Tìm giải pháp hỗ trợ học sinh điểm lẻ tại Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Thời gian qua, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực sắp xếp trường lớp, xóa nhiều điểm trường lẻ.

Tiết học tại một điểm trường lẻ ở Cà Mau.
Tiết học tại một điểm trường lẻ ở Cà Mau.

Tuy nhiên, số điểm trường lẻ chưa thể xóa vẫn còn nhiều, nhất là ở những địa phương vùng sâu, xa. So với việc học ở điểm trường chính, học sinh học ở điểm trường lẻ chịu nhiều thiệt thòi.

Học sinh thiệt thòi

Trường Tiểu học Tân Hải (xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. So với điểm chính, các điểm lẻ còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt cơ sở vật chất phục vụ các môn: Thể dục, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học...

Thầy Nguyễn Văn Trình công tác tại điểm trường Công Nghiệp, một trong 2 điểm lẻ của Trường Tiểu học Tân Hải cho biết, nơi đây có 6 lớp nhưng chỉ 4 phòng học, chưa đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mới. Bên cạnh đó, điểm lẻ này được xây dựng đã lâu hiện có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, bàn ghế cũ kỹ, chắp vá, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

“Nhiều phòng học cứ mưa là bị thấm nước, tường, trần nhà bong tróc, đôi lúc học sinh ngồi học cứ ngước lên trần, lo sợ những mảng tường trần nhà, la phông rơi xuống. Mặt khác ở điểm chính, tiết học giáo dục thể chất có sân bãi rộng để học sinh luyện tập, tham gia các môn thể thao, còn điểm lẻ thì hạn chế, thậm chí sân bãi, không gian vui chơi cũng hạn hẹp. Ngoài ra, việc học Tin học, Tiếng Anh đối với học sinh điểm lẻ cũng khó khăn hơn điểm chính do không có phòng chức năng”, thầy Trình chia sẻ.

Công tác tại điểm trường Kết Nghĩa (điểm lẻ Trường Tiểu học Tân Hải), cô Huỳnh Thúy Loan cho biết, học sinh điểm trường lẻ không được sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Đây là thiệt thòi lớn đối với các em. “Tôi nghĩ tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần rất quan trọng đối với học sinh. Ở đây, các em được gặp ban giám hiệu, ôn lại truyền thống, nhắc nhở, động viên tinh thần học tập, biểu dương những em chăm ngoan, học tốt.

Các em còn được Tổng phụ trách đội hướng dẫn, sinh hoạt công tác đội, phong trào thanh thiếu nhi, lồng ghép những bài học về giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tinh thần yêu nước đối với học sinh bằng nhiều hình thức, giúp học sinh hào hứng bước vào tuần học tập mới. Không tham gia chào cờ đầu tuần, đồng nghĩa học sinh điểm lẻ không biết đến các hoạt động này”, cô Loan phân tích.

tim-giai-phap-ho-tro-hoc-sinh-diem-le-4-3235.jpg
Học sinh điểm trường Công Nghiệp, Trường Tiểu học Tân Hải trong giờ ra chơi.

Nhà cách xa điểm trường chính nên Đỗ Quốc Khôi - học sinh lớp 4 phải học ở điểm lẻ Kết Nghĩa. “Em thấy không gian học tập ở đây nhỏ hẹp hơn nhiều so với điểm trường chính, thiếu sân chơi, các hoạt động ngoại khóa, không được giao lưu với bạn bè cùng khối, do chỉ có một lớp 4. Ở đây thầy cô cũng không thể tổ chức sinh hoạt dưới cờ đầu tuần”, Khôi tâm sự.

Trường THCS Trần Phú (xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) còn 1 điểm lẻ với 5 lớp. Trong khi điểm trường chính được đầu tư xây dựng khang trang, trang bị phòng chức năng, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đầy đủ thì điểm lẻ còn nhiều hạn chế. “Dù nỗ lực đầu tư, tuy nhiên học điểm lẻ chắc chắn các em sẽ thiệt thòi hơn nhiều so với điểm chính.

Ở điểm lẻ sẽ không có phòng chức năng, thực hành, thí nghiệm... phục vụ việc học tập của học sinh. Tiết thực hành Tin học, học sinh điểm lẻ phải đến điểm chính để học, rất khó khăn. Ngoài ra, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do trường tổ chức, học sinh ở điểm trường lẻ cũng ít có điều kiện được tham gia hơn so với bạn học ở điểm trường chính”, thầy Vũ Đức Quý - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú nhìn nhận.

tim-giai-phap-ho-tro-hoc-sinh-diem-le-1-191.jpg
Tiết học thể dục tại điểm trường Kết Nghĩa, Trường Tiểu học Tân Hải.

Giải pháp hỗ trợ

Theo thống kê, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) còn khoảng 40 điểm lẻ, chủ yếu ở cấp học mầm non và tiểu học. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hải Trương Hà Giang, thời gian tới, phòng tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí hợp lý mạng lưới trường học ở các điểm trung tâm và điểm lẻ trên địa bàn vừa đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành.

“Các trường đã tham mưu với phòng GD&ĐT trình UBND huyện đầu tư trang thiết bị phòng dạy học môn Tin học tại điểm trường lẻ cấp tiểu học. Trong thời gian chờ đầu tư, các điểm trường lẻ chưa có phòng dạy môn Tin học, nhà trường bố trí tiết thực hành lớp 3, lớp 4 về điểm trung tâm. Nếu điểm lẻ gần các trường THCS thì lãnh đạo trường phối hợp mượn phòng dạy môn Tin học để dạy, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh điểm lẻ học tập”, vị lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Đông Hải nêu giải pháp.

tim-giai-phap-ho-tro-hoc-sinh-diem-le-2-6600.jpg
Một điểm lẻ của Trường Tiểu học Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau).

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn khoảng 309 điểm trường lẻ (mầm non 146 điểm, tiểu học có 153 điểm, THCS có 10 điểm). Thông tin từ ông Tạ Thanh Vũ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, một số điểm lẻ cách xa trường chính từ 7 - 10 km, tuy có số học sinh/lớp, số học sinh/điểm trường thấp nhưng bắt buộc phải duy trì để đảm bảo cho các em đi học hằng ngày không quá xa, đặc biệt đối với trẻ mẫu giáo, học sinh lớp 1, lớp 2.

“Thực tế cho thấy, xóa điểm lẻ dẫn đến quá tải ở điểm trường chính. Trong khi việc mở rộng diện tích, một số trường quỹ đất hẹp, không đủ điều kiện để đầu tư xây dựng thêm phòng học, chức năng, nâng cấp cơ sở vật chất... Đây cũng là bài toán mà ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn”, ông Vũ chia sẻ.

Dự kiến năm học 2024 - 2025, tỉnh Cà Mau xóa thêm khoảng 6 điểm lẻ. Song song với việc tiếp tục rà soát, ngành Giáo dục tỉnh sẽ thực hiện xóa, ghép các trường, điểm trường gắn với thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Sở GD&ĐT tỉnh cũng có kế hoạch linh hoạt việc đưa học sinh từ lớp 3 ở cấp tiểu học (còn đang học ở các điểm lẻ) ra điểm trường chính để tạo điều kiện thuận lợi khi học các môn: Tiếng Anh, Công nghệ, Tin học theo Chương trình GDPT 2018 nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

“Ngành cũng tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với điểm trường do điều kiện quá khó khăn chưa thể đưa toàn bộ học sinh về trường chính để đảm bảo thực hiện dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục chất lượng.

Đối với các điểm trường lẻ xa trường chính không xóa được, xem xét hỗ trợ việc đi lại của học sinh, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xe đạp, phương tiện đi lại, đặc biệt đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 khi về học tại trường chính”, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau thông tin thêm.

“Bên cạnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho điểm trường lẻ nếu không xóa được, theo tôi, nhà trường nên tạo điều kiện luân phiên phân công lãnh đạo, tổng phụ trách đội xuống sinh hoạt đầu tuần với học sinh điểm lẻ nhằm khích lệ động viên tinh thần học tập học sinh, đồng thời hướng dẫn các em tham gia công tác đội, phong trào thanh thiếu nhi...”, cô Huỳnh Thúy Loan nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.