Chương trình do Trường ĐH Sư phạm TPHCM phối hợp với các sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức. Chương trình quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm về chương trình giáo dục cấp Tiểu học.
Theo đại diện nhà trường, mục tiêu của tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận về quan điểm xây dựng, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực thông qua một số chương trình cụ thể cấp Tiểu học ở các loại hình trường công lập, tư thục, quốc tế.
Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện CTGDPT ở một số địa phương, xác định rõ các công việc cần chuẩn bị, đánh giá đúng những khó khăn và thuận lợi, tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan, từ đó đề xuất những giải pháp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - bắt đầu từ lớp 1.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chia sẻ: Mặc dù cho đến nay đã có nhiều hội thảo, hội nghị bàn luận về giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực; bàn về thực trạng, khó khăn của ngành giáo dục; đề xuất những giải pháp cho công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục để đạt được những kì vọng, mục tiêu đề ra... nhưng việc tìm ra lời giải cho bài toán: làm thế nào để triển khai thành công CTGDPT 2018 - vẫn là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục, mà quan trọng hơn ở đây là lời giải đó phải hết sức rõ ràng, hết sức cụ thể, tường minh và thật sự khả thi.
Đại biểu tham gia tọa đàm |
Tại tọa đàm, ở phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu cùng nhau xem xét, trao đổi, thảo luận nhằm hiểu rõ giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực – không phải là lí thuyết chung mà hết sức cụ thể, thông qua những ví dụ như CTGDPT 2018 của Việt Nam, qua một số mô hình, chương trình giáo dục được xã hội đánh giá cao và thích ứng được với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam như giáo dục khai phóng, giáo dục của Phần Lan…