Giới hạn vận động trong thời gian dài cao gấp khoảng 2,5 lần tốc độ trao đổi chất của cơ thể trong trạng thái nghỉ ngơi, hay tương đương với việc đốt 4.000 calo mỗi ngày đối với một người bình thường, theo các nhà khoa học báo cáo vào ngày mùng 5 tháng 6 trên tờ Science Advances (Tốc độ trao đổi chất khi cơ thể trong trạng thái nghỉ là thước đo xem cơ thể đốt cháy bao nhiêu calo cho các nhu cầu sinh lý cơ bản như duy trì nhiệt độ cơ thể và nhịp thở).
Để xem liệu có giới hạn về sức bền ở con người, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ một số sự kiện đòi hỏi sức bền mạnh mẽ nhất trên hành tinh. Họ đã đo tốc độ trao đổi chất khi nghỉ ngơi và lượng calo được đốt cháy bởi những người tham gia cuộc đua xuyên nước Mỹ, một loạt các cuộc đua marathon kéo dài hàng tháng và đưa những người tham gia vào chuyến hành trình từ California đến Washington, DC.
Bằng cách phân tích các mẫu nước tiểu từ các vận động viên ở chặng đầu tiên và cuối cùng của cuộc đua, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sau năm tháng chạy, các vận động viên đã đốt cháy ít calo hơn rất nhiều so với lúc bắt đầu cuộc đua.
Họ cũng so sánh các kết quả với dữ liệu đã được công bố từ các hoạt động khác như marathon, bơi lội, leo núi tại Bắc Cực, Tour de France và những năm trước của Cuộc đua xuyên nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự kiện càng kéo dài, càng khó đốt cháy calo của các vận động viên.
Mặc dù tham gia vào các hoạt động tương đối ngắn hạn như một cuộc chạy marathon duy nhất, cơ thể có thể duy trì lượng calo bị đốt cháy ở mức độ cao hơn nhiều lần so với tốc độ trao đổi chất khi nghỉ ngơi.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, phụ nữ mang thai đốt calo cao gấp 2,2 lần tốc độ trao đổi chất khi nghỉ ngơi bình thường khi hoạt động chỉ bởi vì đang mang trên mình một em bé.
Tất cả điều này là để nói rằng đối với bất kể hoạt động nào, dù là nuôi con, chạy xuyên qua nước Mỹ hay đạp xe, cơ thể dường như đều có giới hạn về lượng năng lượng mà nó có thể cung cấp trong thời gian dài.
Câu trả lời cho giới hạn cứng này có thể nằm ở hệ thống tiêu hóa và lượng calo mà ruột có thể hấp thụ một ngày, đồng tác giả Herman Pontzer, Phó Giáo sư nhân chủng học tiến hóa tại Đại học Duke, Califorlia (Mỹ) khẳng định.
Các vận động viên không chỉ bị suy nhược khi đạt đến ngưỡng 2,5 lần này. Họ có thể tiếp tục vận động nhưng sẽ không thể duy trì sự cân bằng về số lượng calo tiêu thụ và đốt cháy. Vì vậy, cơ thể bắt đầu ăn mòn chính nguồn lực của nó và khiến họ bắt đầu sụt cân. Điều này về bản chất sẽ không thể duy trì mãi.
“Vì vậy, tôi đoán đó là một thách thức đối với các vận động viên sức bền ưu tú” - PGS Pontzer phát biểu: “Khoa học thành công khi bạn được chứng minh là bạn sai. Có thể ai đó sẽ vượt qua được ngưỡng đó trong tương lai và cho chúng ta thấy những gì chúng ta còn chưa biết”.