Tín hiệu vui từ đề thi Lịch sử

GD&TĐ - Sau buổi thi sáng 27/6, Báo Giáo dục và Thời đại nhận được đánh giá tích cực của nhiều giáo viên đối với đề thi môn Lịch sử.

Thi sinh hoàn thành buổi thi cuối cùng kì thi THPT quốc gia
Thi sinh hoàn thành buổi thi cuối cùng kì thi THPT quốc gia

Xuất hiện nhiều câu hỏi khai thác về nước Nga và Liên Xô

Dựa trên 2 mã đề 302 và 306,  các giáo viên Tổ chuyên môn Lịch sử - Hệ thống GD Hocmai  đánh giá về để thi môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia:

Năm 2018 là năm đầu tiên xuất hiện câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử lớp 11 trong đề thi THPT quốc gia với 8 câu hỏi (chiếm 20%), trong đó có 3 câu hỏi thuộc phần Lịch sử thế giới về các chủ đề: Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 năm 1917; Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945); Nước Nga sau cách mạng tháng 10 năm 1917 và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Phần lịch sử Việt Nam với khoảng 5 câu hỏi chủ yếu thuộc giai đoạn từ năm 1858 – 1918. Các câu hỏi lớp 11 chủ yếu ở mức độ nhận biết; thông hiểu; trong đó câu 35 mã đề 306 được xếp vào câu hỏi ở cấp độ vận dụng, đòi hỏi sự móc nối kiến thức Lịch sử 11, 12 giữa Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới.

Năm nay, xuất hiện nhiều câu hỏi về  Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 Nga và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cũng như tác động của cách mạng tháng 10 Nga với quá trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Tất Thành. Các giáo viên cho rằng đây là điểm khá thú vị của đề thi.

Đề thi bao quát toàn bộ các chuyên đề của Lịch sử thế giới hiện đại. Đặc biệt, trong nhiều năm liên tiếp đề thi xuất hiện câu hỏi về chủ đề “toàn cầu hóa” – một vấn đề rất trọng tâm của chương trình Lịch sử thế giới 12 đồng thời cũng là một xu thế phát triển căn bản của thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Các câu hỏi thuộc phần lịch sử Việt Nam chủ yếu khai thác về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 – 1954 nhưng không xuất hiện dạng bài mới lạ hoặc các chủ đề có tính thời sự.

Có khoảng 10% tổng số câu hỏi của đề thi thuộc dạng bài so sánh. Theo đó, để làm được bài đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức về các sự kiện đồng thời phải có sự phân tích, tổng hợp, bao quát và đánh giá vấn đề mới có thể hoàn thành tốt.

Trước đây, đề thi lịch sử thường được cho là nặng về việc kiểm tra mức độ nhớ sự kiện của thí sinh đặc biệt là khi có thông tin môn sử được tổ chức thi trắc nghiệm thì dư luận vẫn cho rằng đề trắc nghiệm chỉ kiểm tra được mức độ nhớ. Trong đề thi 2 năm gần đây, không có các câu hỏi kiểm tra về nhớ mốc thời gian, mà các câu hỏi được thiết kế để kiểm tra mức độ hiểu. Kim Phượng (ghi)

Môn Lịch sử đang được trả lại vị thế

Cô Lê Thị  Mỹ Dung – giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) nhận xét về đề thi Lịch sử (mã 306):

“Ở góc độ bộ môn, là giáo viên trực tiếp giảng dạy, tôi thấy với cách thi hiện nay, đây là một tín hiệu vui, đó là Bộ GD&ĐT đang dần trả lại vị thế cho bộ môn Lịch sử, nhất là trong xu thế hiện nay”.

Cô Lê Thị  Mỹ Dung chia sẻ: Là giáo viên bộ môn, tôi lo lắng vì không biết mức độ khó của đề như thế nào, vì xuất hiện kiến thức cơ bản lớp 11. Nhưng khi quan sát đề, cảm giác đó mất đi. Trong 40 câu có 8 câu là kiến thức lớp 11, đều là phần kiến thức cơ bản và học sinh đã được thầy cô ôn luyện nhiều; còn lại 32 câu trải đều ở toàn bộ các giai đoạn lịch sử của chương trình Lịch sử thế giới và Việt Nam ở lớp 12. Đây cũng là những kiến thức rất trọng tâm của chương trình Lịch sử 12 và học sinh đã được chuẩn bị tâm thế rất kĩ với dạng câu hỏi như thế này. Vì vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, học sinh sẽ làm tốt.

Với việc lần đầu tiên học sinh phải thi cả phần kiến thức lớp 11 trong đề thi, bắt buộc học sinh phải học thật sự, có thái độ nghiêm túc với bộ môn mới có thể làm tốt được bài. Vì với thể thức ra đề như hiện nay, học sinh phải biết khái quát kiến thức một cách cơ bản và có hệ thống, không thể học lệch, học tủ.

Đề thi năm nay, học sinh chỉ cần hiểu bản chất các sự kiện lịch sử, các vấn đề lịch sử mà không cần phải ghi nhớ một cách máy móc các ngày tháng, mốc thời gian là đã có thể làm tốt bài thi.

Với ma trận đề năm nay, từ câu 1 – 24, chủ yếu ở hai mức độ là nhận biết và thông hiểu, dành cho học sinh có học lực trung bình, trung bình khá, có tiêu chí chỉ xét tốt nghiệp THPT. Theo quan điểm của tôi, học sinh dễ dàng đạt từ 5-6 điểm.

Từ câu 25-40, mức độ khó tăng dần, dành cho học sinh có học lực khá giỏi; đặc biệt 4 câu cuối dành cho học sinh giỏi, có tiêu chí xét tuyển đại học. Phổ điểm chủ yếu là điểm 6-7.

Để đạt điểm tuyệt đối, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức lịch sử sâu, rộng, biết vận dụng, liên hệ tốt.

Với cách ra đề như năm nay, tôi đánh giá tích cực về đề, về cơ bản có sự phân hóa rất tốt; đã chuyển tải được nội dung cơ bản, định hướng được học sinh và đáp ứng được mục tiêu giáo dục phát triển năng lực. Hiếu Nguyễn (ghi)

Không yêu cầu thí sinh ghi nhớ máy móc

Theo cô Phạm Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội): Đề thi bám sát mục tiêu dùng dữ liệu để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Về cấu trúc đề: Theo ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, tức có 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Điểm mới năm nay là có phần kiến thức Lịch sử 11, chiếm 20% nội dung đề thi.

Về chuẩn kiến thức, kĩ năng: Ở phần kiến thức lớp 11 (8 câu), các câu hỏi đều hỏi về kiến thức trọng tâm, cơ bản. Ví dụ câu 1 về phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX; câu 35 về cách mạng tháng 10 Nga… Do đó học sinh sẽ làm tốt các câu này.

32 câu còn lại (kiến thức Lịch sử 12), chiếm 80%, kiến thức rải đều các giai đoạn lịch sử, bao phủ toàn bộ chương trình lịch sử 12. Các câu hỏi thiết kế rất hay, theo 4 cấp độ nhận thức của học sinh (nhận biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao).

Câu hỏi trong đề thi thường sắp xếp từ dễ đến khó, càng về cuối càng phân hóa. Điều đó đòi hỏi đòi hỏi thí sinh phải biết sắp xếp thời gian và quy trình làm bài khoa học, hợp lý..

Tương quan kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới trong SGK là 7/3, thì ở đề thi, nội dung câu hỏi về lịch sử Việt Nam và thế giới cũng tương đương như vậy.

Tóm lại: Đây là đề khá hay, không yêu cầu thí sinh ghi nhớ máy móc, định hướng được công tác giảng dạy môn Lịch sử trong trường THPT. Hải Bình (ghi)

Đòi hỏi tư duy phân tích và nắm vững kiến thức

Đánh giá đề thi hay và vừa sức, ThS Đặng Ngọc Tú – tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho rằng: đề thi thể hiện đúng chủ trương dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên khi mới đọc đề thi, HS có thể bị “ngợp” bởi những sự kiện, con số…

Từ câu 1 – 22 hoàn toàn là kiến thức căn bản HS có thể trả lời được; từ câu 23-40 có vận dụng và vận dụng cao, đặc biệt mấy câu cuối để phân loại thí sinh.

Ưu điểm lớn nhất của đề thi Lịch sử là nội dung hỏi không khiến HS bị “bẫy”; với kiến thức lịch sử căn bản, mỗi HS đều được trang bị trong quá trình học và ôn luyện.

Những câu vận dụng, vận dụng cao, chỉ đòi hỏi HS tư duy khái quát, tổng hợp là có thể trả lời được. Ví dụ câu 38 (mã đề 36) về nét tương đồng về nghệ thuật quân sự của Chiến dịch Điện biên phủ (1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)…

Nếu là HS của tôi, với đề này các em sẽ rất thích. HS chỉ cần tập trung nghe cô giảng trên lớp và khắc sâu các sự kiện lịch sử cơ bản, có tư duy phân tích là có thể làm tốt đề thi này. Đây có lẽ là lý do HS ngày càng chọn thích chọn bài thi Khoa học xã hội.

Nhận xét chung: Đây là đề thi hoàn chỉnh, đi đúng hướng, rất cơ bản nhưng cũng có sự nâng cao để phân loại. Nguyễn Nhung (ghi)

Phạm vi kiến thức rộng hơn

Cho rằng đề thi chất lượng hơn so với năm 2017, cô Hoàng Thị Lan Hương – giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét độ khó của đề đã tăng, phạm vi kiến thức khá rộng, bao gồm cả chương trình lớp 11 và 12.

Hệ thống câu hỏi và các phương án đưa ra tương đối rõ ràng, mạch lạc. Có nhiều câu hỏi mang tính tư duy, học sinh phải nắm bắt các sự kiện trong mối tương quan, liên hệ với nhau, phải có kĩ năng so sánh, tổng hợp, phân tích, khái quát, đôi chỗ ghi nhớ chi tiết (ví dụ câu 6, mã đề 306).

Tuy nhiên theo cô Lan Hương, đa phần câu hỏi không quá lạ với HS. Nếu ôn tập kĩ lưỡng, HS có thể tự tin làm bài tốt. Phạm vi kiến thức tổng hợp ở tất cả các phạm vi kiến thức, từ thế giới đến Việt Nam cả 11 và 12, diễn ra ở các giai đoạn lịch sử.

Do yêu cầu phân hóa, ngay cả những câu hỏi ghi nhớ, HS không thể nhờ học thuộc lòng mà có thể làm được, mà phải có sự hiểu biết, nắm chắc sự kiện cũng như bản chất của sự kiện đó. Câu hỏi mang tính so sánh nhiều hơn, ví dụ câu 29, câu 32, 38… (mã đề 306). Tuy nhiên, không có câu hỏi đánh đố HS. Hiếu Nguyễn (ghi)

Ma trận đề thi hợp lí, bám sát chương trình học

Đánh giá về đề môn Lịch sử , cô Lê Thu – GV Tuyensinh247.com - phân tích: Đề thi bao gồm 40 câu bao phủ kiến thức lớp 11 và 12.

Ở phần Lịch sử thế giới lớp 11 đã có 2 câu bám sát vào nội dung, sự kiện lịch sử tiêu biểu tác động đến tình hình thế giới trong giai đoạn từ thế kỉ XIX đến năm 1945 như: Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945).

Mảng Lịch sử Việt Nam lớp 11 có  6 câu câu đí sâu vào vấn đề quá trình xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (1858 – 1884) song song với đó là quá trình kháng chiến, nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Một trong những nôi dung trọng tâm mà đề thi không bỏ qua là đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam và quá trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Tất Thành.

Nhìn chung, 8 câu hỏi thuộc phần Lịch sử lớp 11 không quá khó đối với học sinh nếu các em đã nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK vì  câu hỏi dừng lại ở mức độ vận dụng kiến thức.

Ở phần lịch sử lớp 12: Giống như đề thi THPT quốc gia năm 2017, phần kiến thức lớp 12 trong đề thi THPT quốc gia năm 2018 bám sát những vấn đề tiêu biểu của Lịch sử thế giới hiện đại (1945 – 2000) và Lịch sử Việt Nam (1919 – 2000). Trong đó:  Phần Lịch sử thế giới (1945-2000)chiếm 10 câu, đi sâu vào những sự kiện, nội dung tiêu biểu các tác động mạnh đến tình hình quốc tế:quan hệ quốc tế (Liên Xô và Mĩ, Chiến tranh lạnh), ASEAN. Vấn đề Chiến tranh lạnh chiếm tới 4/10 câu. Chủ đề phong trào giải phóng dân tộc (châu Á, châu Phi) và Liên Hợp quốc đều chiếm số lượng nhỏ câu hỏi trong đề thi.

Trong phần lịch sử Việt Nam với số lượng 12 câu hỏi nội dung bao quát từ 1919 đến 2000 mà trọng tâm nhất vẫn là giai đoạn 1945 – 1975 tương ứng với những phần kiến thức có nhiều vấn đề liên quan đến các chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp: chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ …và các chiến lược chiến tranh của Mĩ và cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Một số câu hỏi mang tính phân hóa yêu cầu học sinh nhận xét chung về đặc điểm từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn 1945 – 1975 và 1954 – 1975.

Giai đoạn 1975 – 2000 chỉ chiếm 2 câu trong đề thi, đều đề cập về công cuộc đổi mới. Mức độ vận dụng và vận dụng cao chủ yếu tập trung vào phần kiến thức này, yêu cầu học sinh cần bình tĩnh, huy động mọi kiến thức đã có để tìm ra đáp án chính xác nhất.

Tóm lại, đề thi THPT QG môn Lịch sử năm 2018 được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức: Từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao được xây dựng khá khoa học. Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm nhất. Nội dung kiến thức phổ rộng và tương đối khó hơn  cho học sinh so với đề thi môn Lịch sử năm 2017. Vũ Duyên (ghi)

Đòi hỏi thí sinh có khả năng xâu chuỗi kiến thức

Thầy Lê Văn Phan - Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền – TP Đà Nẵng nhận xét đề thi môn Lịch sử có khả năng phân hóa cao, chỉ những HS nắm chắc kiến thức và có năng lực tư duy, vận dụng tốt mới có thể đạt điểm khá giỏi. Phổ điểm sẽ tập trung chủ yếu từ 8 điểm trở xuống, mức 9-10 sẽ rất ít, thậm chí là khó để đạt được 10 điểm.

Độ khó của các mã đề thi môn Lịch sử là tương đối đồng đều, độ phân hóa cao, thực hiện tốt chức năng 2 trong 1: vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH. Cấu trúc các mã đề đảm bảo như cấu trúc của đề minh họa đã công bố trước đó, gồm 8/40 câu hỏi nằm ở kiến thức lớp 11 và 12/40 câu hỏi phần lịch sử thế giới.

Bắt đầu từ câu 20 trở đi thì độ khó có sự tăng dần và câu thứ 25 trở về sau thì có tính chất phân loại thí sinh rõ rệt. Có nhiều câu hỏi thiên về so sánh và liên hệ; thậm chí là có những câu hỏi buộc thí sinh phải liên hệ, so sánh giữa kiến thức ở lớp 11 và lớp 12. Để đạt được điểm tuyệt đối ở môn Lịch sử thì thí sinh phải nắm vững kiến thức, hiểu được bản chất của sự kiện, phải biết nhận xét, đánh giá vai trò, ý nghĩa, tác động và mối liện hệ của các sự kiện, hiện tượng lịch sử cụ thể.

So với đề minh họa thì đề thi chính thức của môn Lịch sử có sự đầu tư rất nhiều và cũng hay hơn nhiều, dù đề minh họa trước đó đã được đánh giá là hay. Hệ thống câu “gây nhiễu” được xây dựng rất tốt, có những câu hỏi mà phương án trả lời chuẩn chỉ khác so với câu không chuẩn từ 1 – 2 từ, nếu thí sinh không nắm vững thì rất dễ nhầm lẫn. Hà Nguyên (ghi)

Đảm bảo tính cân bằng về độ khó dễ giữa các mã đề

Cô Bùi Thị Phượng, Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM, đánh giá:

Cấu trúc nội dung đề thi môn Sử nằm trong chương trình lớp 11 và 12. Lớp 11 chiếm khoảng 20% kiến thức, còn lại nội dung chương trình lớp 12. Đề có mức độ phân hóa rõ ràng cho đối tượng học sinh xét tốt nghiệp THPT, 70% kiến thức cơ bản, 30% câu hỏi dành cho thí sinh chọn xét vào các trường cao đẳng, đại học.

Tôi chưa xem hết tất cả 24 mã đề, nhưng qua tiếp cận một số đề thi và từ phản hồi của học sinh tôi thấy, nếu so với đề thi THPT QG năm 2017, năm nay cách ra đề đảm bảo tính cân bằng về độ khó dễ giữa các mã đề, đó cũng là yếu tố đảm bảo tính công bằng cho thí sinh.

Cách ra đề bám sát những nội dung giáo viên đã hướng dẫn trên lớp và tương tự như mẫu đề minh hoạ của Bộ. Đề có tính phân hóa, câu hỏi rõ nghĩa không làm khó học sinh. Có thể đánh giá đây là một đề thi “an toàn” cho học sinh. Thảo Nguyên (ghi)

Đề Lịch sử kiến thức trải rộng

Cô Trần Thị Mỹ Hương, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Trần Hưng Đạo (TPHCM) cho biết, đề thi trắc nghiệm Lịch sử khá hay, có tính phân loại cao. Câu hỏi theo các chuyên đề lịch sử khá sát. Các câu chủ yếu mang tính vận dụng tư duy, không quá thiên về kiến thức học thuộc. Điều này khiến các thí sinh “dễ thở” hơn, nếu nắm vững kiến thức, sẽ làm bài tốt. 

Đề bám sát kiến thức sách giáo khoa nhưng câu hỏi theo kiểu thông hiểu là chính. Đề  bao gồm cả kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới. Đề không đánh đố học sinh. Nếu các em có kiến thức cơ bản thì điểm 5 dễ dàng.

Đề thi môn Lịch sử năm nay có 15 câu lịch sử thế giới, gắn liền với thực tế nhiều. Các em có hiểu biết thực tế tình hình hiện nay thì làm được. Các câu hỏi lịch sử trong nước xoay quanh sự kiện cách mạng tháng 8/1945, giải phóng miền nam 1975 và chiến tranh miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đề có khoảng 5 câu khó rơi vào chương trình lớp 12 và lớp 11, thí sinh cần suy luận mới có thể đạt kết quả tốt.

Phần Lịch sử Việt Nam chiếm chủ yếu những nội dung chính của chương trình. Học sinh không khó khăn trong lựa chọn đáp án. Chỉ vài câu vận dụng cao hơi khó bởi  kiến thức trải rộng ở các bài, đòi hỏi các em phải đọc sách giáo khoa nhiều và phải biết suy luận từ lý thuyết. .

Với đề thi này, phổ điểm 7, 8 cũng tương đối nhiều nhưng để đạt điểm tuyệt đối thì ngoài  hiểu bài, các em phải biết vận dụng kiến thức để rút ra đáp án ở một số câu vận dụng  như nhận xét, so sánh.  Lê Đăng (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.