Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực khu vực Tây Nam Bộ

Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực khu vực Tây Nam Bộ

(GD&TĐ) - Ngày 4/12 tại TP. Cần Thơ, Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng UBND TP. Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2020. Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các đại biểu là lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở, ban ngành các tỉnh ĐBSCL. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.

Vấn đề đặt ra cho phát triển của vùng

Trong thời gian qua, công tác phát triển nguồn nhân lực của vùng Tây Nam Bộ đã cung ứng được đội ngũ nhân lực có trình độ, có năng lực, góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Trước yêu cầu CNH- HĐH và phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển nhân lực cho vùng ĐBSCL. Hội thảo là dịp để các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ cùng các bộ, ngành Trung ương ngồi lại với nhau nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Mục tiêu quy hoạch và dự kiến số trường ĐH, CĐ, TCCN vùng ĐBSCL đến năm 2020 cần có 20 trường ĐH, từ 40- 44 trường CĐ và khoảng 40 trường TCCN. Mục tiêu quy hoạch mạng lưới các trường nhằm đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội, đào tạo nguồn lao động phục vụ cơ cấu ngành nghề phát triển nông thôn. Tạo điều kiện con em đồng bào dân tộc ở ĐBSCL được đào tạo tốt hơn. Song song đó quy hoạch trường phải gắn với đào tạo đa ngành có cơ chế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với năng lực điều kiện của mỗi địa phương. Trong đó quan điểm lập trường ĐH, CĐ, TCCN là sẽ đáp ứng điều kiện, chất lượng đào tạo. Thành lập mới thêm một số trường và sắp xếp lại thành hệ thống đào tạo. Giải pháp căn cơ là đào tạo đội ngũ giảng viên cho các trường ĐH, CĐ để đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian tới.

Toàn vùng hiện có 75 trường ĐH, CĐ và TCCN với quy mô đào tạo là 133.098 SV. Trong đó TP. Cần thơ có số lượng trường ĐH, CĐ, TCCN nhiều nhất với 14 trường, số lượng SV chiếm 50 % SV của cả vùng. Ông Nguyễn Văn Ngữ- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD& ĐT cho biết: Trong thời gian qua số trường ĐH, CĐ vùng Tây Nam Bộ tăng lên đáng kể, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chổ cho địa phương. Mạng lưới cơ sở đào tạo trình độ ĐH, CĐ đã có sự phân bố đều ở các tỉnh, thành. Đáng chú ý nhất là đội ngũ giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ được các địa phương chú ý phát triển, đào tạo. Trong thời gian 5 năm qua vùng đã chú ý đào tạo nguồn giảng viên, đến nay vùng có hơn 6000 giảng viên.

Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội nghị

Tuy nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL có số lượng nhiều nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn còn thấp. Theo thống kê có khoảng 70- 80% lao động của vùng chưa qua đào tạo nghề, tỷ lệ này còn cao hơn so với các tỉnh thành trong cả nước. Trong đội ngũ được đào tạo, số lao động có bằng từ sơ cấp đến ĐH chiếm dưới 10%. Cơ cấu ngành nghề của các trường khu vực Tây Nam Bộ hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Hiện khối ngành kinh tế, tài chính được đông đảo SV theo học. Bên cạnh đó những ngành học cần thiết cho vùng như khối ngành Nông, Lâm, Thuỷ sản số lượng SV theo học không nhiều. Kết quả tuyển sinh ở một số ngành còn khó khăn vì ít người theo học,… Công tác đào tạo lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật của vùng còn thiếu rất nhiều, chỉ có vài trường đào tạo bậc Trung cấp, chưa có trường ĐH nào đào tạo lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật. Theo đó, tỷ lệ đào tạo các ngành nông, lâm ngư nghiệp còn thấp chiếm khoảng 10,4%, ngành y dược khoảng 5% còn các ngành Văn hoá nghệ thuật chưa tới 1%.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị là phải xem xét lại cơ cấu ngành nghề của vùng. ĐBSCL là trung tâm xuất khẩu lúa gạo, tôm, cá nhiều nhất cả nước nhưng số SV theo học ngành nông nghiệp, thuỷ sản còn thấp. Phải xem xét lại và chú ý xem đó là sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực. Ngành nghề và số SV theo học khối Văn hoá nghệ thuật còn rất ít,  cần phải xem xét và định hướng để có phương án đào tạo trong thời gian tới.

Tiếng nói từ địa phương

Tỉnh Trà Vinh hiện có 3 trường ĐH, CĐ, TCCN, trong đó ĐH Trà Vinh đào tạo đa ngành, đa cấp. Bậc ĐH, CĐ, TCCN trường ĐH Trà Vinh đào tạo hệ chính quy, tập trung, vừa làm vừa học, từ xa,… Ngoài ra còn đào tạo liên kết, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đơn đặt hàng. Tỷ lệ lao động tỉnh Trà Vinh qua đào tạo là 25,53%, lao động có trình độ ĐH và sau ĐH là 3,78%. Do gặp khó khăn về cơ sở vật chất nên tỉnh chủ yếu dạy nghề ở bậc Trung cấp và sơ cấp. Hiện nay tỷ lệ lao động của tỉnh trình độ còn thấp: lao động có bằng THCS đạt 24,8%, có trình độ THPT 15,99%, trình độ Trung cấp, CĐ và ĐH là 5,46%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nông thôn còn cao, chiếm khoảng 3,93%, tỉnh đang thiếu đội ngũ lao động lành nghề. Trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 65% lao động qua đào tạo. Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga cho biết: ĐH Trà Vinh thời gian qua có nhiều nỗ lực trong phát triển đội ngũ và đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc. Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer vì vậy nên chú ý đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hiện trường có một số ngành ít SV theo học và gặp khó khăn trong tuyển sinh vì vậy địa phương nên có cơ chế chính sách để thu hút SV. Đến năm 2020 tỉnh có 65 % lao động qua đào tạo là còn cao, vì vậy phải có nhiều nỗ lực thực hiện. Thời gian tới ngành nghề có sự phát triển ngày càng cao hơn nên phải có chiến lược phù hợp với tỉnh nhà.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện cùng các đại biểu
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện cùng các đại biểu


TP. Cần Thơ có tổng số giảng viên các trường ĐH là 1.431 người, số giảng viên các trường CĐ là 487 người, số giáo viên các trường TCCN là 211 người. Mục tiêu đến năm 2015 thành phố đảm bảo đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó có 50% lao động qua đào tạo (34,41% đào tạo ngắn hạn; 7,41% trình độ sơ cấp; 3,58% trình độ trung cấp; 2,36% trình độ CĐ và 2,45% trình độ ĐH trở lên và có 1% có trình độ Thạc sĩ trở lên). Về nhân lực trình độ cao sẽ đào tạo mới khoảng 1.000 Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trong đó có 850 Thạc sĩ và Tiến sĩ đào tạo trong nước, tiếp tục đào tạo mới 150 Thạc sĩ và Tiến sĩ ở nước ngoài. Đến năm 2020 sẽ có 62% lao động qua đào tạo (28,04% đào tạo ngắn hạn; 9,36% trình độ sơ cấp; 14,47% trình độ trung cấp; 6,08% trình độ CĐ và 4,05% trình độ ĐH trở lên và có 1% có trình độ Thạc sĩ trở lên). Tuy nhiên, thành phố Cần Thơ hiện nay vẫn còn 58% nhân lực chưa qua đào tạo, còn lại trong số đã đào tạo rồi thì có đến 33% đào tạo ngắn hạn. Lao động có trình độ ĐH, CĐ chiếm khoảng 3%, Trung cấp khoảng 2%, sơ cấp khoảng 4,5%. Cái khó nữa là các trường và trung tâm ở các bậc học chuyên nghiệp và dạy nghề chương trình giảng dạy còn nặng về lý thuyết, trang thiết bị thực hành chưa được trang bị hiện đại. Chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa công nghệ sản xuất dẫn đến tình trạng SV ra trường nhận công tác ở đơn vị phải mất thời gian dài tiếp cận với trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp. TP. Cần Thơ cũng kiến nghị nhà nước đẩy mạnh xây dựng ĐH Cần Thơ thành ĐH xuất sắc trong thời gian tới. Cần Thơ còn đóng vai trò trung tâm của vùng vì vậy Cần Thơ đang xin thành lập trường ĐH Khoa học Công nghệ; Nâng cấp trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật thành ĐH Kinh tế Nông nghiệp; Thành lập ĐH Luật, ĐH Kiến trúc, ĐH Ngoại Ngữ và hoàn thiện cơ sở vật chất ĐH Y Dược. Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ: Đến năm 2020 vùng phát triển thêm khoảng 9 trường ĐH nên Cần Thơ sẽ đóng vai trò đầu tàu trong đào tạo và phát triển nguồn lực. Nên xây dựng 1 trung tâm ĐH hay trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực mang tính vùng, tập trung thay vì đầu tư xây dựng mới vài trường ĐH nữa. Cần Thơ nên mở ĐH Bách khoa cho vùng, trường này đủ mạnh để phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập phát triển của cả vùng. Việc này một mình địa phương rất khó thực hiện và chi phí rất tốn kém nên cần có sự hỗ trợ của nhà nước để giải quyết bài toán về đầu tư xây dựng.

Tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua trình độ lao động tăng nhưng chỉ đạt ở mức trung bình. Tỷ lệ lao động của tỉnh có trình độ THCS 11,4%, THPT 13,4%. Đội ngũ lao động có trình độ CĐ, ĐH, sau ĐH đạt tỷ lệ 4% trong tổng số lao động. Tỉnh có lợi thế là bờ biển dài, khai thác thuỷ, hải sản có nhiều tiềm năng và phát triển nhưng lực lượng lao động ngành thủy sản hiện nay đa số không có chứng chỉ đào tạo. Họ làm việc chủ yếu qua kinh nghiệm trong cuộc sống. Bên cạnh đó đến năm 2020 tỉnh Kiên Giang có nhiều dự án đầu tư lớn như: khu trung tâm điện lực Kiên Lương, phát triển đảo Phú Quốc, phát triển khách sạn, resort, casino,… rất cần đội ngũ nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp và các ngành nghề phát triển. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đó, tỉnh Kiên Giang đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực và đang xây dựng Đề án trình Thủ tướng để xây dựng trường ĐH và mở rộng chuyên ngành du lịch, dịch vụ phục vụ phát triển địa phương.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Về phát triển và đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ, PGS. TS Phan Thanh Bình- Giám đốc ĐH Quốc Gia TP. HCM chia sẻ với hội nghị là khu vực Tây Nam Bộ có tác động lớn về phát triển nông lâm, thủy sản. Khi bàn đến việc quy hoạch thì phải mang tầm khu vực nhằm phát huy nguồn lực của từng vùng nhỏ như nguồn lực về thủy sản, nông nghiệp, vùng lúa, vùng bán đảo Cà Mau. Song song đó phải chú ý nâng cao chất lượng GD bậc phổ thông. Còn về mạng lưới GD ĐH hiện nay, các ĐH phát triển hướng đến ĐH cộng đồng phục vụ nhu cầu nhân lực tại chổ. Việc dạy nghề phải gắn với thực tế, dạy nghề bám sát nhu cầu lao động, sản xuất phù hợp với chiến lược của địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Cần chú trọng đào tạo những ngành nghề trong vùng còn thiếu. Tham gia Hội thảo này có Chủ tịch và Phó Chủ tịch, các Sở KH- ĐT đến dự, thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này. Sau hội nghị các tỉnh sẽ báo cáo lãnh đạo để nghe về tình hình nguồn nhân lực của mình để bước vào năm 2011 mỗi địa phương có một lộ trình trong tay để giải quyết vấn đề nhân lực, làm cho nguồn nhân lực ở ĐBSCL trong thời gian 5 năm, 10 năm tới sẽ phát triển mạnh, góp phần làm cho kinh tế xã hội phát triển hơn nữa.


Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ