Nỗ lực bảo tồn
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.565 ngôi biệt thự cổ, trong đó có 225 biệt thự thuộc nhóm 1 (đa phần là 1 hộ hoặc 1 cơ quan sở hữu); 382 biệt thự nhóm 2; 646 biệt thự nhóm 3; còn lại 312 biệt thự không có giá trị bảo tồn, đã xuống cấp hoặc đã được cải tạo, xây dựng thành nhà mới.
Theo các chuyên gia, việc người dân tự ý cơi nới và cải tạo ở các biệt thự cổ là một trong những nguyên nhân làm thay đổi kết cấu công trình, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sập đổ. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong một thời gian dài đã dẫn đến việc mạnh ai nấy sửa, không có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể.
Vì thế, từ tháng 2 - 4/2017, Tổ công tác liên ngành giúp việc cho Hội đồng thẩm định của thành phố Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra 1.565 biệt thự.
Nội dung chủ yếu là tiến hành rà soát, thẩm định các công trình được xây dựng trước, hay sau năm 1954. Qua đó, tiến hành điều chỉnh danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý trên địa bàn.
Trên thực tế, không phải đến thời điểm này, câu chuyện về “số phận” các biệt thự cổ mới được nhắc đến. Từ những năm 1990, UBND TP đã trình Chính phủ quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự. Theo đó, các hộ dân đang “chia năm, xẻ bảy” biệt thự cổ sẽ được bố trí quỹ đất để di dời. Đồng thời, các biệt thự cũ nát, xuống cấp cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo để bán, cho thuê hoặc sử dụng vào mục đích văn hóa.
Tuy nhiên, quy chế này sau đó không triển khai được vì chi phí quá lớn. Năm 2012, Hà Nội cũng có dự thảo quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự do Pháp để lại, trong đó đề xuất cơ chế tạo điều kiện cho tư nhân tham gia cải tạo, bảo tồn.
Vẫn là... bài toán khó
Bài toán quản lý biệt thự cổ là một trong những vấn đề bất cập và tồn tại từ rất lâu, đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề quản lý đô thị, quản lý biệt thự cổ càng trở nên phức tạp và nhiều bất cập.
Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính, vấn đề chúng ta đang phải đối mặt chính là tính khả thi của việc gìn giữ các di sản kiến trúc đô thị này. Việc bảo tồn còn khó vì chúng ta chưa nắm rõ 2 khái niệm bảo tồn di tích với bảo tồn di sản kiến trúc. Hiện tại với một ngôi biệt thự, người chủ cứ phải chờ Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích. Trong khi đó, quỹ tài sản kiến trúc đô thị này lại có giá trị sử dụng, nghĩa là nó là di sản sống. Vì thế, không thể coi hàng ngàn căn nhà ở là di sản, di tích hết được… Vấn đề đặt ra ở đây là đừng ngồi chờ nó trở thành di tích rồi mới bảo tồn.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), vấn đề quản lý, bảo tồn biệt thự đã được giới chuyên môn đề cập và nghiên cứu rất nhiều. Hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đã được tổ chức, song nếu không có một quy định mang tính pháp lý, đặc biệt là chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước thì những nghiên cứu, khảo sát nhằm bảo tồn biệt thự cổ của giới khoa học cũng sẽ không còn ý nghĩa.
Thiết nghĩ, hệ thống biệt thự ở Hà Nội là khá phong phú, mỗi ngôi nhà là một công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật. Mỗi ngôi biệt thự là một không gian lý tưởng với kiến trúc đẹp hài hòa với vườn cây cổ thụ… Dù bộ mặt kiến trúc của một đô thị đang phát triển đã có những đổi thay đáng kể, song những giá trị di sản chứa đựng trong khu phố Pháp vẫn vô cùng quý giá để qua đó người ta đọc được những dấu vết lịch sử của Thủ đô hơn 1.000 năm văn hiến. Đó là nguồn tài nguyên có giá trị, chứa đựng cả giá trị về văn hóa và phát triển du lịch nên cần có giải pháp sử dụng, khai thác, quản lý hiệu quả.