Tình cảm đặc biệt với tờ báo Ngành

GD&TĐ - Ngay từ tháng 12/1959, khi cầm tờ “Người giáo viên nhân dân” (NGVND) trên tay, tôi đã cảm thấy vui mừng, sung sướng vì bên cạnh các tạp chí chuyên san của Vụ cấp 1, Vụ cấp 2, 3 tôi đã có thêm một cẩm nang giúp tôi gắn công việc của mình hơn với thực tiễn sinh động của ngành.

Báo “Người giáo viên nhân dân” tiền thân của báo Giáo dục và Thời đại được trân trọng lưu giữ tại phòng truyền thống Trường Tiểu học Cẩm Bình (Hà Tĩnh)
Báo “Người giáo viên nhân dân” tiền thân của báo Giáo dục và Thời đại được trân trọng lưu giữ tại phòng truyền thống Trường Tiểu học Cẩm Bình (Hà Tĩnh)

Đến khi được điều về Vụ đào tạo bồi dưỡng, tôi lại càng gắn bó hơn với tờ báo của ngành.

Công tác ở các trường sư phạm, trường bồi dưỡng, tôi thường trao đổi với các đồng chí lãnh đạo về việc đưa những thực tiễn sinh động ở các trường phổ thông vào nội dung đào tạo và bồi dưỡng của nhà trường, vào các tài liệu giáo học pháp bộ môn của các khoa.

Bài báo đầu tiên tôi viết cho NGVND là bài về kinh nghiệm của Trường Sư phạm cấp 1, 2 Sơn Tây gắn liền dạy và học ở trường sư phạm với thực tiễn tiên tiến của các trường phổ thông với đời sống lao động sản xuất ở địa phương (1961) và bài viết về kinh nghiệm của Trường Sư phạm cấp 1 Nghĩa Lộ trong việc dạy tiếng Thái, tiếng Tày, Nùng cho giáo sinh để ra trường người giáo viên mới nhanh chóng hòa nhập với phụ huynh và học sinh vùng dân tộc (1963).

Từ sử dụng các bài báo đến viết bài cho báo, tôi đã trở thành cộng tác viên của báo, được nhận báo biếu hàng tuần và dần dần quen thân với các đồng chí trong ban biên tập, từ đồng chí Tổng biên tập đầu tiên đến các đồng chí Hoàng Trọng Hanh, Nguyễn Ngọc Chụ, Trần Đăng Thao, Nguyễn Danh Bình, Nguyễn Ngọc Nam… khi ngành đào tạo bồi dưỡng có những hoạt động hay sự kiện quan trọng, tôi đều đề xuất với lãnh đạo Vụ, Cục mời phóng viên của báo đến tham dự và đưa tin, đăng bài.

Như Hội nghị toàn ngành sư phạm tháng 11/1964, báo đã đăng toàn văn văn bản về phương hướng xây dựng trường sư phạm thành một loại trường được Đảng và được Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đề xuất và hội nghị hoàn toàn nhất trí phương châm “Chính trị là thống soái, nghiệp vụ là trung tâm, văn hóa là cơ sở của trường sư phạm, công thức 8+3+1” của các trường phổ thông đã được tuyên truyền rộng trong ngành và áp dụng nhiều năm để nâng cao chất lượng thầy giáo phù hợp với yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những thời điểm quan trọng của báo như lúc đổi tên từ “Người giáo viên nhân dân” thành “Giáo viên nhân dân”, “Giáo dục và thời đại”, từ báo ra hàng tuần đến báo ra các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy, rồi báo ra hàng ngày, rồi thêm “Tài hoa trẻ” thêm “GDTĐ Chủ nhật”, tôi đều tích cực tham gia vừa đọc các ấn phẩm mới, vừa viết bài cho các ấn phẩm đó.

Riêng với “Tài hoa trẻ” thì trong những năm 1996-2004 tôi đã viết hơn 20 bài về những nhân vật tài trí của Việt Nam như trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, Tiến sĩ Thân Nhân Trung, cụ Huỳnh Thúc Kháng, GS AHLĐ Vũ Khiêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, GS Dương Quảng Hàm… đăng hàng tuần. Sau hai năm đã tập hợp các bài viết đó in thành một cuốn sách lấy tên “Tài trí Việt Nam” (NXB Lao động).

Còn nhớ, năm 2006, tuy đã nghỉ hưu, được mời tham gia biên soạn cuốn sách  “60 năm ngành học sư phạm Việt Nam”, tôi đã phối hợp với ban biên tập báo ngành thực hiện trang chuyên đề dành riêng cho 60 năm ngành học sư phạm, đều đặn trong 3 tháng liền, tuần nào cũng có bài về ngành sư phạm đăng báo.

Cho nên trước kỷ niệm, ở các trường sư phạm trong toàn quốc đã nhận được nhiều thông tin về lịch sử và hoạt động của ngành từ 1946 – 2006. Anh chị em ở các trường sư phạm đã gọi điện báo cho tôi là họ được biết thêm nhiều điều về ngành sư phạm mà lâu nay họ chưa biết, nên họ rất tự hào về ngành học quan trọng của GD - ĐT và rất quý yêu tờ báo của ngành.

Có thể nói, nhìn tổng quát 55 năm qua, tờ báo Ngành nổi rõ 3 đặc điểm là tính cập nhật, tính chiến đấu và tính đa dạng. Những sự kiện, những hoạt động quan trọng của ngành đã được đưa lên mặt báo kịp thời và khá đầy đủ.

Những biểu hiện tích cực và tiêu cực của các cơ sở giáo dục cũng đã được phản ánh chân thực, thể hiện báo đã tiếp thu và thực hiện tốt chủ trương đổi mới của Đảng. Và gần đây, với cái tên “Giáo dục và Thời đại” báo ngành Giáo dục không chỉ nói về GD-ĐT mà còn có nhiều bài giới thiệu những nét mới trong nước và trên thế giới kể cả những phát hiện mới về truyền thống và lịch sử.

Chẳng hạn như các bài “Làm gì để phim Việt cất cánh”, “Marco Polo là người tìm ra châu Mỹ?”, “Phụ đạo đại thần Nguyễn Thành Ý”, “Cuộc chạm trán của hai thiên hà”, bài viết về nhà giáo tâm huyết Hoàng Tăng Bí… Phần lớn là các bài loại này thường được in ở số đặc biệt ngày thứ Hai của tuần lễ hoặc số giữa tháng và cuối tháng của mỗi tháng.

Chính ba đặc điểm đó của báo đã làm cho chúng tôi, những nhà giáo đương chức và đã về hưu, những người ở ngành học sư phạm càng quý yêu tờ báo ngành. 

Riêng tôi, đầu năm nay khi được biết không được nhận báo biếu nữa, tôi đã ra bưu điện Hà Nội đặt mua ngay để được đọc báo, viết bài cho báo liên tục. Nhiều bạn tôi  ở hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng cùng nghĩ và làm như tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.