Tìm cha qua những bức thư tình

GD&TĐ - Sharon Estill Taylor đã dành hàng chục năm làm công việc của một thám tử để tìm hiểu số phận của ông trong Thế chiến thứ Hai.

Sharon Estill Taylor tìm được hài cốt người cha nhờ những bức thư tình giữa cha và mẹ của bà.
Sharon Estill Taylor tìm được hài cốt người cha nhờ những bức thư tình giữa cha và mẹ của bà.

Chỉ mới ba tuần tuổi thì cha tử trận ở Đức, Sharon Estill Taylor đã dành hàng chục năm làm công việc của một thám tử để tìm hiểu số phận của ông trong Thế chiến thứ Hai. Những bức thư trao đổi giữa cha và mẹ đã giúp bà tìm ra nơi ông ngã xuống ở một đất nước xa xôi.

Lời hứa với bà

Sharon Estill Taylor sẽ không bao giờ biết chính xác những khoảnh khắc cuối cùng của cha bà như thế nào. Nhưng khi bà xem trước nội dung triển lãm Expressions of America ở New Orleans nhằm vinh danh những người hùng và nhìn những lời yêu thương của ông dành cho “Những cô gái thiên thần” được chiếu trên một tấm vải bạt cao 28m, bà cảm thấy cuối cùng cha mình cũng đã về nhà.

Sharon Estill Taylor không có ký ức trực tiếp nào về cha mình vì ông là phi công chiến đấu trong Thế chiến thứ Hai và bị bắn hạ ở Đức vào tháng 4 năm 1945, khi bà mới ba tuần tuổi.

Một tháng sau đó, chiến tranh ở châu Âu kết thúc nhưng có rất ít thông tin về cái chết của viên phi công quê quán tại Cedar Rapids, Iowa, Mỹ. Không rõ Trung úy Shannon Estill có thoát ra ngoài, trước khi hỏa lực phòng không của đối phương phá hủy chiếc P38J Lightning, hay ông đã chết theo chiếc máy bay này. Viên phi công được ghi nhận mất tích, cuối cùng nằm trong danh sách những người tử trận không tìm thấy thi thể.

Một ngày nọ, khi Taylor 7 tuổi đang nhấm nháp một ly mạch nha chocolate tại quầy nước ngọt thì được bà nội kể câu chuyện về người anh hùng đã ngã xuống của họ. Đôi mắt bà rưng rưng khi nhớ về người con trai quá cố. “Bà ơi, không sao đâu!”, Taylor nói với bà. “Con sẽ tìm cha và đưa ông ấy về nhà”.

Đó là một lời hứa mà Taylor, hiện là một tác giả 77 tuổi, giáo sư đã nghỉ hưu, luôn canh cánh bên lòng. Khi biết được cha đã hy sinh trong thế chiến, bà luôn nhớ về ông và dành cho ông một tình yêu sâu đậm. Ngay cả sau khi mẹ bà tái hôn, Taylor vẫn nhất quyết để lại một bàn ăn phụ dành cho người cha đã mất của mình.

Một thời gian sau, bà nội của Taylor đã đưa cho bà một chiếc hộp kim loại chứa khoảng 450 bức thư - những tờ giấy viết tay của cha mẹ bà, trải dài từ thời trung học khi họ mới quen nhau, quá trình đào tạo phi công của Estill, cho đến khi ông đến đơn vị vào mùa Thu năm 1944. Ngoài ra, còn có những bức thư chưa gửi mà mẹ Taylor tiếp tục viết sau khi chồng mất tích.

Cuộc tìm kiếm suốt 60 năm

Sáu mươi năm sau khi tử trận tại Đức, phi công Shannon Estill đã được con gái an táng tại quê nhà.

Sáu mươi năm sau khi tử trận tại Đức, phi công Shannon Estill đã được con gái an táng tại quê nhà.

Vào những năm 1990, khi các con đã lớn, Taylor dành cả mùa Hè để đánh máy lại những bức thư này, tìm hiểu về người cha qua 3.000 trang giấy. Bà hình dung ông kể chuyện cười, phác họa những bức tranh và bày tỏ tình yêu sâu đậm với vợ.

Thỉnh thoảng ông đề cập đến sự khắc nghiệt và tầm quan trọng của cuộc chiến: “Anh rất an tâm vì em đang ở Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác. Mọi thứ, trừ nguy hiểm, đều khan hiếm ở nơi đây”.

Lo lắng sẽ sớm sinh con mà không có mình ở đó, Estill đã đến gặp một bác sĩ quân y để được tư vấn. Trong một bức thư đề ngày 2 tháng 3 năm 1945, ông đã vẽ phác thảo các phương pháp thay tã vải khác nhau và viết: “Mọi người trong đội 428 đều lo lắng về sự ra đời của em bé”.

Khi Taylor chào đời vài tuần sau đó, Estill đã gửi thư cho “Những cô gái thiên thần” của mình. Ông cho biết, chỉ còn một nhiệm vụ bay nữa trước khi có thể về nhà trong kỳ nghỉ phép. Thế rồi, ông mãi mãi nằm lại chiến trường.

Ngoài việc trân trọng những câu chữ của người cha thể hiện sự thông thái, quan điểm đúng đắn và đầy chất thơ, Taylor còn sử dụng chúng để ghép lại, nhằm tìm hiểu về những gì đã xảy ra trong nhiệm vụ cuối cùng đó. Công việc này đã đưa bà đến Thư viện Quốc hội và Viện Lưu trữ Quốc gia.

Bà được biết, vào ngày 13/4/1945, Estill đã cất cánh cùng 10 phi công chiến đấu khác để tấn công một nhà ga đường sắt, phá hủy các tuyến tiếp tế của Đức Quốc xã ở một nơi gần thị trấn Elsnig, miền Đông nước Đức.

Với sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989, Taylor đã có thể đến thăm địa điểm có khả năng xảy ra vụ rơi máy bay. Bà kết nối với nhà sử học Hàng không quân sự Đức, Hans-Guenther Ploes, người đã đồng ý giúp tìm kiếm và xác định nơi chiếc máy bay rơi.

Cho đến năm 2003, Ploes phát hiện ra bảng dữ liệu từ chiếc máy bay bị bắn rơi của Estill, cùng với các mảnh xương gần đó. Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA) lập tức gửi một nhóm điều tra đến hiện trường.

Vào năm 2005, nhóm DPAA, cùng với Ploes và Taylor, đã tiến hành một cuộc khai quật kéo dài ba tuần.

Taylor nói rằng ngay từ khi đặt chân vào địa điểm này, bà cảm thấy như cha mình đang ở đó. Phân tích DNA xác nhận hài cốt đúng là của phi công Shannon Estill.

Vào một ngày tháng 10 đầy nắng năm 2006, Taylor và gia đình an táng hài cốt của cha bà tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Ngoài việc hoàn thành lời hứa với bà nội, Taylor cho biết mục đích của bà khi thực hiện việc tìm kiếm này là để được gần gũi hơn với cha mình và di sản của ông.

Taylor giữ bản sao những bức thư của cha mẹ trong một ngăn tủ ở nhà bà tại Scottsdale, Arizona. Mỗi năm vào ngày sinh nhật của cha, bà đều viết cho ông một bức thư.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.