Tìm hiểu tất cả các biến thể của nCov

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát rồi nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới và trở thành đại dịch toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Không dừng lại ở “phiên bản” đầu tiên, SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện các biến thể khác nhau tại nhiều quốc gia...

Phân nhóm biến thể virus

Tác nhân gây bệnh Covid-19 với tên gọi đầy đủ là SARS-CoV-2 (Severe acute respiratory syndrome corona virus 2: Virus Corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2) thuộc nhóm Virus Corona mới 2019 (mang ký hiệu 2019-nCov: 2019 novel corona virus, thường được gọi tắt là nCov). Đây là một chủng virus lớn, được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1960.

Chữ Corona có nguồn gốc từ tiếng Latinh với một ý nghĩa danh giá là “vương miện”, hay linh thiêng là “hào quang”. Dưới kính hiển vi điện tử, các nhà sinh vật học quan sát thấy một loài virus mới có một rìa lớn bao phủ bên ngoài trông giống như cái vương miện hay một vòng hào quang. Do vậy đã dùng chữ Corona để định danh chúng.

Các nhà chuyên môn ước tính hệ số sinh sản cơ bản của SARS-CoV-2 dao động trong khoảng từ 5 đến 10. Hệ số sinh sản cơ bản còn được gọi là hệ số lây nhiễm cơ bản. Điều này cho thấy, nếu một người bị nhiễm virus thì sẽ có thể lây nhiễm cho 5 - 10 người xung quanh.

Trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, các loại vắc-xin phòng bệnh đã được nhanh chóng nghiên cứu và hoàn thiện. Các nhà khoa học cũng đã sớm nhận ra sự biến đổi liên tục của SARS-CoV-2 để tạo thành các biến thể mới, gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống bệnh dịch. Các biến thể mới xuất hiện do sự thay đổi mã di truyền từ sự đột biến gen hoặc tái tổ hợp virus.

Các virus thường có cấu trúc đơn giản, chỉ gồm một vỏ protein bao bọc vật liệu di truyền. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, quá trình nhân lên để gây bệnh lại xuất hiện những sao chép bị lỗi gọi là đột biến.

Một số đột biến làm virus bị diệt vong, nhưng cũng có một số đột biến làm cho chúng mạnh mẽ hơn và lây lan mạnh hơn, được gọi là biến thể virus. Tuy vẫn là SARS-CoV-2, nhưng các biến thể khác nhau sẽ tạo ra những hoạt động và tác động khác nhau. Có những biến thể xuất hiện rồi biến mất, những cũng có những biến thể tồn tại dai dẳng và ngày càng lan rộng.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Mức độ biến thể

Là một biến thể do sự kết hợp vật chất di truyền tạo ra từ hai loại biến thể khác nhau. Trong một tình huống nào đó, hai biến thể của SARS-CoV-2 nhiễm cùng lúc vào cơ thể người bệnh, trong quá trình nhân lên chúng kết hợp lại với nhau để tạo ra một biến thể mới khác cả hai biến thể ban đầu.

Các nhà chuyên môn về dịch bệnh phân chia các loại biến thể ra thành các nhóm sau:

Biến thể đang được theo dõi (VBM: Variants Being Monitored): Các biến thể Alpha, Beta, Gamma, Epsilon, Eta, Iota, Kappa… ở trong nhóm này. Đây là các biến thể có tác động rõ ràng đến các biện pháp phòng chống dịch hoặc có thể làm cho bệnh lây nhiễm cao hơn và nặng hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, biến thể này không còn được phát hiện hoặc lưu hành ở mức thấp, không gây ra những hệ lụy đáng kể cho cộng đồng.

Biến thể đáng quan tâm (VOI: Variant Of Interest): Biến thể này có các đặc điểm di truyền làm cho virus lây lan mạnh mẽ hơn, vô hiệu hóa được hệ miễn dịch của cơ thể, làm cho bệnh cảnh nặng hơn và cũng khó phát hiện qua xét nghiệm. Hiện, không có biến thể nào thuộc nhóm này.

Biến thể đáng lo ngại (VOC: Variant Of Concern): Biến thể Delta và Omicron thuộc nhóm này. Đây là các biến thể có tốc độ lây lan nhanh, gây bệnh nặng và tỉ lệ tử vong cao. Chúng có khả năng tác động đến kháng thể được tạo ra trong cơ thể. Do đó, làm giảm hiệu quả điều trị và phòng ngừa.

Biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (VOHC: Variant Of High Consequence): Biến thể này có khả năng vô hiệu hóa tất cả các loại vắc-xin phòng bệnh đã được sản xuất. Hiện, SARS-CoV-2 chưa xuất hiện loại biến thể này.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Các biến thể đáng lưu ý

Biến thể của SARS-CoV-2 rất nhiều. Nhưng hiện nay có 5 biến thể đáng lưu ý trên phạm vi toàn cầu, bao gồm:

Biến thể Delta: Thuộc nhóm VOC. Phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Sau đó xuất hiện ở hầu hết các nước đang có dịch Covid-19. Đây là biến thể dễ lây lan nhất tính đến thời điểm tháng 9/2021. Vắc-xin phòng Covid-19 tác dụng tốt với biến thể này qua việc giảm tỉ lệ bệnh nặng nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong do chủng Delta.

Biến thể Alpha: Thuộc nhóm biến thể VBM. Xuất hiện lần đầu tại Anh. Đánh dấu cho đợt bùng phát đại dịch Covid-19 toàn cầu từ cuối năm 2020, trong đó có Việt Nam. Khả năng lây lan của biến thể Alpha cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

Biến thể Gamma: Thuộc nhóm biến thể VBM. Tháng 11/2020, phát hiện lần đầu ở Brazil. Biến thể này có khả năng lây truyền cao gấp 2,5 lần so với chủng SARS-CoV-2 nguyên thủy.

Biến thể Beta: Thuộc nhóm biến thể VBM. Nam Phi là quốc gia đầu tiên phát hiện biến thể này. Nó có khả năng lây truyền cao gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha.

Biến thể Omicron: Thuộc nhóm VOC. Phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào tháng 11/2021. Tại nhiều quốc gia, biến thể Omicron đang dần thay thế biến thể Delta, vì khả năng lây lan cao hơn. Điều may mắn là biến thể Omicron gây ra các biểu hiện nhẹ nhàng hơn các biến thể khác.

Theo các chuyên gia y tế, phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng có hiệu quả tốt với bệnh nhân do biến thể Omicron gây ra. Sự xuất hiện biến thể Omicron lại làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin đủ liều và tiêm nhắc lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ