(GD&TĐ) - Hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 8, Hội Di sản văn hóa Phú Thọ vừa tổ chức “Hội thảo khoa học và thực tiễn giáo dục di sản văn hóa trong trường phổ thông tỉnh Phú Thọ”.
Giờ học hát Xoan của HS Tiểu học, tỉnh Phú Thọ |
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đại diện Bộ GD&ĐT, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về di sản văn hóa, giáo dục đào tạo...
Các tham luận tập trung vào các vấn đề chính nhằm tìm ra một phương thức tốt nhất trong việc nhận diện các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…
Trong đó, chú trọng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như là giá trị cốt lõi, nền tảng tinh thần của mọi di sản. Từ đó tìm ra những giải pháp bảo tồn, phát triển giá trị của những di sản đó trong đời sống đương đại, đặc biệt là trong văn hóa học đường. Đồng thời đề ra được những hình thức, nội dung và lộ trình đưa giáo dục di sản vào trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng: “Một là, giải quyết vấn đề khái niệm, nhận thức thế nào là giáo dục di sản, phương pháp giáo dục di sản và cách thức sử dụng di sản cho giảng dạy và học tập. Bộ GD&ĐT, UNESCO cần có công cụ và chiến lược truyền thông vấn đề này; Hai là, mọi thiết chế văn hóa quản lý di sản nhất thiết phải có chương trình giáo dục, phải coi việc nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu; Ba là, thiết lập mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan giáo dục và văn hóa để thực hiện vấn đề giáo dục di sản và sử dụng di sản trong việc học tập; Bốn là, ngành Bảo tàng phải phát triển, kiện toàn củng cố về loại hình bảo tàng, chất lượng bảo tàng và nguồn lực con người cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó trưởng phòng GD&ĐT thị xã Phú Thọ cũng đưa ra 4 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường tiểu học: “Cần có sự hướng dẫn đầy đủ về nội dung cần giáo dục về di sản cho học sinh tiểu học trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp (4 tiết/tháng), hướng dẫn về tích hợp trong các môn học có liên quan như Lịch sử, Tiếng Việt, Đạo đức.
Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học để chính họ phải là người “Biết mười, dạy một” về di sản văn hóa; Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về mục tiêu giáo dục tiểu học. Trong đó coi trọng giáo dục đạo đức, thói quen tốt, các kỹ năng sống, sự hiểu biết và yêu quý các giá trị truyền thống của quê hương, đất nước bên cạnh việc tạo cơ hội cho học sinh lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng theo mục tiêu cấp học.
Ngoài ra, cần phải có sự nghiêm túc đầu tư, biên soạn tài liệu chính xác về các di sản để cung cấp cho các nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục một cách khoa học, chân thực và có hệ thống. Các tài liệu này có thể sẽ tốt hơn nếu ở dạng hình ảnh sinh động (các đĩa VCD).
Tại Hội thảo, bà Katherine Muller Marin đánh giá cao sự cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và khẳng định: “Một chương trình giáo dục di sản văn hóa thành công sẽ làm tăng hình ảnh và bản sắc của tỉnh nhà, đồng thời góp phần hình thành một ý thức gắn bó và sở hữu của mọi người. Tôi tin rằng với nỗ lực tập thể, Phú Thọ sẽ có khả năng tăng cường và đảm bảo thực hiện sáng tạo, thành công và hiệu quả chương trình “Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường”.
Lộc Hà