“Tìm kiếm một con đường khác cho tương lai năng lượng Việt nam”

GD&TĐ - Đó là nội dung cuốn sách trắng của Hãng tư vấn quản lý toàn cầu hàng đầu McKinsey & Company mới chính thức công bố. Cuốn sách đã vạch ra cách thức để Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nền kinh tế, với chi phí thấp nhất, cơ hội thu hút nguồn vốn tốt nhất, và ít ảnh hưởng nhất đến ngân sách công với rủi ro thấp nhất.

Dự án phát triển năng lượng mặt trời đang được thực hiện tại vùng biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.
Dự án phát triển năng lượng mặt trời đang được thực hiện tại vùng biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Tổng Giám đốc McKinsey & Company Việt Nam, ông Marco Breu cho biết: “Là một trong 18 nền kinh tế mới nổi, có sự phát triển vượt bậc theo chúng tôi đánh giá trên toàn cầu, Việt Nam cần nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh của mình về năng lượng để duy trì tăng trưởng. Con đường mà Việt Nam chọn để nâng cao năng lực đó sẽ có những tác động sâu rộng đến tiềm năng tăng trưởng GDP, thương mại, vấn đề môi trường và an ninh năng lượng.”

Nghiên cứu cho biết, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Việt Nam về năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cùng với xu hướng giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu của điện mặt trờiđiện gió trong vòng 5 năm qua, trong đó chi phí giá vốn đối với điện mặt trời đã giảm 75%, điện gió giảm 30%, sẽ đưa năng lượng tái tạo trở thành một nguồn cung cấp điện năng có chi phí dễ chấp nhận hơn so với các nguồn nhiệt điện truyền thống về dài hạn.

Nghiên cứu của của McKinsey & Company cho rằng xu thế phát triển trên nền tảng năng lượng tái tạo với tiềm năng sẵn có của Việt Nam sẽ có thể giúp ngành điện Việt Nam đạt kết quả tốt hơn so với xu thế phát triển năng lượng dựa trên các nguồn như: Thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện từ khí đốt thiên nhiên hiện nay,

Minh chứng điều này, sách trắng của McKinsey & Company đưa ra 3 khía cạnh để làm rõ, bao gồm :

Giá thành: Tổng giá thành điện từ năm 2017 đến 2030 sẽ giảm 10%, chủ yếu nhờ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu do giảm sản xuất nhiệt điện tiêu tốn nhiều nhiên liệu ở mức độ cao

Độ sạch: Phát thải khí nhà kính và chất hạt năm 2017 và 2030 sẽ giảm lần lượt 32% và 33%, nhờ đó sẽ có lợi cho sức khỏe và nâng cao năng suất.

An ninh năng lượng: Nhu cầu nhiên liệu và nhập khẩu so với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo sẽ lần lượt thấp hơn 28% và 60% so với cách phát triển năng lượng truyền thống như hiện nay. Nhờ đó sẽ có thể giảm đáng kể sự lệ thuộc của Việt Nam vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và nhiên liệu hóa thạch. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng có thể tạo ra tới 465.000 việc làm mới.

Ông Antonio Castellano, Giám đốc Hợp danh kiêm Trưởng ban Điện năng – Khí tự nhiên khu vực Đông nam Á của McKinsey & Company, cho biết: “Không có phép màu nào để giải quyết các khó khăn của Việt Nam về năng lượng. Khả năng đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh trong khi vẫn duy trì được mức giá thành thấp sẽ phụ thuộc vào việc tạo lập cơ sở hạ tầng tài chính và thể chế hấp dẫn các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo.”

Sách trắng cũng phân tích các yếu tố then chốt để có thể tạo thuận lợi cho con đường dựa trên năng lượng tái tạo. Đó là tạo ra các điều kiện thị trường thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực quốc gia trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn có sự hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế có năng lực; nâng cao vai trò của lĩnh vực sản xuất điện từ khí đốt thiên nhiên trong tổng quy hoạch điện quốc gia.

Ông Castellano cho biết: “Đây là một thời điểm quyết định đối với Việt Nam. Năng lượng tái tạo có tiềm năng trở thành lựa chọn có chi phí thấp nhất đối với Việt Nam để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Hành động ngày hôm nay để tạo nền tảng cho phát triển năng lượng tái tạo sẽ đem lại cho Việt Nam tiềm năng để có được một tương lai ít tốn kém hơn, sạch hơn, an ninh năng lượng cao hơn.”

McKinsey & Company là hãng tư vấn quản lý toàn cầu có cam kết sâu rộng trong việc hỗ trợ các tổ chức tư nhân, nhà nước, xã hội đạt được thành công lâu dài.

McKinsey & Company có lịch sử 80 phát triển với mục tiêu phục vụ khách hàng theo tư cách là một đơn vị tư vấn độc lập.

Với đội ngũ tư vấn có mặt ở hơn 100 văn phòng tại 60 quốc gia, hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, McKinsey & Company mang đến cho khách hàng những kiến thức, kinh nghiệm hàng đầu trên toàn thế giới. 

McKinsey & Company hợp tác chặt chẽ với mọi cấp độ trong tổ chức của khách hàng để xây dựng nên những chiến lược hiệu quả, tạo sự thay đổi, nâng cao năng lực và dẫn dắt triển khai thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.