Tìm cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập

GD&TĐ - Sáng 18/1, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập: Vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN”.

Xây dựng được cơ chế tự chủ sẽ giúp các bệnh viện có điều kiện đầu tư vào nhân lực và vật lực để phục vụ người bệnh tốt hơn
Xây dựng được cơ chế tự chủ sẽ giúp các bệnh viện có điều kiện đầu tư vào nhân lực và vật lực để phục vụ người bệnh tốt hơn

Vẫn trông chờ vào ngân sách

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho rằng: Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập qua một thời gian thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực song còn không ít những tồn tại, vướng mắc. Việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước (NSNN); chưa khuyến khích tăng mức độ tự bảo đảm nguồn kinh phí; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để bệnh viện công lập thực hiện chưa đồng bộ, chậm sửa đổi; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chưa được chú trọng, còn những hạn chế...

“Tất cả những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các bệnh viện công lập” - Phó Tổng KTNN khẳng định, đồng thời nêu rõ: Đối với cơ quan KTNN, công tác kiểm toán trong lĩnh vực y tế hiện mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng dụng tài chính công, tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với NSNN mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Xuất phát từ thực tế trên, Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN” nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực y tế...

Cái khó của ngành đặc thù

Trong tham luận Hội thảo, Bộ Y tế cho biết đến nay, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các nhóm quy định tại Nghị định số 43, Nghị định số 16.

Hiện đã có 23 bệnh viện thuộc Bộ Y tế tự bảo đảm được toàn bộ chi thường xuyên. Giảm cấp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng/năm để chuyển sang mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); các bệnh viện thuộc Bộ đã giảm được 25.362 người hưởng lương từ NSNN, với số tiền khoảng 2.127 tỷ đồng/năm. Hầu hết, các đơn vị đã rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, xây dựng lại điều lệ tổ chức cho đơn vị mình. Trên cơ sở đó tổ chức lại, sáp nhập hoặc chia tách, giải thể các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả hoặc chưa phù hợp chức năng nhiệm vụ để thành lập các tổ chức mới.

Cũng theo Bộ Y tế, việc cho phép các đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động được tự quyết định số lượng người làm việc đã tạo điều kiện cho các đơn vị quyết định và tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực để phục vụ các hoạt động với chất lượng ngày càng được nâng cao. Các đơn vị đã tổ chức sắp xếp lại nhân sự, một người có thể làm được nhiều việc, đảm bảo phân công đúng người đúng việc, đúng sở trường. Tuy nhiên, một trong những bất cập hạn chế hiện nay là nếu các đơn vị tự quyết trong thành lập, giải thể có thể dẫn đến các đơn vị sẽ giải thể các khoa, bộ phận không có thu nhập, hoặc nguồn thu thấp để phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu. Trong khi đó, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.

Xuất phát từ những thực trạng trên, Bộ Y tế đề nghị cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ của các đơn vị dự toán cấp dưới. Có cơ chế tự chủ cho các đơn vị dự toán độc lập thuộc các đơn vị sự nghiệp công, được giao thẩm quyền trong việc quyết định biên chế, đấu thầu, không phải thông qua đơn vị dự toán cấp trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ