Tìm không gian cho sách

GD&TĐ - Trung bình mỗi người Việt đọc 4 cuốn sách của một năm, nếu cộng cả sách giáo khoa, giáo trình; còn không tính sách giáo khoa thì con số này chỉ là 0,8 cuốn - đó là con số mà một quan chức Cục Xuất bản đưa ra năm 2018.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu so sánh, người Malaysia đọc trung bình 12 cuốn sách mỗi năm, người Nhật đọc 10 - 20 cuốn, người Trung Quốc đọc 4,66 cuốn.

Quả thật thời buổi này ở đâu cũng có thể bắt gặp cảnh người nào người nấy chăm chú lướt trên màn hình điện thoại mà chẳng mấy trò chuyện với nhau.

Đọc sách thì ít, nhưng các cuộc tranh luận, chém gió trên mạng xã hội lại hào hứng vô cùng, để rồi trong những cuộc tranh cãi đó nhiều người lộ ngay ra sự nóng vội, nông cạn.

Thật ra việc đọc sách của người Việt đã thay đổi nhiều năm qua với nỗ lực của các nhà làm sách. Nhiều cuốn sách hay, sách quý được xuất bản, có những cuốn được dịch ra tiếng Việt không chậm hơn bao nhiêu so với thế giới.

Trên mạng cũng có những diễn đàn của người đọc sách rất thú vị và sôi nổi. Những đường sách, ngày hội sách, sự kiện sách cũng tạo nên một không khí tích cực hơn cho văn hóa đọc ở Việt Nam.

Nhưng rõ ràng thói quen đọc sách vẫn chưa bắt rễ sâu sắc. Có lẽ cần thay đổi cách tiếp cận để sách hấp dẫn hơn với người đọc và phải thật sự nghiêm túc coi sách là một phương thức nâng cao phông văn hóa cho công chúng.

Phố sách ở Hà Nội trang trí rất đẹp với nhiều nhà sách có mặt, dường như vẫn là nơi đến để chụp ảnh nhiều hơn, trong khi những hiệu sách tư nhân căng biển “Giảm giá hết cỡ” trên phố Nguyễn Xí lại đông vui tấp nập hơn nhiều. Những ngày hội sách cũng khá thu hút, nhưng để tham gia thì các nhà làm sách phải chi phí không ít.

Rõ ràng nhiều quyển sách vẫn bán rất tốt, chủ yếu là do cách truyền thông của các công ty làm sách, cho thấy người đọc vẫn rất quan tâm.

Vì thế, ngoài nỗ lực của các nhà làm sách, rất cần sự vào cuộc của các hội đoàn, nhất là vai trò quan trọng hàng đầu của ngành Giáo dục, để tạo ra một không gian sách thực thụ cho công chúng, cho học sinh.

Ở trường tiểu học của con tôi, một trường công, có thư viện, nhưng cháu rất ít vào đó. “Thư viện có mùi gì rất kinh khủng” - cậu bé nói, mặc dù cậu rất ham đọc các loại sách khoa học vui và sách lịch sử. “Sách trong thư viện hay bị rách, bị mất trang và con không tìm được loại con thích”.

Sẽ thế nào nếu nhà trường làm một phòng đọc sách xinh đẹp, hấp dẫn? Ở Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” của nhà giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, bọn trẻ có một không gian vui vẻ, sắc màu với các bức tranh ngộ nghĩnh lấy chủ đề từ các cuốn sách do chính các em vẽ.

Nếu đứa trẻ được khuyến khích đọc sách ở trường và về nhà các bậc phụ huynh cũng bồi dưỡng thói quen đọc sách cho con, văn hóa đọc sẽ được hình thành từ nhỏ để theo các bạn sau này.

Ở các nước, thầy cô giáo thường giới thiệu cho học sinh danh mục sách tham khảo, vừa để bồi bổ cho môn học, vừa tạo nền tảng tri thức cho các em. Nếu các trường học ở Việt Nam cũng đưa sách nhiều hơn vào việc học tập, chắc chắn tâm hồn, hiểu biết của đứa trẻ cũng phong phú hơn nhiều.

Nói vậy nhưng để làm được quả thật là khó, làm sao ta cưỡng lại được chiếc smartphone và một chương trình học nặng nề, khuôn mẫu?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ