Tìm giải pháp tháo gỡ bất cập trong quản lý đất đai

GD&TĐ - Ngày 17/1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, và đề tài cấp Nhà nước BĐKH.41/16-20  đồng tổ chức Tọa đàm Đối thoại chính sách với chủ đề “Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp Đất đai ở Việt Nam”.

Quang cảnh tọa đàm
Quang cảnh tọa đàm

Hiện nay, đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là điều kiện tiên quyết, tất yếu cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Quản lý nhà nước về kinh tế đất được coi như linh hồn của quản lý nhà nước về đất đai trong cơ chế thị trường để nguồn tài nguyên đất thực sự trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội vừa đảm bảo hài hoà lợi ích, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực đất đai.

Ở Việt Nam, các chính sách kinh tế đất nói chung và huy động nguồn thu từ đất cho phát triển kinh tế - xã hội nói riêng đã liên tục được điều chỉnh, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai; các khoản thu từ đất đã trở thành một nguồn thu quan trọng cho nhiều địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế đất và các chính sách kinh tế đất ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, là nguyên nhân căn bản không chỉ làm thất thoát nguồn thu từ đất mà còn tạo nên những bất cập trong công tác quản lý đất đai.

Tọa đàm tập trung nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp Đất đai ở Việt Nam, đứng từ các góc nhìn khác nhau từ các bên liên quan, từ đó sẽ đóng góp vào quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai trong thời gian sắp tới.

Phát biểu tại tọa đàm, đại biểu Quốc hội - PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, có rất nhiều bất cập trong thu hồi, đền bù, quản lý đất đai. Chẳng hạn, với các dự án, người dân thường không hài lòng với việc đền bù của nhà đầu tư vì cho rằng nhà đầu tư hưởng lợi nhiều, trong khi nhà đầu tư cho rằng họ phải bỏ nhiều chi phí để có cơ sở hạ tầng…  PGS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước trong điều tiết quyền lợi đất đai phải được coi trọng hơn nữa. 

Để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đất đai, GS.TS Đặng Hùng Võ đề xuất nên quản lý dựa trên giá đất do người dân tự đăng ký, kết hợp với những quy định, điều kiện để người dân đăng ký sao cho phù hợp. Điều này vừa để người dân tham gia vào quản lý đất thông qua đăng ký giá và vừa để họ công khai tư duy về giá trị mảnh đất mình đang sử dụng…

Các nội dung tọa đàm tập trung vào: Định giá đất theo cơ chế thị trường; Cơ chế, chính sách kinh tế trong giao đất; Cơ chế, chính sách kinh tế trong cho thuê đất; Cơ chế, chính sách kinh tế trong thu hồi và đền bù khi thu hồi đất; Cơ chế, chính sách kinh tế trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong quản lý kinh tế đất...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.