Tìm hiểu sự khác biệt giữa ngành học Marketing và Bảo hiểm

GD&TĐ - Bạn đọc có địa chỉ email Tuanbui…9307@gmail.com có thư hỏi: Em đã đăng ký xét tuyển vào ngành Kinh tế của một trường đại học, nhưng còn phân vân không biết lựa chọn ngành học nào nếu đỗ sau này. Xin hộp thư cho biết ngành học Marketing và Bảo hiểm có gì khác nhau; Mục tiêu đào tạo ngành Bảo hiểm là gì; Tốt nghiệp ngành học Bảo hiểm có thể làm việc ở những đâu?

Tìm hiểu sự khác biệt giữa ngành học Marketing và Bảo hiểm

Hộp thư tuyển sinh xin trả lời:

Cả 2 ngành đào tạo mà bạn hỏi đều thuộc nhóm ngành kinh tế. Tuy nhiên mỗi ngành học lại mang đặc thù riêng theo tên gọi. Cụ thể ở đây ngành Marketing có thể hiểu là điều hành, nghiên cứu các hoạt động thuộc lĩnh vực thị trường. Còn nganh Bảo hiểm là các vấn đề liên quan đến kinh doanh bảo hiểm cả về vật chất và con người mà ta hay gọi là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.

Còn về mục tiêu, ngành Bảo hiểm có mục tiêu đào tạo cử nhân có kiến thức toàn diện về các lĩnh vực chung về kinh tế - tài chính – ngân hàng. Trong đó đặc biệt trọng tâm là khối kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành bảo hiểm.

Cử nhân ngành Bảo hiểm có thể đảm nhiệm công việc tại các tổ chức bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế); cơ quan quản lý nhà nước các bộ, ngành hoặc các tổ chức tài chính trung gian (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ…) và các tổ chức kinh tế - xã hội khác (với tư cách là người quản trị tài chính về rủi ro và bảo hiểm).

Bạn đọc có địa chỉ email huongngoclan…@gmail. com hỏi: Em đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Hà Nội, em muốn chuyển tiếp sang học chương trình 2+2 của trường liên kết với đại học nước ngoài nào đó. Vậy cách thức chuyển đổi này thế nào, những môn đã học có được chuyển tiếp không?

Hộp thư tuyển sinh xin trả lời:

Bạn Huongngoclan thân mến, bạn hoàn toàn được phép học chương trình liên kết của Trường Đại học Hà Nội với các trường đại học nước ngoài với điều kiện những chương trình đào tạo liên kết này phải được sự cho phép của Bộ GD&ĐT. Như ở Trường Đại học Hà Nội hiện có nhiều chương trình liên kết với các đại học nước ngoài bạn có thể tham khảo ngay tại trường mình.

Thêm một lưu ý nữa với bạn là, để được chuyển tiếp và chấp nhận các nội dung đã học thì bạn xem ngành học của mình có trùng với ngành đào tạo mà chương trình liên kết chuyển đổi không. Về việc này, tốt nhất là bạn trực tiếp hỏi những cán bộ chương trình liên kết tại Đại học Hà Nội có văn phòng ngay tại trường bạn đang học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ