Tìm 'tiếng đầu đời' cho trẻ chậm ngôn ngữ

GD&TĐ - Chị Nguyễn Thị Kim Phượng ở Bến Tre sáng lập trường hỗ trợ các bé chậm phát triển hòa nhập cộng đồng.

Các bé được hỗ trợ phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
Các bé được hỗ trợ phát triển kỹ năng ngôn ngữ.

Thấu hiểu nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh có con chậm nói hoặc có hành vi, cử chỉ bất thường, chị Phượng đã dày công học hỏi và mở trường hỗ trợ các bé chậm phát triển hòa nhập cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, giáo viên dạy tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ Cambridge Bến Tre đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu về trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và những cá biệt khác. Càng tiếp xúc chị càng thấy thương trẻ và nghĩ mình cần phải làm việc gì đó giúp các bé này phát triển, hòa nhập cộng đồng.

Ngôi trường “cá biệt”

Trên đường học hỏi kiến thức hỗ trợ trẻ chậm ngôn ngữ, chị Phượng đã tìm đến trường nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh, dự các khóa học giáo dục đặc biệt ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các khóa học dành cho cha mẹ ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM... Rồi chị tìm đến các bạn chuyên ngành tâm lý, giáo viên mầm non bày tỏ ý tưởng, nguyện vọng thành lập trung tâm hỗ trợ các trẻ chậm phát triển hòa nhập cộng đồng.

Được nhiều bạn yêu thương trẻ, có chuyên môn sâu về dạy trẻ, cùng tâm nguyện tạo ra môi trường hạnh phúc cho các bé phát triển tốt, chị Phượng khởi nghiệp thành lập ngôi trường hỗ trợ trẻ chậm phát triển. Ngôi trường có tên “Trung tâm Nghiên cứu và bồi dưỡng kỹ năng sống nụ cười hồng”. Chị Phượng lý giải tên trường, rằng hồng là tuổi hồng, nụ cười hồng là mang niềm vui cho trẻ.

Trung tâm do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép và trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, là đơn vị đầu tiên thuộc tổ chức Hội này ở ĐBSCL. Trung tâm được thành lập năm 2020 có trụ sở chính ở TP Bến Tre và có cơ sở 2 ở thị trấn Mỏ Cày, Mỏ Cày Nam và cơ sở 3 ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre).

Gọi là trường học “cá biệt” bởi mỗi trẻ đến trung tâm có khó khăn riêng, có bé chậm phát triển ngôn ngữ đơn thuần, có bé còn kèm theo dị tật. Trung tâm sử dụng phương pháp hỗ trợ linh hoạt, phù hợp từng đặc điểm của trẻ.

Trẻ được nhận vào trung tâm có độ tuổi từ 2-13, đã qua khám, chẩn đoán của bác sĩ ở bệnh viện Nhi đồng 1 hoặc bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM về tai, mũi, họng để biết trẻ chậm ngôn ngữ bẩm sinh hay chậm nói khách quan. Trường hợp nói ngọng, đớt, trung tâm có thể can thiệp hỗ trợ nhưng thời gian dài hơn. Các trẻ trước khi được nhận vào học được sàng lọc, tham vấn miễn phí. Trung tâm tự chủ về kinh phí hoạt động nhưng cũng có chính sách miễn giảm học phí cho con em gia đình nghèo.

Trẻ đến trung tâm hiện nay, không chỉ sống ở TP Bến Tre mà còn ở các xã của huyện lân cận. Theo điều tra của trung tâm, hiện nay nhu cầu hỗ trợ trẻ chậm phát triển ngôn ngữ ở huyện còn rất nhiều nhưng ở huyện xa chưa tiện đến được. Sắp tới, trung tâm sẽ mở thêm cơ sở ở huyện Ba Tri, các cô hỗ trợ viên có chuyên môn và là người ở địa phương, dễ hiểu trẻ hơn.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, Giám đốc trung tâm.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, Giám đốc trung tâm.

Có vui trẻ mới sáng

Ở trung tâm, trẻ chậm ngôn ngữ nặng nhất là ở các xã nông thôn. Ở các miền quê này, người chăm sóc thường là ông, bà, việc trông coi trẻ là giữ an toàn. Trẻ thường được giữ trong cũi không cho ra ngoài hoặc ở trong nhà đóng kín cửa. Gia đình thường cho trẻ xem ti vi, chơi điện thoại thông minh, Ipad nhiều giờ để trẻ không quậy phá, những việc này vô tình tạo khắc ấn khiến trẻ chậm nói.

Khi nhận trẻ vào trung tâm, chị Phượng và các cô hỗ trợ viên không khỏi bất ngờ sửng sốt khi có bé đang chơi bỗng chụp tay bạn cắn hoặc tát cô giáo... Với các hành vi này của trẻ nếu không kềm chế, giáo viên dễ phạt, la rầy bé nhưng các cô luôn suy nghĩ tích cực, tạo môi trường tích cực cho các bé, dùng lời lẽ chân, thiện, mỹ.

Với các bé bị bạo lực ở nhà, hay bị phụ huynh quát mắng với âm lượng lớn, các cô dùng lời dịu dàng, âm lượng nhỏ từ từ để bé tích hợp xoa dịu nóng nảy và kết nối. Có những bé vào trung tâm còn vết hằn roi, các cô tư vấn riêng với phụ huynh về cái hại tâm lý lẫn thể chất và phương pháp chăm dạy.

Trung tâm có hai dịch vụ cung cấp: Hỗ trợ trẻ hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Dịch vụ hỗ trợ phát triển kỹ năng ngôn ngữ lại gồm hai dịch vụ nhỏ: Hỗ trợ can thiệp nhóm và hỗ trợ can thiệp cá nhân. Hỗ trợ can thiệp nhóm cho trẻ sinh hoạt phát triển trong một nhóm nhỏ gồm các kỹ năng: Tự phục vụ mình, kỹ năng công tác xã hội, biết chờ đợi luân phiên, đến lượt mình.

Hỗ trợ can thiệp nhóm gồm các trẻ khó khăn về ngôn ngữ, có hành vi bất thường, thay đổi chỗ ngồi, làm đau người khác hoặc tự làm đau mình... Tùy theo số bé có hành vi trên nhiều hay ít mà có 2 -3 ba cô phụ trách từ 5 - 13 bé. Hỗ trợ can thiệp nhóm thời gian kéo dài và thay đổi hoạt động liên tục. Hỗ trợ can thiệp cá nhân, số lượng chỉ 1 bé, hỗ trợ viên thường hai cô tập cho bé làm theo. Hỗ trợ can thiệp cá nhân khoảng 20 phút, tối đa là 1giờ có ngắt quãng, thư giãn cho bé trước 20 phút tiếp theo, tránh cho trẻ căng thẳng.

Theo chị Phượng, mỗi ngày nhìn trẻ tiến bộ dù chỉ nhỏ nhoi, ví dụ như có thể cúi đầu, có thể nhìn tương tác mắt với cô lâu hơn 1 - 2 giây, tất cả đều có ý nghĩa lớn lao, giúp mỗi thành viên của trung tâm tiếp tục nâng cao bản thân hiểu trẻ và giúp trẻ phát triển nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, việc hỗ trợ trẻ phát triển nhanh, tốt hay không, còn tùy ở mức độ hợp tác của gia đình, trong đó trung tâm chỉ 40%, gia đình 60%. Gia đình hợp tác tích cực, bé từ 2 - 4 tuổi sau 2 - 8 tháng có thể phát triển bình thường. Trẻ 4 - 6 tuổi cần đến 4 -12 tháng. Trẻ càng lớn, thời gian hỗ trợ dài hơn.

Bà Nguyễn Thị Bích Trang, mẹ của bé Lê Thanh Phương (tên mẹ và bé đã thay đổi - PV) ở huyện Châu Thành, Bến Tre cho biết bé gần 3 tuổi chưa biết nói, cha mẹ gọi không nghe, không nhìn người gọi, không thích chơi đồ chơi, mê xem ti-vi. Sáng ngủ dậy cầm tay mẹ chỉ ti-vi và xem miết không chịu rời. Vào trung tâm hơn 3 tháng, nhờ sự hỗ trợ của các cô, giờ bé đã nói được nhiều và chịu ngồi yên, không chạy lăng xăng nghịch ngợm.

“Trẻ hòa nhập được, đó là cả một hành trình vất vả của tất cả mọi người và gia đình. Mỗi lần trẻ hòa nhập, trung tâm làm lễ ra trường là có niềm vui chan hòa trong nước mắt hạnh phúc của các cô và gia đình trẻ”, chị Phượng bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ