Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi 'vùng trũng'

GD&TĐ - Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chất lượng giáo dục phổ thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều tiến bộ, thoát khỏi “vùng trũng”

Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Cần Thơ) chào đón học sinh lớp 1. Ảnh: Thành Thật
Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Cần Thơ) chào đón học sinh lớp 1. Ảnh: Thành Thật

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chất lượng giáo dục phổ thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều tiến bộ, thoát khỏi “vùng trũng” và có sự bứt phá về chất lượng giáo dục THPT từ kết quả các Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024.

Một số chỉ số vẫn còn thấp

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, nơi có sản lượng xuất khẩu về lương thực, cây ăn trái và thủy sản nhiều nhất nước, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích hơn 39 nghìn km2, dân số hơn 17 triệu người, chiếm 11,8% diện tích và 17,6% dân số cả nước, có nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Vùng có 13 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Trà Vinh.

Với những chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ và sự nỗ lực của các địa phương, kinh tế của vùng không ngừng phát triển. Đáng chú ý, mức sống của người dân nơi đây đã tăng lên, xếp thứ 3 trong 6 vùng của toàn quốc.

Nhờ sự phát triển kinh tế - xã hội và sự chăm lo giáo dục của Đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương trong vùng, giáo dục và đào tạo của Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phát triển bền vững. Giai đoạn 2010 - 2024, tất cả các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.

Phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được củng cố, từng bước đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Giai đoạn 2010 - 2020, cơ sở giáo dục đại học tăng từ 13 lên 21 và quy mô sinh viên tăng từ 42.500 lên hơn 149.700 người.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo nơi đây còn nhiều khó khăn, một số chỉ số giáo dục đạt thấp so với bình quân chung cả nước. Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi ở Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, trong đó, cấp THCS thấp hơn 7% và cấp THPT thấp hơn 13%.

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi THCS nhưng không đi học của Đồng bằng sông Cửu Long cao nhất nước, với 12% (cả nước là 6,6%). Tỷ lệ dân số trong độ tuổi THPT nhưng không đi học cũng cao nhất với 37,5% (cả nước là 25,9%).

Do tỷ lệ huy động học sinh đến trường chưa cao nên trình độ học vấn của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp so với các vùng khác. Cụ thể, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ cao nhất “tốt nghiệp THPT” của Đồng bằng sông Cửu Long đạt tỷ lệ 11,3%, trong khi Tây Nguyên (13,5%), miền núi phía Bắc (14,4%), miền Trung (17,5%), Đồng bằng sông Hồng (20,4%), Đông Nam Bộ (22,2%) và toàn quốc (17,3%).

Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có trình độ cao nhất “chuyên môn – kỹ thuật từ sơ cấp trở lên” của ĐBSCL đạt thấp nhất, với 9,7%, trong khi Tây Nguyên (13,9%), miền núi phía Bắc (18,1%), miền Trung (18,5%), Đông Nam Bộ (20,8%), Đồng bằng sông Hồng (27,9%) và toàn quốc (19,2%).

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2010 - 2020, tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 8,8% tổng số sinh viên toàn quốc, trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng là chiếm 40,9%, Đông Nam Bộ chiếm 30,2%, miền Trung chiếm 14,2%, miền núi phía Bắc 4,1% và Tây Nguyên chiếm 1,8%.

thoat-khoi-vung-trung-2-2167.jpg

Chất lượng đại trà giáo dục THPT: Xếp thứ 3 trong 6 vùng

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, sự quan tâm của chính quyền các địa phương, chất lượng giáo dục của Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả quan trọng, thoát ra khỏi vùng trũng về chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở trung bình điểm thi trong từng năm của các địa phương trong cả nước do Bộ GD&ĐT công bố, trung bình điểm thi và bình quân trung bình điểm thi 5 năm của từng vùng kinh tế được thể hiện ở bảng sau. Trong đó, trung bình điểm thi của Đồng bằng sông Cửu Long xếp thứ 3 trong 6 vùng của cả 5 Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời bình quân trung bình điểm thi 5 năm của vùng này đạt 6,48 (gần mức khá).

Với kết quả này, có thể khẳng định rằng, chất lượng giáo dục đại trà cấp THPT của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thoát khỏi vùng trũng, khi kết quả của vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn xếp cao hơn miền Trung, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Với trung bình điểm thi của vùng luôn đạt cao, nên tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm của các tỉnh trong vùng đạt trên 99%. Trong đó, năm 2024, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất.

Cụ thể Tiền Giang (tỷ lệ tốt nghiệp 99,9%); Trà Vinh (99,88%); Long An (99,8%); Sóc Trăng (99,78%); Bạc Liêu (99,75%); Kiên Giang (99,72%), Vĩnh Long (99,69%); Bến Tre (99,65%); Đồng Tháp (99,59%); An Giang (99,60%), Hậu Giang (99,50%); Cần Thơ (99,06%) và Cà Mau (99,05%). Đây là một thành tựu rất lớn, sẽ góp phần nâng cao trình độ học vấn từ THPT trở lên cho người vùng sông nước này.

thoat-khoi-vung-trung6-4932.jpg

An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long nhiều năm trong top 10 toàn quốc

Từ năm 2020 đến năm 2024, Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Luật Giáo dục 2019, với 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh sẽ chọn thêm 3 môn theo tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Nội dung và yêu cầu đề thi có nhiều thay đổi, theo hướng phát triển năng lực học sinh, với ma trận 4 mức độ nhận thức, tăng dần từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

Để làm tốt bài thi, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức, kỹ năng các môn học mà còn phải có năng lực giải quyết vấn đề, năng lực vận dụng kiến thức. Vì vậy, nhà trường cần không ngừng đổi mới về dạy, học và kiểm tra, đánh giá học sinh nhằm theo kịp sự đổi mới của ngành.

Nhờ đó, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT của toàn vùng đạt cao, trong đó một số địa phương như An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… có trung bình điểm thi cao hơn bình quân toàn quốc. Đáng chú ý, An Giang là địa phương có có 3 năm (2020, 2021, 2023), Bạc Liêu có 2 năm (2020, 2021) và Vĩnh Long có 1 năm (năm 2021) đứng trong top 10 toàn quốc.

Trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2024

thoat-khoi-vung-trung7-7255.jpg

Chất lượng giáo dục cốt lõi cấp THPT: Xếp thứ 3 toàn quốc

Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời ba môn học này thuộc nhiều tổ hợp xét tuyển đại học nên được nhiều học sinh, gia đình, nhà trường chú trọng. Đây cũng là ba môn công cụ quan trọng liên quan đến nhiều môn học và nhiều ngành nghề sau này.

Vì vậy, chất lượng của ba môn học này được coi là “chất lượng giáo dục cốt lõi” của một nhà trường, một địa phương và toàn vùng. Trên cơ sở điểm thi 3 môn học trên của từng địa phương, trong từng năm, giai đoạn 2021 - 2024, chúng tôi tính tổng điểm 3 môn của từng địa phương và của từng vùng trong từng năm.

Kết quả bảng tổng điểm 3 môn cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long luôn xếp thứ 3 trong 4 năm liên tục và có tổng điểm 3 môn cao hơn bình quân toàn quốc. Đây là một sự nỗ lực, nâng cao chất lượng giáo dục cốt lõi của các địa phương vùng này.

Trong đó, môn Ngữ văn là một thế mạnh của một số tỉnh địa phương, khi nhiều tỉnh nằm trong top 10: Năm 2020, An Giang (xếp thứ 1), Sóc Trăng (xếp thứ 3) và Cà Mau (xếp thứ 7); năm 2021, Tiền Giang xếp thứ 3; năm 2023, An Giang xếp thứ 8 và năm 2024, Trà Vinh xếp thứ 2.

Môn Toán không phải là thế mạnh của vùng, nhưng vẫn có tỉnh nằm trong top 10 toàn quốc: Năm 2021, Tiền Giang xếp thứ 4 và Bạc Liêu xếp thứ 9; năm 2022, Tiền Giang xếp thứ 5. Môn Ngoại ngữ, năm 2021 Tiền Giang xếp thứ 5 và năm 2022, An Giang xếp thứ 9.

Giữ vững và phát huy thành tựu đạt được

Mặc dù một số địa phương đạt kết quả chưa cao, như Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, nhưng kết quả chung toàn vùng xếp thứ 3 trong 6 vùng của cả nước là một thành tự đáng ghi nhận và tự hào của giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2020 - 2024. Thành tựu này khẳng định vùng ĐBSCL đã thoát khỏi “vùng trũng” về chất lượng giáo dục.

Bước vào giai đoạn mới, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tuyên truyền cho xã hội biết về các chính sách, chủ trương tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuyên truyền những thành tựu cũng như những hạn chế khó khăn của từng địa phương để tạo sự đồng thuận của xã hội, giữ vững và phát huy thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua.

Đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên đảm bảo tăng tỷ lệ huy động học sinh các cấp học đến trường, từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT và sau THPT. Ngành Giáo dục và nhà trường thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục 2018. Đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện về dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá và thi cử theo các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong chương trình.

Đổi mới toàn diện các kỳ thi, như thi tuyển sinh THPT, thi học sinh giỏi, thi giáo viên dạy giỏi. Đặc biệt là Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục 2018 - một kỳ thi đánh dấu một mốc quan trọng khi chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ một chiều về kiến thức, kỹ năng sang nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực học sinh nói chung và phát huy cao nhất khả năng, tiềm năng của mỗi cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.