Khó khăn trong việc diễn tả chất liệu
Mỗi chất liệu thường có cách "diễn tả" khác nhau, mỗi chất liệu cũng mang ngôn ngữ, biểu cảm riêng. Đây chính là thách thức đối với người nghệ sĩ. Khi ngắm các tác phẩm điêu khắc, người ta khó cưỡng lại ước muốn được sờ vào chúng như để cảm nhận được nhiều hơn sự hấp dẫn của chất liệu và sự gia công của người tạo ra chúng.
Điều đó cho thấy không thể thiếu chất liệu khi nhắc đến một tác phẩm điêu khắc hay nói cách khác nếu thiếu chất liệu, tượng điêu khắc không thể gọi là tác phẩm được.
Đáng buồn là việc "diễn tả" chất liệu đối với các sinh viên điêu khắc hiện nay lại trở thành vấn đề "bất khả thi" nếu không muốn nói là "mù chất liệu".
Hầu như họ không có kiến thức kỹ năng xử lý chất liệu, không thể cảm nhận được vẻ đẹp, sự biểu cảm của chất liệu... Vì thế những tác phẩm điêu khắc ngày nay khó tìm thấy sự đồng cảm từ người thưởng ngoạn.
Thậm chí, không ít tác giả tuy xuất thân từ trường lớp chuyên nghiệp nhưng gần như không làm chủ được chất liệu, từ thao tác kỹ thuật cho đến ngôn ngữ tạo hình, biểu cảm chất liệu... Từ đó dẫn đến sự nghi ngại: điêu khắc Việt sẽ đánh mất tinh thần một ngày không xa.
Có thể nói sự tiếp nối của nghệ thuật điêu khắc xuất phát từ môi trường đào tạo. Thế nhưng, trong chương trình giảng dạy của nhiều trường Mỹ thuật hiện nay, mảng điêu khắc chất liệu gần như bị bỏ quên. Công việc của một sinh viên điêu khắc không đơn giản là sự gọt đẽo mà là một quá trình "diễn tả" chất liệu.
Điêu khắc Việt đang có những biểu hiện thực sự đáng buồn. Lịch sử hình thành và phát triển của điêu khắc Việt tuy không có những cao trào nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn trong giới mỹ thuật bằng những tác phẩm tuyệt đẹp. Trong nghệ thuật, niềm đam mê và tình yêu sẽ "hóa giải" mọi khó khăn.
Hạn chế không gian trưng bày
Bên cạnh vẻ đẹp không thể chối bỏ của các tác phẩm điêu khắc thì "bệ phóng" cho sức lan tỏa vô giá chính là không gian trưng bày. Tạo ra tuyệt tác là một chuyện, nhưng tìm cho nó nơi "nương tựa" phù hợp mới là điều quan trọng. Trong khi đó, hạn chế về không gian đối với điêu khắc Việt lại chính là "rào cản" khiến các tác phẩm mất đi sức lan tỏa.
"Tấm tắc" trước những tác phẩm đẹp, ngưỡng mộ khả năng lao động nghệ thuật của thế hệ nhà điêu khắc trẻ, nhưng khán giả thực sự quan tâm đến điêu khắc Việt không khỏi băn khoăn: Những đứa con tinh thần này sẽ đi đâu, về đâu khi triển lãm kết thúc?
Nhiều nhà điêu khắc, lý luận phê bình cũng phải thừa nhận, điêu khắc Việt tuy phát triển nhưng vẫn khó khăn để tìm không gian sống cho mình.
Cùng với sự phát triển của hội họa, điêu khắc giống như cánh tay phải của mỹ thuật thế giới, tác động lớn đến nền kiến trúc phương phương Đông và phương Tây.
Người ta càng tôn thờ và nâng niu nghệ thuật điêu khắc bao nhiêu thì họ càng không thể tưởng tượng một ngày nào đó, "cánh tay phải" này sẽ không còn nữa... Vậy mà, điều đáng sợ ấy đang có nguy cơ xảy ra đối với ngành điêu khắc Việt.
"Cảm" được chất liệu không phải không phải việc quá khó, vấn đề là khi đã có được tác phẩm điêu khắc đẹp, chúng ta sẽ trưng bày nó ở đâu? Có lẽ để "hóa giải" được khúc mắc này, trước mắt, người trong cuộc cần giải được "bài toán" kinh tế.