Tìm lối đưa trò chơi dân gian đến với trẻ em

GD&TĐ - Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ bồi dưỡng kỹ năng, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Chính vì thế, trò chơi dân gian là một phần ký ức không thể mờ phai trong hành trang khôn lớn của mỗi con người.

Ảnh minh hoạ Internet
Ảnh minh hoạ Internet

Trẻ được thỏa sức sáng tạo

Rất khó để nói rõ ràng trò chơi dân gian xuất hiện từ lúc nào, nguồn gốc có từ đâu, ai là người sáng tạo?... Nhưng chắc chắn rằng, trò chơi dân gian chính là tấm gương phản ánh một phần cuộc sống, sinh hoạt nhân văn của người dân Việt. Trong hệ thống trò chơi dân gian của Việt Nam thì trò chơi dân gian dành cho thiếu niên nhi đồng chiếm một vị trí không hề nhỏ.

Lúc rỗi, trẻ thường tụ tập thành từng nhóm, từng địa điểm khác nhau. Chúng chơi theo ngẫu hứng tự phát, tự đưa ra những luật chơi và thay đổi luật chơi nếu chúng muốn. Trong mỗi nhóm có thể có nhiều lứa tuổi nhưng thường thì mỗi lứa tuổi đều tự chọn cho mình một trò chơi phù hợp.

Trẻ nhỏ thì thường chơi trò búp bê, bế em, nấu cơm, bán hàng,…đồ chơi là tất cả những gì vận dụng được và gán cho chúng một tính năng nhất định. Trẻ lớn hơn thường lựa chọn các trò chơi vận động, như đánh trận giả, trốn tìm, kéo co, rồng rắn,nhảy dây, thả diều,… các em nữ thì chơi ô ăn quan, chuyền thẻ…

Đâu đó trên mọi nẻo đường quê, sân trường, góc vườn nhà, ta đều dễ dàng bắt gặp cảnh các em bám vai nhau dưới ánh trăng vừa đi vừa hát: Ông giẳng, ông giăng... hoặc Dung dăng dung dẻ…

Hình ảnh các em gái ngồi trên hè tung quả cà lên rồi tay phải vừa bắt cà vừa tóm mấy que chuyền tre đúng với lời bài hát: Đôi tôi/ đôi chị/ đôi cái bị/ đôi cành hoa/ đôi sang ba (1) hay hàng dài trẻ em lớn nhỏ nối đuôi nhau với câu hát Rồng rắn lên mây/ có cây núc nắc/ có nhà hiển binh/…

Trong môi trường trò chơi dân gian, trẻ được thỏa sức sáng tạo. Các em trở thành những đầu bếp,những người thợ, nhà sáng chế tài ba trong việc tạo ra nhiều trò chơi , cách chơi độc đáo. Những đồ vật tưởng chừng vô tri, vô giác, được các em tưởng tượng, thổi hồn biến thành những người bạn chơi. Từ những mẩu gỗ trẻ có thể biến thành em bé; cái vỏ hến, nút chai trở thành nồi, chảo ; chiếc lá, cát trở thành đồ ăn ; một hòn đá, quả cà hay trái bưởi cùng mấy cái que cũng có thể chơi đánh chuyền …

Trong rất nhiều yếu tố tác động đến việc hình thành nhân cách và chuẩn mực văn hóa của thiếu nhi, thì trò chơi dân gian tham gia một cách tích cực và đóng vai trò quan trọng. Thông qua trò chơi dân gian, trẻ tìm thấy nhiều niềm vui khi được cùng nhau thỏa thích vui đùa, điều này làm cho tâm hồn trẻ thêm phong phú, giúp hoàn thiện kỹ năng sống và thể nghiệm về mặt tâm lý cho trẻ vào đời.

Thông qua trò chơi, trẻ em có thể phát triển được các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, trí nhớ, tư duy, trí tưởng tượng, ngôn ngữ. Đối với trẻ em, trò chơi chính là cách rèn luyện trí tuệ, nhận thức thế giới xung quanh một cách tương đối hào hứng.

Trò chơi dạy cho trẻ tính tập thể, cộng đồng cao trong việc phối hợp nhịp nhàng, thống nhất với các thành viên khác để đảm bảo đội chơi không thua, từ đó sẽ hình thành tinh thần đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong tâm thức mỗi em nhỏ. Dù không có ý thức rõ rệt, song chính thông qua những hành động chơi vô tư ấy, các em đã truyền cho nhau một thứ di sản văn hóa dân tộc vô cùng quý giá.

Trò chơi ngày càng hiện đại hóa

Xét về mọi mặt, trẻ ngày nay có được sống trong một môi trường đầy đủ hơn về vật chất và cũng không thiếu những trò chơi. Nhưng thực chất, những trò chơi đang thịnh hành có thực sự mang lại cho các em niềm vui, sự phong phú về tâm hồn và thể chất? Trên những con phố chuyên bán hàng cho trẻ em, ta thường gặp những đồ chơi hiện đại với màu sắc bắt mắt được bày bán với đầy đủ mẫu mã và chủng loại. Thậm chí, cả những đồ chơi có tính bạo lực, sát thương lớn như súng, cung, đao, kiếm,....

Để phục vụ cho trò chơi gia đình, trẻ có vô số những bộ đồ nấu nướng, giường, tủ, búp bê đẹp,…nhưng chơi rất nhanh chán bởi tính năng của các đồ chơi đã được mặc định sẵn, trẻ thiếu hẳn đi cơ hội để sáng tạo, để tạo ra sự đa dạng, riêng biệt của mỗi “gia đình”.

Hiện nay, công nghệ số đang ngày càng phát triển, ta không thể phủ nhận vai trò của nó đối với khả năng nhận biết, thích ứng cái mới, khám phá thế giới xung quanh một cách dễ dàng của trẻ.

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt: Có thể thấy, bên cạnh những điểm tích cực mà công nghệ mang lại thì nó cũng mang đến nhiều hậu quả đáng lo ngại, buộc xã hội phải chung tay giải quyết. Việc dành nhiều thời gian vào những trò chơi điện tử, trang mạng xã hội... đã lấy đi của trẻ em thời gian cho các hoạt động vui chơi khác, cũng như thời gian dành cho gia đình.

Khi trẻ tiếp xúc nhiều với đồ chơi công nghệ, lâu dần chính sự vô tình dẫn đến việc hình thành những thói quen và tác động không tốt đến trẻ nhỏ, dẫn đến trẻ tự cô lập mình trong thế giới của công nghệ, thậm chí nguy hại hơn, trẻ sinh ra những ảo giác và coi mình là một nhân vật của trò chơi. Do không làm chủ được bản thân nên các em dễ gây ra nhiều vấn đề nhức nhối cho xã hội như đánh nhau trong trường, xúc phạm thầy cô, bỏ học hoặc trốn học tụ tập thành băng nhóm...

Sự bó buộc trong bốn bức tường cùng với công nghệ số đã biến nhiều đứa trẻ bình thường thành tự kỷ, trầm cảm.

Làm gì để khôi phục trò chơi dân gian cho trẻ?

Trong những năm gần đây, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã được chú trọng. Phần lớn trò chơi dân gian thường khá đơn giản, không tốn kém, không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ, học sinh lại hứng thú trong lúc chơi.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, không ít trường học còn gặp nhiều lúng túng trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường do những khó khăn như: Không gian, thời gian chơi, cách thức tổ chức các trò chơi, chơi như thế nào để vừa vui chơi lành mạnh, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trong khi nhiều học sinh hiện nay, nhất là ở các trường vùng thành phố chưa có điều kiện tiếp cận với các trò chơi dân gian thì bản thân nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ và thiếu “vốn” . Vì vậy, cần thiết có sự giới thiệu, bổ sung, hướng dẫn các trò chơi dân gian; có thể biên soạn thành các bộ sách, tổ chức các chuyên đề, tập huấn cho giáo viên và cho cả đôi ngũ cán bộ đoàn.

Bên cạnh việc tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh ở trường thông qua giờ chơi, các tiết học, các hoạt động giáo dục thì ở tại địa phương, nhất là các kỳ nghỉ hè cũng có sự tham gia của tổ chức Đoàn cơ sở.

Có như vậy, trò chơi dân gian mới có thể trường tồn, góp phần tìm lại, bổ sung không gian chơi lành mạnh, phát triển tư duy sáng tạo, bồi dưỡng tinh thần, thể chất cho trẻ.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ