Nguy cơ từ những làn sóng nhiệt
Theo báo cáo này, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, với sức nóng cao cũng có tác động đến năng suất, cung cấp thực phẩm và truyền bệnh. Trên toàn cầu, số người dễ bị tổn thương do sức nóng tăng cao hơn bao giờ hết. Chỉ vài ngày sau khi báo cáo khí hậu từ chính phủ Mỹ và Liên Hiêp Quốc (LHQ) cho rằng cần có hành động lớn hơn về biến đổi khí hậu, báo cáo của LHQ cũng cho thấy mức carbon cao nhất đã được thải ra toàn cầu trong năm 2017. Người dân cao tuổi ở châu Âu và Đông Địa Trung Hải dễ bị tổn thương nhất vì dân số thành thị và già hóa lớn hơn ở nơi này.
Báo cáo mới nhất ước tính rằng 42% số người trên 65 tuổi ở châu Âu và 43% ở Đông Địa Trung Hải đã dễ bị phơi nhiễm với nhiệt; 38% của nhóm dễ bị tổn thương này ở châu Phi và 34% ở châu Á.
Theo các nhà nghiên cứu từ 27 tổ chức toàn cầu, bao gồm cả các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, những thay đổi hiện tại về sóng nhiệt và năng lực lao động “cung cấp một cảnh báo sớm về tác động phức tạp và áp đảo đối với sức khỏe cộng đồng nếu nhiệt độ tiếp tục tăng”, Hilary Graham, Giáo sư Khoa học sức khỏe tại Đại học York ở Anh, cho biết. Trong năm 2017, 157 triệu người dễ bị tổn thương đã tiếp xúc với sóng nhiệt trên toàn cầu, 153 tỷ giờ lao động bị mất do tiếp xúc với nhiệt.
Tại Mỹ, người dân đã thấy sóng nhiệt thường xuyên hơn và kéo dài hơn, với sự gia tăng bệnh truyền nhiễm, như các bệnh truyền nhiễm qua muỗi, bọ ve và bọ chét. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, các căn bệnh như bệnh Lyme và virus West Nile tăng gấp ba lần từ năm 2004 - 2016. Những thay đổi nhỏ về nhiệt độ và lượng mưa cũng sẽ giúp lan truyền các bệnh truyền nhiễm. Ví dụ, công suất của virus sốt xuất huyết lây lan đã tăng 7,8% kể từ những năm 1950. Khả năng của muỗi Aedes làm lây lan các bệnh như Zika, sốt xuất huyết và chikungunya cũng tăng lên và kéo dài hơn.
Năm 2016, số người mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất đã được ghi nhận, theo báo cáo và sự lây lan được kỳ vọng sẽ tăng theo phát thải khí nhà kính.
Cần thêm nhiều nỗ lực
Tiến sĩ Nick Watts, Giám đốc điều hành của The Lancet Countdown, nhấn mạnh rằng đây không phải là điều sẽ xảy ra vào năm 2050 mà là điều mà chúng ta đang phải đối diện ngày nay. “Các quốc gia thu nhập cao và thấp đều bị ảnh hưởng tiêu cực” - Elizabeth Robinson, Giáo sư Kinh tế môi trường tại Đại học Reading, cho biết. Chỉ có điều, biểu hiện của tình trạng này thể hiện theo những cách khác nhau. Theo bà, “xu hướng dường như đang tăng dần”, cho thấy trong tương lai sẽ còn nhiều sự kiện sóng nhiệt xảy ra hơn nữa. Tương tự, số người dễ bị tổn thương “đang tăng lên theo thời gian”.
Cộng đồng thế giới bước đầu đã có những giải pháp tích cực, như gia tăng năng lượng tái tạo, với việc làm trong lĩnh vực đó tăng 5,7% từ năm 2016 - 2017. Một số xu hướng tích cực cũng đã được xác định, như hạn chế sử dụng than đá, tăng cường sử dụng các phương pháp vận chuyển sạch hơn, lành mạnh hơn. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, tới năm 2014, lượng than sử dụng vẫn cần phải đạt 20% mức sử dụng năm 2010.
Năm nay đánh dấu một mùa hè kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới, với nhiệt độ cao hơn nhiều so với các đỉnh nhiệt trước đây. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, sóng nhiệt 2018 trên khắp châu Âu đã trở nên mạnh mẽ gấp đôi và đó là kết quả của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu xác định rằng năm 1986 - 2017, dân số toàn cầu trung bình tiếp xúc với nhiệt độ tăng 0,8 độ C. Sự thay đổi nhiệt độ bề mặt toàn cầu trong giai đoạn này là 0,3 độ C. Điều này cho thấy rằng, dân số đang già đi, phát triển và di cư đến những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, ngay từ bây giờ, thế giới phải hành động tích cực để chống lại biến đổi khí hậu, để đến cuối thế kỷ, hàng ngàn mạng sống mỗi năm sẽ được cứu sống, cùng với hàng trăm tỷ đô la chi phí y tế công cộng.