Những phát hiện vào hôm 16/7 cho thấy, nhóm người săn bắn hái lượn tại Đông Địa Trung Hải đã làm bánh mì 4.000 năm trước khi bắt đầu phát triển nông nghiệp.
Chiếc bánh mì (phải) được tìm thấy trong một bếp bằng đá (trái). |
Chiếc bánh mì này được làm từ các loại ngũ cốc dại như lúa mạch, lúa mì, yến mạch và các loại củ được nghiền và xay nhuyễn. Đó là một sản phẩm của nền văn hóa Natufian và được tìm thấy tại một địa điểm khảo cổ tại Sa mạc Đen (Black Desert), theo Reuters.
"Sự hiện diện của chiếc bánh mì vào thời đại đó, tại địa điểm này rất đặc biệt", nhà khảo cổ Amaia Arranz-Otaegui tại Đại học Copenhagen nói.
Ông Arranz-Otaegui cho biết từ trước tới nay nguồn gốc của bánh mì vẫn được liên hệ với những xã hội phát triển nông nghiệp sớm, nơi trồng ngũ cốc và các loại đậu. Những bằng chứng cổ nhất trước đó về bánh mì tới từ một địa điểm tại Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 9.100 năm.
"Chúng tôi phải đánh giá xem liệu có mối liên hệ giữa sản xuất bánh mì với nguồn gốc của nông nghiệp hay không", tiến sĩ Arranz-Otaegui nói. "Có lẽ bánh mì đã khuyến khích con người trồng trọt và làm nông nghiệp, nếu nó trở thành món ăn được ưa thích".
Những bằng chứng từ điểm khảo cổ cho thấy người Natufian đã ăn thịt và thực vật. Những chiếc bếp hình tròn, được làm từ đá bazan phẳng, có đường kính khoảng 1m, được đặt ở giữa các túp lều.
Ông Arranz-Otaegui cho biết các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tiến trình thử tái sản xuất bánh mì và đã thành công trong việc làm bột từ các loại củ theo công thức của người tiền cổ.
"Hương vị của các loại củ khá gắt và mặn. Tuy nhiên, cũng có chút ngọt", ông nói.