải bắt buộc tham gia kỳ thi tuyển dụng GV.
Nhiều tháng qua, hàng trăm GV đã có đơn tập thể kiến nghị, xin được xét đặc cách vì những đóng góp của họ trong ngành. Tuy vậy, kể từ ngày 31/8, nhiều GV đã bị cắt hợp đồng giảng dạy. Trong khi đa phần GV rơi vào cảnh thất nghiệp thì huyện phải loay hoay giải bài toán thiếu GV.
Tại Trường Tiểu học Tòng Bạt, nhiều GV đã bị cắt hợp đồng trước thềm năm học mới. Do không đủ GV giảng dạy nên BGH nhà trường phải xin cơ chế riêng là thuê GV với chi phí 20.000 đồng/tiết học. Trớ trêu, GV được thuê chính là nhữngthầy cô bị cắt hợp đồng từ đầu năm học.
Thầy Nguyễn Văn Trọng - GV Trường Tiểu học Tòng Bạt tâm sự: “Tôi bị cắt hợp đồng từ ngày 31/8 và phải hưởng trợ cấp thất nghiệp sau nhiều năm trong ngành. Tuy vậy, tôi vẫn muốn gắn bó với nghề và mong có một ưu đãi nào đó trước kỳ thi tuyển viên chức. Tâm trạng của các thầy cô thỉnh giảng đều bất an vì không nhìn thấy tương lai cho mình. Ngoài tiền lương thỉnh giảng, chúng tôi không được một khoản nào khác, không bảo hiểm, không hưởng phụ cấp”.
“Chê” số tiền thỉnh giảng ít ỏi, nhiều GVHĐ chọn giải pháp bỏ nghề để đi làm việc khác, do vậy nhiều trường lại rơi vào tình trạng thiếu GV. Năm học mới đã bắt đầu được 3 tuần nhưng nhiều phòng học tại Trường Tiểu học Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) phải bỏ trống vì không có GV giảng dạy. Thiếu GV nên BGH nhà trường chọn giải pháp dồn ghép lớp.
Bà Nguyễn Thị Cấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuần Mỹ cho biết: Trường chỉ còn 25 GV, tức là thiếu đến 1/4 nhân sự. Do vậy, ngoài việc dồn 17 lớp xuống còn 14 lớp, Ban giám hiệu cũng phải tham gia đứng lớp hàng ngày. Việc dồn lớp khiến số học sinh quá đông, GV phải làm việc hết công suất. Học sinh quá đông cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.
Việc cắt hợp đồng trước đối với GV là trường hợp bất khả kháng, gây khó khăn lớn cho nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch năm học.