Đủ điện cho lớp học và dân sinh: Kỳ vọng từ năng lượng tái tạo

GD&TĐ - Chưa có điện lưới, ở một số khu vực hẻo lánh người dân có điện nhờ sử dụng năng lượng mặt trời. Lớp học nhờ được hỗ trợ thiết bị chiếu sáng đạt chuẩn và sử dụng năng lượng mặt trời mà đủ điều kiện ánh sáng để học tập. Năng lượng tái tạo mang nhiều hy vọng “có điện” cho người dân vùng khó.

Lắp pin mặt trời để cấp diện cho trường mầm non ở địa bàn miền núi của Điện Biên
Lắp pin mặt trời để cấp diện cho trường mầm non ở địa bàn miền núi của Điện Biên

Năng lượng tái tạo không còn xa vời

Theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA): “Chương trình điện khí hóa nông thôn tại Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến 2020 đạt 100% số hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận điện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong khi đó, các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán, độc lập, không nối lưới cho những vùng chưa có điện lưới, đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, xã hội được cộng đồng lựa chọn. Đây có thể coi là một giải pháp cụ thể, giúp hoàn thành mục tiêu Điện khí hóa nông thôn”.

VSEA cho biết, tại huyện biên giới Tịnh Biên (tỉnh An Giang) có 2 ấp Vồ Bà và ấp Tà Lọt thuộc xã An Hảo đã trở thành ấp 100% sử dụng năng lượng mặt trời. “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018” (diễn ra từ 21/8 - 26/8, tại Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ) với thông điệp “Mở đường cho năng lượng tái tạo đến từng gia đình Việt” do VSEA tổ chức có mục tiêu: Tạo diễn đàn cho các bên đối thoại tìm ra các giải pháp, nhằm tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; tăng cường nhận thức của công chúng về tính khả thi, các lợi ích của năng lượng tái tạo và kêu gọi hành động; khởi động và huy động sự quan tâm của các bên liên quan vào thực hiện chương trình “Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng”.

Năng lượng tái tạo không còn là giấc mơ xa vời hay là loại công nghệ đắt đỏ chỉ có ở các quốc gia giàu có” - ông Antoine Vander Elst (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) đưa ra nhận định hôm 21/8/2018, nhân khai mạc “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam”- “Nhờ sự phát triển rộng rãi của năng lượng tái tạo ở châu Âu và các nước khác, giá thành đã giảm đáng kể trong vài năm gần đây.

Công nghệ năng lượng tái tạo ngày nay đáng tin cậy và rẻ hơn cả nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khi cân nhắc tới các khía cạnh quan trọng, như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sức khỏe. Năng lượng tái tạo góp phần tăng cường an ninh năng lượng, do giảm thiểu phụ thuộc vào năng lượng xuất khẩu, đồng thời cung cấp nhiều cơ hội nghề nghiệp”.

Pin mặt trời và đèn LED chiếu sáng trên tàu cá của ngư dân

Pin mặt trời và đèn LED chiếu sáng trên tàu cá của ngư dân

Có điện kéo tới trường nhưng lớp học chưa đủ ánh sáng

Ông Nghiêm Vũ Khải (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) khẳng định: Các thiết bị tạo năng lượng sạch sẽ được cộng đồng sử dụng trong những năm tới. Để chuẩn bị cho tương lai phải đưa kiến thức về năng lượng mới và cách sử dụng nó vào học đường.

Ngày 21/8, ông Phạm Văn Năng (Phó Bí thư, Trưởng Ban Dân vận, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) chia sẻ thực tế với PV Báo GD&TĐ về niềm vui khi người dân khi có điện và sử dụng năng lượng tái tạo: “Xã Tân Lợi có 52% là bà con đồng bào dân tộc Khmer. Năm 2012 vẫn là xã nghèo thứ 2 ở tỉnh An Giang. Xã có nhiều khó khăn và có 2 ấp đặc biệt khó khăn. Điều kiện sinh sống của bà con ở khu vực triền núi và nông thôn trong xã có nhiều hộ không có điện sinh hoạt. Nhiều bà con nhiều năm thắp sáng bằng đèn dầu. Đường đi lối lại ở khu vực các hộ dân không có điện cũng có nhiều khó khăn. Cùng với nỗ lực điện khí hóa nông thôn, khi điện năng lượng mặt trời đến với xã chúng tôi, bà con được thụ hưởng thì đời sống có khởi sắc, bà con rất phấn khởi vì ban đêm có điện chiếu sáng, một số hộ lắp được điện năng lượng mặt trời công suất lớn một chút thì có thể sử dụng thêm cái quạt điện, hoặc xem được tivi”.

Điểm đặc biệt mà ông Phạm Văn Năng cho là đáng mừng nhất, chính là việc các trường học trong xã đang có những hy vọng về hệ thống chiếu sáng trong phòng học đủ sáng cho HS học trong lớp. Xã Tân Lợi có 6 trường học: 2 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS. Dù điện lưới được kéo về trường học, nhưng điện yếu, ánh sáng không đủ chiếu sáng.

Chẳng hạn, với Trường Tiểu học A xã Tân Lợi, “trước đây Trường Tiểu học A vẫn sử dụng các bóng đèn neon 40w. Nhưng khi chuyên gia mang dụng cụ đo sáng vào lớp học đo thì thấy không đủ tiêu chuẩn ánh sáng cho việc học tập của HS” - ông Phạm Văn Năng kể - “Chính thầy Nghiêm Vũ Khải đã hỗ trợ thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời cho 1 phòng học của trường. Khi thiết bị này được lắp đặt xong, đo lại tiêu chuẩn ánh sáng thì thấy đã đảm bảo cho HS có thể học tập”.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Năng ở xã còn nhiều khó khăn như Tân Lợi thì còn phải nỗ lực thực hiện nhiều vấn đề dân sinh. Trong khi đó, ngay chi phí học tập của HS tiểu học để có thể học bán trú ngày hai buổi cũng rất khó khăn, khi mà cha mẹ HS phần nhiều là người dân tộc, điều kiện kinh tế hạn hẹp.

Xã hội hóa cũng nan giải, dù chỉ để trang bị đủ thiết bị chiếu sáng đạt tiêu chuẩn về ánh sáng, đảm bảo cho HS ở tất cả các lớp học đủ ánh sáng. ông Phạm Văn Năng nói thêm với phóng viên: “Vậy nên dù vẫn có thiết bị chiếu sáng, nhưng ánh sáng trong lớp học chưa thật sự đảm bảo, nhà trường và địa phương chưa thể làm gì hơn, dù HS vẫn phải học tập trong điều kiện ánh sáng không đạt tiêu chuẩn như vậy ngay trong năm học mới này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ