Có những nỗi nhớ mang tên quê hương, cội nguồn, đó là xóm chài bên bến sông, là mùa nước nổi, lũ về, là vụ lúa chét, là mùi rơm sau đợt gặt, là những triền núi xanh mướt, là con sông uốn lượn quanh triền đồi,... Hay nói cách khác, ai trong mỗi chúng ta, đều có một quê hương để về, để thương và để nhớ.
Bút kí Man mác Vàm Nao- Tác giả Trương Chí Hùng |
Tác giả Trương Chí Hùng cho biết anh viết cuốn Man mác Vàm Nao trước tiên là nhằm muốn lưu giữ những giá trị thiêng liêng của miền sông nước đang đứng trước bao biến thiên thế cuộc, sau nữa là bày tỏ xúc cảm cá nhân về miền quê nơi anh sinh ra, lớn lên cũng như học tập, sinh sống.
“Tôi xót xa chứng kiến những con sông nắng mưa bồi lỡ, bao phen ngậm ngùi nhìn mùa nước nổi vắng bóng cá tôm, cay đắng cùng số phận của những người nông dân bị bứng khỏi quê nhà dạt trôi tứ xứ....”, nhà văn từng đạt giải Nhất cuộc thi Bút ký văn học khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2017 đã bộc bạch trong lời nói đầu như thế, “Nhưng dù có vật đổi sao dời đến đâu, thì miền Tây vẫn đọng lại trong tôi biết bao điều tốt đẹp. Cái đẹp của tình đất tình người.”.
Trong ánh quan sát của Trương Chí Hùng – một giảng viên khoa Sư phạm, miền Tây đong đầy tác giả, bằng những ngày hè rực nắng nhuốm màu rơm rạ đồng chiều, bằng những đêm trăng thả xuồng lênh đênh trên cánh đồng nước nổi, bằng những câu vọng cổ tài tử thổn thức trăm năm.
Có lẽ với nhiều người, miền Tây dịu dàng e ấp như cô gái quê trong chiếc áo bà ba che nghiêng vành nón lá. Nhưng mấy ai biết rằng, thẳm sâu bên trong miền Tây vẫn chứa đựng nhiều nỗi thăng trầm mà chỉ có những người ngụp lặn cả đời với nó mới thấu hiểu.
Đọc bút ký Man mác Vàm Nao, bỗng phẩng phất đâu đó hình ảnh Mai, người con gái miền Tây đang làm dâu nơi xứ người, chia tay rồi nhưng ánh mắt dường như vẫn cố níu kéo câu chuyện dang dở với vị khách có chung nguồn cội Lạc Hồng bởi ký ức mùa giăng câu cá bông lau trắng vốn là sản vật của vùng Vàm Nao.
Bộ ba tác phẩm thấm đẫm tình đất, tình người |
Trong khi đó, với bộ hai tập sách Mây trắng Dinh Phoan và Phú Yên: Đất và Người, tác giả Trần Huiền Ân cho biết Phú Yên: Đất và Người là tập sách viết về vùng đất Phú Yên được tác giả dày công sưu tập tư liệu, và về cơ bản thì đây có thể được xem là tư liệu khá chính thức cho những ai đang muốn sưu tầm nghiên cứu về vùng đất này.
Tác giả cho biết, là tập sách viết về đất nước – quê hương, nhưng không phải là địa chí Phú Yên, nên Phú Yên: Đất và Người không theo trình tự của một quyển địa chí, và tác giả không có tham vọng miêu tả, tường thuật đầy đủ mọi cảnh trí, sinh hoạt của Phú Yên kể từ thưở những lưu dân người dân Việt theo bước chân Lương Văn Chánh đến đây khai hoang, lập nghiệp.
Dữ liệu sơ thảo của sách được chuẩn bị từ năm 1996, đến năm 2019, qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung để được cập nhật đầy đủ, chuẩn xác.
Ở phần đầu tiên của tập sách, bạn đọc có thể biết được các đơn vị hành chính của Phú Yên qua các thời kỳ, từ bước đầu mở đất của Lương Văn Chánh đến thành lập dinh Phú Yên (1558-1771), giai đoạn chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Vương (1771-1802), trấn Phú Yên đến tỉnh Phú Yên (1802-1945), Phú Yên chín năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Phú Yên 21 năm chế độ miền Nam (1954 đến tháng 4/1975), và tỉnh Phú Yên ngày nay.
Trong khi đó, tập sách Mây trắng Dinh Phoan có thể được xem là bản hùng ca về công cuộc khai hoang, lập đất của cha ông ta ngày xưa, từ cái thời chúa Tiên chúa Sãi, với quyết tâm tạo lập cõi Nam Hà thành một giang sơn vạn đại, mở mang bờ cõi.
Cái tên mây trắng xuất phát từ việc trên đường thiên lý Thuận Hóa – Quảng Nam, các đoàn lưu dân Việt (lúc bấy giờ) phải vượt qua nhiều chướng ngại thiên nhiên. Mỗi khi “dừng chân đứng lại” trên đỉnh cao trông vời họ lại thấy mở ra trước mắt một khung cảnh “trời-non-nước” bao la. Tiếng gọi của gió lành nắng ấm phương Nam đầy màu sắc rực rỡ và cuốn hút như nam châm.
Cũng từ những chuyến khai hoang lập ấp của ông bà ta xưa, những vùng đất màu mỡ dần được thuần thục, những con sông bốn mùa đầy nước ngọt, tấp nập thuyền bè xuôi xược, mở ra những vùng vịnh, cửa biển thuận tiện cho việc xây dựng các ngư trường và giao dịch với bên ngoài. Thế hệ sau nối tiếp công trình thế của thế hệ trước. Một cõi Nam Hà đã rộng mở, từ mốc Thạch Bi Sơn, cho đến Quảng Nam, Phú Yên, rồi đến Đại Lãnh, Bình Thuận, Thuận Thành, và sau nữa là Đồng Nai – Gia Định, Hà Tiên…