Chủ động triển khai giáo dục STEM
Mô hình giáo dục dạy học STEM trong trường học tại Phú Thọ bao gồm dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức các hoạt động trải nghiệm và các hoạt động nghiên cứu khoa học. Giáo dục STEM giúp các học sinh hình thành và phát triển 4 kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Bùi Tuần Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cho biết: Ngày 15/4, Phòng Giáo dục tổ chức Ngày hội STEM Phù Ninh 2022 nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí, giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường trung học; tuyên truyền, quảng bá các hoạt động giáo dục STEM trong các trường học trên địa bàn; giới thiệu các sản phẩm STEM tiêu biểu, tạo môi trường và cơ hội giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, tiếp cận giáo dục STEM của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn ngành giáo dục.
Qua đó, khuyến khích học sinh trung học cơ sở nghiên cứu Khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để học sinh trung học cơ sở giới thiệu kết quả nghiên cứu Khoa học kỹ thuật; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các trường học; khuyến khích các cơ cơ quan, cơ sở nghiên cứu, tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ hoạt động nghiên cứu Khoa học kỹ thuật của học sinh trung học cơ sở.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh Bùi Tuấn Long nhấn mạnh: Trong vài năm học gần đây, Phòng GD&ĐT Phù Ninh đã chỉ đạo, triển khai các hình thức giáo dục STEM trong 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện qua các môn học và các hoạt động giáo dục theo mô hình nhóm, lớp hoặc hoạt động trải nghiệm có sự tham gia của học toàn trường.
Việc tổ chức hoạt động giáo STEM trong các nhà trường đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm đã tạo được sự thu hút, hứng thú rất lớn cho học sịnh như các hoạt động trải nghiệm dưới hình thức: Chợ quê, Ngày tết quê em, thi gói bánh chưng; giáo dục kỹ năng sống...
Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động giáo dục STEM thì học sinh hình thành được những kiến thức mới rất nhẹ nhàng, giúp các em tự tin, rèn khả năng hợp tác làm việc nhóm rất tốt.
Cô giáo Tạ Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh chia sẻ: Ý thức được tầm quan trọng của giáo dục STEM, đặc biệt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những năm học gần đây, trường THCS giấy Phong Châu đã triển khai chuyên sâu về giáo dục STEM; chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, dạy học các môn khoa học theo bài học STEM và tích cực khuyến khích học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Từ đó, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên, không bị gò ép theo lý thuyết, để các em thực hành, tự mở rộng vốn kiến thức và ứng dụng vào đời sống hàng ngày.
Hoạt động trải nghiệm STEM được trường THCS Giấy Phong Châu thường xuyên tổ chức thông qua hình thức câu lạc bộ và các hoạt động trải nghiệm thực tế. Các hoạt động giáo dục STEM đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, kích thích trí sáng tạo của học sinh, giúp giải tỏa áp căng thẳng, mệt mỏi, tạo động lực cho hs trong quá trình rèn luyện và học tập
Thầy đổi mới, trò sáng tạo
Trường THCS Phú Lộc, huyện Phù Ninh là một trong những cơ sở giáo dục áp dụng STEM sớm, cô giáo Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục STEM, từ năm học 2016 - 2017, nhà trường triển khai xây dựng một số chủ đề giáo dục STEM gắn với việc dạy học bộ môn. Các chủ đề dạy học này hầu hết được xuất phát từ các vấn đề gặp phải ngay trong cộng đồng nơi các em sinh sống. Đến năm học 2021 - 2022 thì việc dạy học STEM được trường THCS Phú Lộc triển khai đồng loạt ở tất cả các môn thuộc KHTN, môn Địa lý thông qua bài giảng STEM của giáo viên được xây dựng cùng với kế hoạch giáo dục bộ môn từ đầu năm học.
Một điểm mạnh khi áp dụng STEM vào giảng dạy là giáo viên đã trao quyền chủ động tổ chức các tiết học cho học sinh, tiệm cận từng bước tới mục tiêu học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình.
Trong quá trình thực hiện giáo dục STEM, học sinh nhà trường đã chủ động, tích cực đề xuất và thực hiện các sản phẩm học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Rất nhiều các sản phẩm của các em đã được dự thi và đạt giải cao ở các cuộc thi: Khoa học kĩ thuật, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn. Phụ huynh đồng tình ủng hộ tạo điều kiện để con tham gia với kết quả tốt nhất.
Cô giáo Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng trường THCS Phú Lộc đưa ra quan điểm: Xã hội ngày càng văn minh, cùng với sự phát triển của CNTT nên việc vận dụng phương pháp giáo dục STEM là rất quan trọng đối với việc phát triển năng lực cho học sinh, không thể thiếu đối với mỗi nhà trường hiện nay.
Bởi phương pháp giáo dục STEM giúp: Đảm bảo giáo dục toàn diện; nâng cao hứng thú học tập các môn học STEM; Kết nối trường học với cộng đồng, hướng nghiệp, phân luồng học sinh; Góp phần củng cố, đào sâu, hệ thống hóa kiến thức khoa học đã học trong chương trình, mở rộng kiến thức và năng lực thuộc các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học… Góp phần giáo dục kĩ thuật tổng hợp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt là các ngành nghề thuộc các lĩnh vực STEM.
Sáng ngày 15/4, tại trường THCS Phú Lộc, Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh (Phú Thọ) tổ chức “Ngày hội STEM Phù Ninh 2022 – Cuộc thi sáng tạo Robotic Tự hào Đất Tổ Hùng Vương” với sự tham gia của 20 trường THCS trên địa bàn.
Ngày hội đã diễn ra hoạt động triển lãm, trưng bài sản phẩm “Giáo dục STEM” của các trường THCS cùng một số đơn vị tài trợ như: Trung tâm Anh ngữ Dolphin, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Giáo dục Hùng Vương…Mỗi trường có 2 em học sinh thuyết trình về sản phẩm tại gian trưng bày của trường mình.
Về thi đấu “Giao lưu các Câu lạc bộ STEM” có 6 trường THCS trên địa bàn tham gia bao gồm: THCS Phú Lộc, THCS Giấy Phong Châu, THCS An Đạo, THCS Bình Bộ, THCS Phú Nham, Phù Ninh; mỗi đội có 6 thí sinh.