Lan tỏa tình yêu sách
Theo số liệu của Bộ TT&TT, trong 5 năm qua, cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách các loại cho thư viện nhà trường, cho HS nghèo. Đáng chú ý, nhằm khích lệ văn hóa đọc đồng thời tạo điều kiện cho các em nhỏ cơ hội được tiếp cận với sách báo, một số trường còn chủ động xây dựng mô hình thư viện xanh, tủ sách lớp học.
Chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh và Thái Bình, trong năm 2017 đã triển khai thí điểm các dự án xây dựng thư viện thân thiện với nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Khác với các thư viện truyền thống, mô hình mở và thân thiện này đã làm thay đổi bộ mặt thư viện của các trường tiểu học đồng thời phát huy được hiệu quả tích cực trong việc khơi gợi niềm say mê đọc sách cho học trò.
Ngoài thư viện trong trường học, tại nhiều địa phương, phụ huynh cũng đã chung sức xây tủ sách cho con em mình. Trên cả nước đã có hơn 30.000 tủ sách được phụ huynh xây dựng trong đó: Thái Bình có 4.000 tủ sách; Nghệ An có 2.500 tủ sách; Thanh Hóa có 1.150 tủ sách; Hà Tĩnh có 1.100 tủ sách; Hải Phòng có 1.000 tủ sách... Điển hình nhất là Chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học tỉnh Nam Định” (được phát động trong Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3) đã xây dựng được 8.995 tủ sách lớp học ở các cấp học phổ thông.
Trong các thư viện đại học, nhiều hình thức, mô hình thư viện thân thiện, chuyển dịch không gian số, hình thành không gian chia sẻ, kết nối đã được triển khai, tiêu biểu như: Thư viện Tạ Quang Bửu (Đại học Bách khoa), Thư viện Đại học Tài chính Kế toán (Học viện Tài chính), Trung tâm Thông tin Thư viện Nguyễn Thúc Hào (Đại học Vinh), Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ, Trung tâm Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội…
|
Thúc đẩy văn hóa đọc
Cũng theo thống kê của Bộ TT&TT, 5 năm qua, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã tổ chức được trên 240.000 hội thi, hội thảo, chuyên đề, tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc; trên 50% cơ sở giáo dục tổ chức trưng bày triển lãm, giới thiệu sách gắn với từng chủ đề; trên 66 triệu lượt HS, SV và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam. Tùy điều kiện từng vùng, miền mà các cơ sở giáo dục cũng chủ động xây dựng và triển khai tổ chức hoạt động khác nhau.
Có trường tổ chức quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học với phương châm “Góp một cuốn sách để con mình được đọc nhiều cuốn sách”; có trưởng tổ chức thi viết nhật ký về những cuốn sách; hội trại sách; có trường tổ chức hướng dẫn cha mẹ, ông bà cùng đọc sách và kể chuyện cho trẻ; tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo chủ điểm hoạt động từng tháng hoặc theo các chủ đề phù hợp với tâm lý lứa tuổi HS; các câu lạc bộ về sách và đọc sách; tổ chức không gian học tập thân thiện, an toàn với “Góc học tập”, “Góc cộng đồng”…
Phát triển văn hóa đọc ở các cơ sở giáo dục đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho HS, SV về vai trò của văn hóa đọc; tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đọc… cho các em. Sẽ thật ý nghĩa nếu những thư viện xanh, thư viện thân thiện được “phủ sóng” rộng hơn; các đầu sách ngày một phong phú, chất lượng; hoạt động văn hóa đọc được triển khai sâu, đa dạng và không chỉ dừng lại ở những kỳ cuộc, phong trào… Có như thế văn hóa đọc mới thực sự bám rễ sâu.
“Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Bộ VH,TT&DL đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, nhóm đối tượng HS, SV cũng có những “chỉ tiêu” riêng như về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức: Phấn đấu 80% HS, SV và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức ở thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học. Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc: Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với HS, SV là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.