Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc 2019: Kiến nghị từ cơ sở

GD&TĐ - Mỗi địa phương một cách làm nhưng đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng GD, tạo môi trường để HS được phát triển toàn diện. Cùng lắng nghe chia sẻ, kỳ vọng, mong muốn từ các địa phương trước thềm Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT.

Ngày tựu trường của học sinh TPHCM
Ngày tựu trường của học sinh TPHCM

Quan tâm hơn tới vùng khó

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Lai Châu, mấy năm gần đây, nhiều hoạt động đổi mới GD tích cực được triển khai; chất lượng GD toàn diện phát triển nhanh, GD mũi nhọn được chú trọng. GD chuyên nghiệp và đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, chương trình đào tạo, cơ cấu ngành nghề ngày càng phù hợp với nhu cầu thực tiễn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển mới của tỉnh.

Tuy nhiên, ngành GD-ĐT Lai Châu còn gặp nhiều thách thức cần được tháo gỡ. Về đội ngũ cán bộ, ở các Phòng GD&ĐT hiện còn thiếu về số lượng người làm việc với định mức biên chế quy định; Ở các đơn vị trực thuộc sở, số biên chế có mặt không đủ so với biên chế giao.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện kế hoạch của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025, ngành GD-ĐT tỉnh Lai Châu gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học bởi địa phương này còn thiếu nguồn tuyển hàng năm.

Đặc biệt, trẻ mẫu giáo ở các xã khu vực II không được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa, do đó các trường mầm non gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Song song với đó, do cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Tỉnh còn khoảng 458 phòng học tạm bợ đã xuống cấp trầm trọng; Phòng ở cho học sinh bán trú và các hạng mục phụ trợ phục vụ cho việc nuôi dưỡng học sinh. Thống kê mới nhất cho thấy, đa số các huyện trong tỉnh còn thiếu phòng ở cho học sinh, có trường có đến 30 học sinh ở chung một căn phòng.

Trong giờ học của HS vùng khó Lai Châu
Trong giờ học của HS vùng khó Lai Châu 

Tăng cường đầu tư cho GD

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân kiến nghị định suất đầu tư cho GD-ĐT vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng lên, nhất là giáo dục mầm non. Muốn vậy, Bộ GD&ĐT phải khảo sát, đánh giá thật kỹ những khó khăn của vùng.

Một chương trình giáo dục nhẹ nhàng, vừa sức, khả dụng cuộc sống, kết hợp hài hòa hoạt động trải nghiệm, sáng tạo ngoài giờ lên lớp sẽ góp phần khắc phục được tình trạng học lệch, chạy theo thành tích, chạy theo điểm số và gian lận thi cử còn nặng nề ở một số nơi như hiện nay.

Cái khó lớn nhất của vùng ĐBSCL, không phải ở đội ngũ mà là cơ sở vật chất trường lớp, phương tiện dạy học và định suất đầu tư cho hoạt động giáo dục. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần chọn lọc vấn đề cốt lõi, tích cực tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng để vực dậy chất lượng GD-ĐT của khu vực; trong 5 năm tới, ít nhất cũng bằng với bình quân chung của cả nước.

Tiếp đó, nhanh chóng giảm tải đối với giáo dục phổ thông. Thời điểm hiện tại chúng ta cứ đặt nặng yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, trong khi đó nội dung giáo dục rất nặng mà lại thiên về lý thuyết nhiều hơn. Cả thầy và trò quá bận bịu, áp lực với việc soạn bài, học bài, không còn thời gian cho hoạt động trải nghiệm, vui chơi bên ngoài.

Giải bài toán thiếu GV

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang: Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh thiếu xấp xỉ 1.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non chiếm khoảng 60 - 70%. Trong khi nguồn lực con người (biên chế, tuyển dụng) cho đến tài chính ngành GD không thể chủ động.

Ngành GD-ĐT Kiên Giang từ năm 2015 đến nay chưa được giao thêm biên chế nên rất khó khăn, phát sinh nhiều bất cập. Tỉnh Kiên Giang đề nghị rất nhiều lần với Bộ Nội vụ, tỉnh tổ chức đoàn đến làm việc với các cơ quan Trung ương, mặc dù đã được ghi nhận nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Nguyên nhân là trước đây, Trung ương giao quyền quyết định biên chế giáo viên cho địa phương, cần đến đâu giao đến đó. Nhưng sau khi có Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập phải được Bộ Nội vụ trình Chính phủ mới thực hiện được; việc phê duyệt này rất chậm…

Vì khó khăn, vướng mắc này, nếu so với nhu cầu thực tế, bố trí giáo viên đứng lớp đúng theo quy định, tăng số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và huy động hết số trẻ mầm non trong độ tuổi ra lớp, tỉnh Kiên Giang còn thiếu khoảng 1.000 giáo viên.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất

Dự hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc, ông Trần Tuấn Nam – GĐ Sở GD&ĐT Bắc Giang kỳ vọng hội nghị sẽ bàn bạc, đưa ra những giải pháp để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục cùng 2 điều kiện cơ bản nhất: Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phải được bảo đảm trong năm học tới và những năm tiếp theo. Công tác chuẩn bị cho thực hiện đổi mới Chương trình GDPT sắp tới trọng tâm cũng là chuẩn bị 2 điều kiện đó.

Để đáp ứng tốt cả hai điều kiện cơ bản ấy, theo ông Trần Tuấn Nam, đòi hỏi ngành GD phải phối hợp tốt với các ngành, nhất là Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch đầu tư và UBND các huyện, thành phố, vì theo phân cấp quản lý, các trường mầm non, tiểu học, THCS chịu sự quản lý, điều tiết về con người, tài chính từ các huyện, thành phố; cho nên công tác phối hợp với các ngành, các địa phương là rất quan trọng để có thể huy động sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT trên địa bàn.

Tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GĐ&ĐT Đà Nẵng cho biết: Trong mùa hè này, Đà Nẵng đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo, xây mới phòng học, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và tập huấn GV để tháng 10/2018 thí điểm nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi tại 17 trường công lập trên toàn TP.

“Hầu hết các trường mầm non công lập trên địa bàn Đà Nẵng đều nhận trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, chỉ một số trường tư thục nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. Trong khi chưa đủ điều kiện khôi phục lại một số nhà trẻ như trước đây, việc thí điểm tại một số trường công lập là giải pháp để Đà Nẵng tăng số lượng trẻ dưới 18 tháng tuổi tiếp cận các trường mầm non công lập, nâng cao điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ”bà Thuận khẳng định.

Ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tạo ra một môi trường giáo dục để HS có điều kiện phát triển toàn diện. Từ năm học 2017 – 2018, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt và triển khai đầu tư xây dựng 21 sân thể thao tại các trường học. Quy mô các sân sẽ tùy theo diện tích của mỗi trường. Với các trường có diện tích sân nhỏ sẽ tập trung đầu tư sân chơi bóng chuyền, bóng đá, cầu lông; với những trường có diện tích rộng thì có thể đầu tư sân thể thao tổng hợp. Mức đầu tư thấp nhất là 200 triệu đồng/sân cho đến 2,7 tỉ đồng/sân bao gồm cả dụng cụ tập luyện. Theo lộ trình của đề án, năm 2019, sẽ xây dựng thêm 25 sân thể thao tại các trường học trên địa bàn.

Bên cạnh việc bảo đảm các kiến thức căn bản của chương trình học, bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, các trường học ở Đà Nẵng đẩy mạnh tăng cường các hoạt động ngoại khóa cũng như các giờ học thực địa, thực nghiệm. Mô hình lớp học ngoài trời, giờ học trên đồng ruộng, các tiết học STEM… bắt đầu được triển khai để phát triển năng lực người học, rèn luyện các kỹ năng cho HS như rèn luyện thể chất, kỹ năng xã hội, tự phục vụ, bảo vệ bản thân.

Ấn tượng về chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam Đinh Thị Lụa nhận định: Trong năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tốt các nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; Thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên.

Công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện CT, SGK GDPT mới, nhất là đối với lớp 1 được Bộ chỉ đạo sát sao. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; Đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông; Công tác đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh được đẩy mạnh; Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được thực hiện tốt từ khâu chuẩn bị các điều kiện đến công tác tổ chức đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đánh giá đúng năng lực học sinh, khắc phục được những lỗi về mặt kĩ thuật so với năm học trước.

Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt công tác bồi dưỡng giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông cũng có nhiều khởi sắc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục diễn ra mạnh mẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.