Tín hiệu Wow! bí ẩn đến bao giờ?

GD&TĐ - Tín hiệu Wow! là gì và tại sao đã 45 năm trôi qua mà nó vẫn còn quan trọng đối với các nhà thiên văn học?

Tín hiệu Wow! có phải được phát ra từ người ngoài hành tinh?
Tín hiệu Wow! có phải được phát ra từ người ngoài hành tinh?

Sau khi xem qua bản in các tín hiệu từ không gian được mã hóa, một nhà khoa học thuộc Dự án Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất (SETI) đã viết chữ “Wow!” bên lề trang giấy.

Không ngờ, tín hiệu này nổi tiếng trong suốt 45 năm qua, làm cơ sở cho các khoa học đi tìm bằng chứng về sự hiện diện của những sinh vật ngoài hành tinh.

Câu chuyện về tín hiệu Wow!

Vào một đêm mùa hè năm 1977, Giáo sư Jerry Ehman thuộc Đại học bang Ohio, Mỹ kiểm tra một chồng bản in từ máy tính, công việc thường lệ của ông tại SETI. Đó là danh sách những con số và chữ cái không thể hiểu được đối với những người không có chuyên môn.

Ehman có nhiệm vụ lướt qua các bản in để tìm bằng chứng về người ngoài hành tinh. Và lần này, chuỗi ký tự xuất hiện khiến ông kinh ngạc. Cầm cây bút đỏ, ông khoanh tròn một dãy sáu số và chữ cái, rồi viết chữ “Wow!” bên lề, biểu lộ sự ngạc nhiên. Điều thú vị là từ đó, Wow! trở thành tín hiệu nổi tiếng trong quá trình đi tìm những người láng giềng của chúng ta trong vũ trụ.

Nhưng tín hiệu Wow! là gì và tại sao đã 45 năm trôi qua mà nó vẫn còn quan trọng đối với các nhà thiên văn học?

Vào những năm 1960, các nhà khoa học của SETI đã tự hỏi làm thế nào một nền văn minh xa xôi có thể liên lạc với Trái đất. Và tín hiệu vô tuyến được nghĩ đến.

Từ thực tế sóng vô tuyến mang âm nhạc đến ô tô của mọi người cũng di chuyển trong không gian, các nhà khoa học suy đoán, sẽ tương đối dễ dàng để người ngoài hành tinh phát đường truyền dẫn vô tuyến giữa các vì sao. Để nhận các tín hiệu này, SETI đã sử dụng “Big Ear”, một kính thiên văn vô tuyến khổng lồ đặt ở vùng nông thôn Ohio, Mỹ, liên tục quét lên bầu trời.

Cho đến ngày 15 tháng 8 năm 1977, “Big Ear” đã thu được các tín hiệu được mã hóa ra bản in có nội dung “6EQUJ5” trên một tờ giấy, được bao quanh bởi các số 1, 2 và nhiều số khác.

Để đo độ mạnh của sự truyền dẫn trong không gian, SETI đã sử dụng các số từ 1 - 9 đối với âm thanh yếu và chữ cái AZ khi âm thanh mạnh hơn. Chữ “A” là 10, “B” là 11... Chữ “U” hiển thị trên bản in có nghĩa là âm thanh lớn hơn 30 lần so với âm thanh gây nhiễu bình thường trong không gian. “Đó là điều thú vị về “Wow!””, Ehman nói.

Tín hiệu Wow! đến từ đâu?

GS Jerry Ehman và Kính thiên văn vô tuyến Big Ear.

GS Jerry Ehman và Kính thiên văn vô tuyến Big Ear.

Từ đó đến nay, đã 45 năm trôi qua, tín hiệu Wow! xuất hiện chỉ một lần khiến các nhà khoa học bối rối. Nó đến từ một vệ tinh, hay từ một chiếc máy bay băng ngang bầu trời? Là tín hiệu quân sự hay một chương trình phát sóng từ Trái đất? Hay nó là âm thanh tự nhiên từ một ẩn tinh (pulsar) xa xăm?

Các giả thuyết này nhanh chóng bị loại trừ do không phù hợp với những đặc điểm độc đáo của tín hiệu Wow!

Các nhà khoa học cho rằng, tại bang Ohio, máy thu của Big Ear đã theo dõi 50 kênh - tương đương với việc điều chỉnh 50 đài phát thanh ở các tần số khác nhau. Nhưng tín hiệu Wow! chỉ đi qua trên một kênh.

Các nguồn vô tuyến tự nhiên như ẩn tinh và chuẩn tinh (quasar), hai vật thể thiên văn khổng lồ, phát ra sóng tạo nhiễu trên toàn phổ nên chúng sẽ không tạo ra tiếng ồn trên một tần số duy nhất như tín hiệu Wow! Hơn nữa, tín hiệu Wow! đến trên một tần số cụ thể – tần số của hydrogen giữa các vì sao phát sáng.

Hydrogen, nguyên tố đầu tiên, chiếm khoảng 75% tổng số vật chất trong vũ trụ. Do nó quá dồi dào nên các nhà khoa học cho rằng, một nền văn minh thông minh có thể sẽ phát tín hiệu báo hiệu ở tần số của hydrogen.

Giải mã bí ẩn

Trong 45 năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng giải thích sự truyền tải bí ẩn này. Họ cho rằng, thời lượng của quá trình truyền - 72 giây - dường như xuất phát ngoài vũ trụ. Big Ear cố định, dựa vào vòng quay của Trái đất để quét lên bầu trời. Một đường truyền từ không gian xa xăm sẽ tăng dần cường độ, đạt đến đỉnh điểm và mờ dần khi Trái đất quay. Quá trình đó sẽ mất 72 giây - độ dài chính xác của tín hiệu Wow!

Một trong những bí ẩn lớn nhất là tại sao tín hiệu Wow! đã không thu nhận được kể từ năm 1977? Tại sao người ngoài hành tinh lại gửi một loạt tín hiệu chỉ một lần rồi ngưng?

Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết: Điều gì sẽ xảy ra nếu người ngoài hành tinh cũng đang quét bầu trời hằng đêm bằng chùm tia của họ? Lúc này, tín hiệu Wow! sẽ xuất hiện một lần, cho đến khi máy phát quét qua Dải Ngân hà một lần nữa và giao nhau với các chùm tia, như của Big Ear, trên Trái đất. Tuy nhiên, đến nay đã 45 năm trôi qua mà không có sự truyền dẫn nào khác lại đến.

Nhưng đến thế kỷ 21 này, các nhà khoa học có những công cụ mới để nghiên cứu không gian nhằm giải mã bí ẩn trên. Very Large Array, một kính viễn vọng vô tuyến ở New Mexico, có thể thu được nhiều tín hiệu truyền dẫn hơn cả Big Ear. Và Kính viễn vọng James Webb hứa hẹn sẽ ghi lại những hình ảnh chi tiết hơn về không gian ngoài khí quyển khi sử dụng bức xạ hồng ngoại.

Năm 1977, các nhà khoa học không có công nghệ để xác định chính xác nguồn gốc của tín hiệu Wow!. Vào thời điểm đó, Big Ear nhắm vào một mảng không gian gần chòm sao Nhân mã (Sagittarius), nơi có đến hàng triệu ngôi sao.

Hiện nay, SETI có các công cụ mới để dò tìm trong không gian. Ngoài việc lắng nghe các tín hiệu vô tuyến, các nhà khoa học còn tìm kiếm các tia sáng bằng cách sử dụng “SETI quang học”.

Ý tưởng là cố gắng dò xem có bất kỳ tia sáng đột ngột, ngắn và sáng bất thường nào không, để xác định có phải người ngoài Trái đất đang tìm cách liên lạc với chúng ta bằng cách chiếu một tia laser không gian vào Dải Ngân hà. Liệu chúng ta sẽ lại nghe thấy tín hiệu Wow!? Theo các nhà khoa học, triển vọng này không còn xa nữa.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.