Tốt nghiệp những ngành học này thì công việc phải làm là gì và có thể xin việc ở đâu?
Hộp thư tuyển sinh xin trả lời:
Ngành Hóa dầu và Công nghệ vật liệu là những ngành học mũi nhọn được Nhà nước ưu tiên đầu tư vì đang thiếu nguồn nhân lực. Hiện nay, nhiều trường đại học kỹ thuât, bách khoa trên cả nước đều có đào tạo ngành học này. Về truyền thống và uy tín thì có thể kể đến các trường Đại học Bách khoa như Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên nói vậy cũng không có nghĩa các trường đại học khác đào tạo chất lượng không bằng.
- Về kiến thức chuyên môn và điều kiện việc làm sau tốt nghiệp
+ Chuyên ngành Công nghệ Hóa dầu:
Sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, về ngoại ngữ, tin học, kiến thức cơ bản về hóa học, kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ hóa học ở bậc đại học. Sinh viên được trang bị kỹ năng thực hành, thực nghiệm về hóa học cơ bản và công nghệ hóa học, có khả năng tham gia trong công tác giảng dạy và bước đầu có tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Kỹ sư ngành Công nghệ Hóa dầu, sau khi tốt nghiệp có thể tìm việc làm ở các đơn vị kinh tế chuyên ngành dầu khí hoặc các sản phẩm từ dầu khí hiện đang phát triển rất mạnh ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và nhiều địa phương khác ở các lĩnh vực liên quan đến hóa – dầu; Hoặc có thể tham gia làm công tác giảng dạy, đào tạo ở các trường đại học, trường dạy nghề hoặc viện nghiên cứu.
+ Chuyên ngành Công nghệ vật liệu: Đây là ngành học có tính năng đặc biệt ngày càng cao và đa dạng liên quan đến nhiều loại hình sản xuất. Sinh viên học ngành Công nghệ vật liệu được trang bị kiến thức để giải quyết các bài toán về kết cấu, về cấu trúc, các bài toán kỹ thuật. Vật lý là nền tảng để sinh viên hiểu các hiện tượng và cùng với kiến thức hóa học sinh viên hiểu rõ về cấu trúc vật liệu từ đó có những giải pháp tối ưu trong việc chế tạo, gia công và sử dụng vật liệu.
Kỹ sư công nghệ vật liệu được đào tạo theo hướng ngành rộng, có năng lực đáp ứng các yêu cầu thiết kế công nghệ sản xuất, chế tạo, gia công vật liệu; lựa chọn, sử dụng vật liệu tối ưu cho các ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Tốt nghiệp có khả năng công tác ở các doanh nghiệp sản xuất, gia công vật liệu phục vụ các ngành công nghiệp khác như luyện cán thép, gốm sứ, nhựa, cao su, vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội thất…; Các công ty chế tạo vật tư và thiết bị dân dụng, thiết bị công nghiệp hoặc các đơn vị bảo dưỡng, sản xuất phụ tùng thay thế cho các thiết bị công nông ngư nghiệp; Cũng có thể làm việc tại các cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoa học và công nghệ vật liệu, cơ quan quản lý và kiểm định chất lượng nguyên vật liệu… Hoặc tham gia giảng dạy ở những cơ sở đào tạo có chuyên ngành đào tạo trên.