Tìm lại giá trị đã mất

GD&TĐ - Trước mỗi kỳ thi quan trọng, nhiều sĩ tử kéo về Văn Miếu - Quốc Tử Giám với niềm tin sẽ đỗ đạt “công thành danh toại”.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nói đó là một tục mê tín thì chẳng phải, bởi rằng đó là niềm tin được minh định từ những người có học.

Nói chính xác hơn, việc sờ đầu rùa, thắp hương cầu khấn các vị Nho gia, những người thầy lỗi lạc tâm đức như Chu Văn An chỉ là thể hiện sự tôn kính, một lòng noi theo gương sáng tiền nhân, chứ đâu phải là sự “phó thác” mang tính thần thánh.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn như ngọn nến luôn rực cháy, thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt. Những người theo đường chữ nghĩa, khi bước đến không gian cổ xưa ấy có thể tưởng tượng về sự nghiêm túc của việc học, cũng như những khổ luyện thành tài của học trò xưa.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một khu di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hóa của Việt Nam, là một bằng chứng về sự đóng góp của Việt Nam vào nền văn minh Nho giáo trong khu vực và nền văn hóa mang ý nghĩa nhân văn.

Ngoài tam quan, sân gạch, bia đá, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các… rồi đây, hồ Văn cùng với vườn Giám và các công trình kiến trúc cổ là bộ phận không thể tách rời của quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ được tái dựng.

Vào thời Lê, Quốc Tử Giám có một hồ Văn, ở giữa có đảo Kim Châu. Trên đảo này có dựng Phán Thủy Đường - là nơi tụ họp bình văn, đọc thơ của các nho sĩ. Đến thời Nguyễn, nơi đây dựng đình ngói giữa hồ. Do biến động lịch sử, các công trình trên đảo Kim Châu đã biến mất, để lại một khoảng trống mà ít người được biết.

Dù là một hạng mục quan trọng của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhưng hồ Văn có số phận long đong. Trước năm 1940, hồ Văn cũng như di tích này thuộc quyền quản lý của tỉnh Hà Đông. Khu vực hồ Văn bị tách khỏi địa phận của di tích, và bị xâm phạm nghiêm trọng.

Các nho sĩ Hà Nội và Hà Đông đệ đơn trình Thị trưởng Hà Nội và Công sứ Toàn quyền Bắc Kỳ xin tu sửa lại hồ Văn và trả lại về Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Sau đó, hồ Văn được trao trả cho Hà Nội. Từ năm 1946 đến đầu những năm 1990, việc tu sửa hồ Văn bị sao lãng, bị lấn chiếm và xâm phạm.

Việc phục dựng lại toàn cảnh không gian hồ Văn không chỉ là động thái bảo tồn di tích, mà còn thể hiện tính văn hoá, “đánh thức” nét xưa – lệ cũ và tìm lại những giá trị đã mất trong thời gian rất dài.

Rồi đây, có thể những sĩ tử sẽ không chỉ sờ đầu rùa theo thói lệ xưa. Không chỉ thắp hương tưởng nhớ theo tục lễ cũ, mà còn ngâm thơ bình văn, phát huy các giá trị xưa cũ đã bị phai nhòa – mà giờ đây, chủ yếu bị thay thế bằng các thú vui hời hợt từ công nghệ số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.