Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu quốc gia

GD&TĐ - Sáng 10/4, tại TP.HCM diễn ra Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ và ĐHQG TP.HCM phối hợp tổ chức. 

Tham dự hội thảo có ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Huỳnh Thành Đạt- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; PGS.TS Vũ Hải Quân- Ủy viên Trung ương Đảng- Giám đốc ĐHQG TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Qua thực tiễn phát triển trên thế giới, không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Dù vậy, phải thừa nhận một thực tế, ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (giữa) tham dự hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (giữa)  tham dự hội thảo.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Đặc biệt là cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.

Vì vậy, ông Trần Tuấn Anh nêu quan điểm: Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng và sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4…., Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu.

“Để ngành công nghiệp vật liệu phát triển, chúng ta làm rõ hơn nữa vai trò của ngành này trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực trạng của ngành công nghiệp vật liệu ở nước ta trong thời gian qua. Từ đó nhận diện, làm rõ vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu hiện nay, thực trạng của nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta trong thời gian qua.

Đây là những vấn đề then chốt cần được các đại biểu thảo luận. Chúng ta phải thẳng thắn đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam; làm rõ những rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu hiện nay. Đặc biệt, cần xác định rõ đâu là những nút thắt Nhà nước cần tháo gỡ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giải phóng nguồn lực và năng lực sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghiệp vật liệu”, Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

PGS. TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM phát biểu tại hội thảo.
PGS. TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Khoa học vật liệu là lĩnh vực ĐHQG TP.HCM đi tiên phong trong việc triển khai thí điểm đào tạo và nghiên cứu. Cụ thể, quy mô đào tạo ngành khoa học vật liệu bậc đại học khoảng 400 sinh viên/năm (chủ yếu của Trường ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học&Tự nhiên).

Quy mô sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) mỗi năm hơn 100 học viên cao học, nghiên cứu sinh; chưa kể các ngành gần với khoa học vật liệu như: vật lý, hóa học, y sinh… Để phát triển lĩnh vực này, khoa học vật liệu tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, y sinh sẽ là 3 mũi nhọn đột phá của đơn vị trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung, phân tích, làm rõ tình hình phát triển công nghiệp và ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam; thực trạng nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu; nhận diện bối cảnh, xu thế và tư duy, cách tiếp cận mới trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo thu hút hơn 400 chuyên gia, học giả, cán bộ quản lý các bộ, ngành, Trung ương và địa phương tham dự.
Hội thảo thu hút hơn 400 chuyên gia, học giả, cán bộ quản lý các bộ, ngành, Trung ương và địa phương tham dự.

Trên các luận điểm khoa học, các đại biểu đã cùng đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn cho phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.