Tin nhắn

Tin nhắn

(GD&TĐ) - Đang lơ mơ ngủ, Thuy chợt tỉnh bởi tiếng “tin tin” rất khẽ từ “dế yêu” phát ra. Quái lạ, Thuy nhớ trước khi đi ngủ trưa, cô đã vào “cài đặt âm” tắt máy từ lâu, vì chẳng mấy khi được ngủ đẫy giấc giữa một buổi trưa hè nắng nóng như đổ lửa thế này.

Thuy đã nghĩ tới những giấc mơ đẹp, những giấc mơ như chạy dưới vườn cây đầy hoa trái, hay tự dưng với một ý nghĩ là có thể mọc cánh như chim bay lên đến cung trăng, hoặc đơn giản chỉ là một lần ra chợ ăn chiếc bánh rán ngon ơ… Chứ nhất quyết không phải là giấc mơ trong khi ngủ co chân, đã đến giờ lên lớp rồi mà vẫn cứ đi ra đi vào không thể nhấc chiếc xe để đạp đến trường được, hay lên lớp rồi mà quên mất giáo án, hiệu trưởng phát thanh trong cuộc họp hội đồng, học trò sẽ nhốn nháo trong tiết khi không thấy cô giáo đến…, đó là những giấc mơ toát mồ hôi hột. Vừa đặt mình, chưa kịp mơ mộng gì thì tiếng nhạc báo tin nhắn đã sấn sổ lôi cô tỉnh giấc. Chẳng đọc làm gì, Thuy nghĩ, dù là tin đó báo cô trúng thưởng hàng trăm triệu từ một số điện thoại lạ hoắc, hay tin báo cô nhận được một món quà như một bài hát, hay một ảnh của cô ca sĩ nào đó, hay báo số chơi đề chiều nay làm cô có thể giàu trong chớp mắt, cũng không làm cô quan tâm.

Thôi tắt máy để hưởng thụ buổi trưa hè thoải mái không lo gì trễ giờ lên lớp, ngủ nướng tới bốn năm giờ chiều cho nó đã. Mặc cả rõ ràng bằng tiếng với ý nghĩ như vậy, nhưng cô không tài nào ngủ được. Thủ phạm đích thị là cái âm thanh rên rỉ “tin tin” như tiếng dế kéo đàn kia. Cũng có thể chủ nhân của nó là một cô, cậu học trò tinh nghịch của lớp cô chủ nhiệm - chuyên gia đứng cuối trường trong bảng xếp hạng tuần sao? Cũng có thể lắm chứ? Mấy cô cậu học trò này là lắm trò lắm. Cô bé Cầm chẳng hạn: nhắn tin nhoay nhoáy trêu cô vào buổi tối, đến khi Thuy mượn điện thoại của bố gọi lại, nó mới chịu nghe máy, Thuy giả vờ nói chuyện bạn bè với nó, nhận ngay giọng Cầm khiến con bé phải khóc hu hu xin lỗi cô. Linh An cũng bạo ra trò chứ chẳng như cái vẻ ngoài nhút nhát ở trên lớp. Nhiều khi muốn nói chuyện với cô giáo, Linh An viện cớ hỏi bài tập phải làm về nhà qua tin nhắn rồi huyên thuyên tâm sự những chuyện trời ơi đất hỡi ở lớp khi cô vắng mặt: “Cô ơi, cô đi họp sắp về chưa, mấy thằng dạo này nhuộm tóc nâu tóc vàng đó cô”. Rồi “Hôm nay, trong giờ học Anh, bạn Quân dùng tàu bay chuyển thư tỉnh tò, một bức thư tình bằng tiếng Anh cho Hoa, cả lớp như bị ném bom tấn khi tàu bay hạ cánh nhầm vào bàn Hà “loa hai phai” cô ạ”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tin nhắn toàn không dấu, khiến Thuy dịch bở hơi tai mới hiểu được. Như cái tin cực sốc kia mà cô vẫn lưu: “Cho nha co có dien khong?”. Thuy đọc tin là: “Chó nhà cô có điên không?”. Đang chấm bài, Thuy đập mạnh tay xuống bàn y như khi giận lũ học trò này trên lớp vậy. Dám hỗn láo đến thế là cùng. Máu trong người cô như đổ ngược lên hai má, cứ nóng bừng bừng như đứng trước lò lửa. Học trò này, chắc muốn véo tai đây. Ngày mai, cô sẽ “lên lớp” cho một trận tơi bời. Điện thoại lại rung tít: “Khong co dien, thi co phai cham bai bang nen a. Mai co co tra bai khong a?”. Tin này có nghĩa: “Không có điện, thì cô phải chấm bài bằng nến ạ. Mai cô có trả bài không ạ?”

Thuy chợt à lên rồi phì cười vì trình độ đọc tin nhắn của mình mẫu giáo quá, đã hiểu nhầm học trò. Thì ra lúc trước trò hỏi là “Chỗ nhà cô có điện không?” Chắc có lẽ, chỗ nhà học trò mất điện mà mai có tiết trả bài nên nó quan tâm tới cô mà hỏi vậy. Trời đất, nhắn tin kiểu này, có ngày muốn vỡ tim, nổ mắt. Mọi khi, vì bận, và vì những tin đâu đâu ít khi cô nhắn lại, mà chủ yếu là đọc tin, lần này Thuy nghĩ ra một dòng tin dí dỏm nhắn lại, đương nhiên không dấu: “an no hoc bai cho mat tap trung dien ke dien”. Tin nhắn này đến làm cho cô trò nhỏ bỗng dưng muốn khóc hu hu. Mãi mới thấy cô bé hồi âm, rất dài, có dấu hẳn hoi: “Em không hiểu. Cô nhắn cái gì ạ?”. Đương nhiên là Thuy chỉ cười rúc rích, không nhắn lại giải thích, cho cô bé này phải đau đầu như mình khi phải đọc tin nhắn xì- tin kiểu ấy hàng ngày.

Lắm khi đang căng thẳng vì soạn bài, đọc tin cũng thấy vui vui, thú vị. Song cũng có lúc, bực mình vì cái kiểu “nhất quỷ nhì ma” của mấy trò cá biệt. Cậu Dũng nấm chẳng hạn: Lùn như nấm nên có nick trung thành suốt từ lúc học lớp “Mầm” đến giờ. Nghiện “dế” đến nỗi bị thầy vật lý bắt phạt đứng mặc niệm ở góc lớp cả một tiết học vì lướt web trong giờ học không chịu làm bài tập. Đến buổi học sau, lười học bài, khi kiểm tra cậu chàng lại bị cô văn bắt quả tang đang copy bài làm trên mạng. Đến ba, bốn tội trong một rồi, nên giờ sinh hoạt, các biên bản, bản kiểm điểm được chuyển tới giáo viên chủ nhiệm để “xử”.

- Dạ, em xin nhận lỗi ạ, từ giờ em hứa không nghịch điện thoại trong giờ học nữa.

- Nhà trường có quy định mới, nếu các em còn dùng điện thoại trong giờ học là sẽ thu lại, cuối năm mời bố mẹ đến lĩnh. Còn em, cô phê bình trước lớp, nếu tái phạm sẽ hạ một bậc hạnh kiểm trong học kì này. Mời phụ huynh đến gặp tôi trong tuần tới. Sắp thi rồi mà không lo học chỉ lo chơi bời, điện thoại, rồi tới khi vắt chân lên cổ không kịp đâu.

- Dạ, vâng ạ! Nhưng mà… bố mẹ làm công ty hết cô ơi, nghỉ việc là bị phạt nên…

- Không “vì… nên…” “nhưng nhị” gì cả.

Tuần sau, thứ hai, Thuy nhận được một tin nhắn, đầy đủ dấu má hẳn hoi:

“Tôi là mẹ cháu Dũng. Cháu về kể và nhận lỗi với tôi rồi. Tôi sẽ bảo ban cháu. Hôm nay, công ty không cho nghỉ việc, lại không cho gọi điện khi làm. Cô thông cảm nhé!”

Trình bày như vậy thì không thông cảm sao được. Thuy lưu số lại và đặt tên “me hsdung” để tiện liên lạc.

Biên bản còn chưa khô mực, Dũng nấm lại vi phạm trong giờ thể dục, lớp trưởng báo “Cô ơi, nó bị ghi trên sổ thiên tào rồi, giờ thể dục không tập ra gốc cây buôn dưa lê trên điện thoại”.

Tình trạng khẩn cấp, luôn vi phạm, nên lực học sa sút rõ rệt, Thuy mở danh bạ “mehsdung” đây rồi.

“Alô, chị là mẹ em Dũng ạ?”

“Dạ, không, con tôi là Dung học lớp 6B ạ? Ai đấy ạ?”

“Mẹ em Dung chứ không phải Dũng ạ? Có lần chị nhắn tin cho tôi, giáo viên chủ nhiệm mà?”

“Không ạ, tôi chỉ biết nghe gọi không biết nhắn tin. Có phải Dũng con chị Mai không?”

“Vâng, Dũng nấm đấy”.

“Đó là cháu gọi tôi bằng dì, tuần trước nó có sang nhà tôi chơi, tôi có nhờ nó nạp thẻ hộ”.

Thì ra là vậy. Cầm điện thoại của dì, mạo danh là mẹ để nhắn tin nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm. Tội lỗi chồng chất. Lại biên bản. Dấu đỏ của ban giám hiệu hẳn hoi, có chữ kí của cả bố mẹ lên gặp cam kết cùng giáo dục. Hôm sau thấy Linh An nhắn tin “Cô ơi, sáng nay lên lớp, Dũng nấm sưng húp mắt”.

Vẫn tại cái tin nhắn đến lúc vừa rồi. Thuy hết xoay bên trái lại quay bên phải, nhắm mắt lại mở mắt. Tin nhắn đến không đọc cũng không thể ngủ yên được: “Chắc lại báo tin mình trúng mấy chục triệu hay mấy năm sử dụng dịch vụ miễn phí, soạn tin rồi gửi đến số…”. Mấy hôm nay, cứ từ trưa tới chiều cô nhận được liên tục những tin… ma kiểu ấy. Thôi, cứ đọc đi để yên tâm ngủ cho ngon. Cô với tay mở máy: “Cô ơi, em Dũng nấm đây, em đỗ rồi cô ạ!!!”. Thuy không tin vào mắt mình, nhưng có phải dịch tin không dấu đâu. Tin nhắn đầy đủ, ngắn gọn với ba dấu chấm than. Niềm vui làm cho Thuy bật thốt thành lời:

- Trời ơi, một tin nhắn vui nhất mình nhận được trong năm học này. Dũng nấm đỗ, thật không ngờ.

Đang soạn tin “Chúc mừng em nhé!” chưa kịp gửi thì điện thoại lại rung lên, báo có thư đến, một lá thư màu vàng lấp lánh, rồi lại báo có tin nhắn, hai lá thư nhỏ xíu màu vàng lấp lánh. Vội vàng trong hồi hộp, Thuy mở thư:

“Cô ơi, em được hai sáu điểm, em đỗ rồi!”

“Em Hà đây, em đỗ rồi đấy cô ơi”

Chưa bao giờ, đọc tin nhắn lại cho Thuy nhiều niềm vui như hôm nay. Cô thấy lòng mình lâng lâng khó tả, vui tựa như hôm cô đi xem kết quả thi của chính mình. Cô lần lượt nhắn tin chúc mừng từng trò một. Cơn buồn ngủ bỗng tan biến đi đâu. Ba mươi gương mặt học trò trong lớp chủ nhiệm như lần lượt hiện ra đang tươi cười với Thuy. Không chỉ hôm nay mà còn ngày mai ngày kia, cô sẽ phải túc trực điện thoại để nhận những niềm vui, và còn có thể, cả những nỗi buồn nữa cần chia sẻ của học trò, những người khách đã qua một chuyến đò… 

Nguyễn Thu Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ