Giáo sư Rolf Marschalek - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu biến chứng đông máu hiếm gặp ở vắc-xin ngừa Covid-19 từ tháng 3 - thuộc Đại học Goethe ở thành phố Frankfurt, cho biết: “Vấn đề nằm ở công nghệ vector adenovirus mà cả 2 loại vắc-xin đã sử dụng để đưa mã di truyền của SARS-CoV-2 vào cơ thể người.
Cụ thể, vắc-xin của AstraZeneca và Johnson&Johnson sử dụng công nghệ này để đưa protein gai của nCoV đi vào nhân tế bào, thay vì dịch bào, nơi virus thường tạo protein”.
“Khi ở trong nhân tế bào, một cấu trúc của protein gai cắt nối với nhau tạo ra phiên bản đột biến. Trên lý thuyết, các protein gai đột biến này sau đó sẽ được tế bào ‘tiết vào cơ thể’ và có thể tạo ra các cục máu đông với tỷ lệ khoảng 1/10.000 người”, báo cáo của giáo sư Marschalek khẳng định.
“Còn với vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng công nghệ ARN, cung cấp thông tin di truyền tổng hợp gai tế bào nCoV, chuỗi này không bao giờ đi vào nhân tế bào và không gây hiện tượng đông máu”, giáo sư người Đức lý giải.
Nghiên cứu cho thấy, các nhà phát triển vắc-xin có thể “sửa đổi trình tự gen của protein gai để nó không bị tách rời”. “Hiện Johnson & Johnson đã liên hệ với phòng thí nghiệm của chúng tôi để tìm hiểu thêm thông tin”, giáo sư tại Đại học Goethe chia sẻ thêm.
Thực tế, biến chứng đông máu hiếm gặp đã làm gián đoạn hoặc đình chỉ chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 của cả AstraZeneca, lẫn Johnson&Johnson tại nhiều nước trên thế giới.
Biến chứng đông máu hiếm gặp được ghi nhận ở 309 trong số 33 triệu người tiêm vắc-xin AstraZeneca ở vương quốc Anh, trong đó làm 56 trường hợp tử vong. Còn tại các quốc gia khác ở châu Âu cũng ghi nhận ít nhất 142 người gặp biến chứng đông máu trong số 16 triệu người tham gia tiêm vắc-xin ngừa nCoV.
Dù đánh giá cao nghiên cứu của Rolf Marschalek và các cộng sự của ông, nhưng “đây vẫn là một giả thuyết cần được chứng minh, làm sáng tỏ hơn nữa bằng các dữ liệu thực nghiệm” - Giáo sư Johannes Oldenburg, chuyên gia y học truyền nhiễm thuộc Đại học Bonn ở Đức, nhận định.