Chiều 14/3, Trường Đại học Văn Lang phối hợp Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam (VLSN), Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo Luật theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng tại Việt Nam hiện nay".
Hiện, nhu cầu của xã hội đối với việc tuyển dụng các nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực luật ngày càng trở nên đa dạng. Điều này đòi hỏi các các trường đại học phải liên tục cập nhật, đổi mới phương thức và chương trình đào tạo.
Với xu hướng này, trong những năm gần đây, nhiều cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam tiến hành rà soát và xác định lại các định hướng đào tạo của mình theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng.
Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đào tạo, để trả lời được câu hỏi "đào tạo theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng" là một bài toán khó.
PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng |
PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, trước yêu cầu đa dạng của xã hội, đào tạo nhân lực ngành Luật cần được gắn liền với hoạt động thực tiễn, thực hành.
Trong bối cảnh đó, không ít trường gắn chương trình đào tạo với định hướng ứng dụng. Song, ngay trong việc lựa chọn định hướng này, cần có có một góc nhìn toàn diện.
ThS Trần Cao Thành, Tổ trưởng Tổ thực hành Luật, Trung tâm Thực hành luật và khởi nghiệp (Trường Đại học Luật - Đại học Huế) trình bày tham luận về một số giải pháp hỗ trợ đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng.
Tham luận nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong tuyển sinh sau đại học hiện nay, chất lượng đào tạo và trải nghiệm của người học quyết định đến sự sống còn của một cơ sở đào tạo.
Để nâng cao chất lượng đào tạo và trải nghiệm của học viên cao học, các hoạt động hỗ trợ đào tạo đóng vai trò then chốt.
ThS Trần Cao Thành, Trường Đại học Luật - Đại học Huế trình bày tham luận. Ảnh: Mạnh Tùng |
ThS Trần Cao Thành phân tích, chỉ ra sự khác biệt tương đối giữa chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.
Từ đó, ông đề xuất xuất các giải pháp hỗ trợ hoạt động đào tạo thạc sĩ theo 2 hướng trên tập trung vào 2 khía cạnh quan trọng của quá trình đào tạo thạc sĩ là nghiên cứu khoa học, thực hiện luận văn, đề án và thực tập, thực tế.
TS Võ Khánh Linh, Phó Trưởng phòng Phòng Sau đại học và Quản lý khoa học, Trường Đại học Thăng Long phân tích những yêu cầu cơ bản của chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.
Trong đó, với định hướng ứng dụng, nhà trường cần tập trung phát triển kỹ năng cho người học. Để làm được điều này, chương trình đào tạo cần ưu tiên kỹ năng và tư duy; học liệu phải phù hợp với tính chất ứng dụng.
TS Võ Khánh Linh, Phó Trưởng phòng Phòng Sau đại học và Quản lý khoa học, Trường Đại học Thăng Long chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo thạc sĩ. Ảnh: Mạnh Tùng |
Hội thảo thu hút được hàng chục chuyên gia viết bài với 29 tham luận bàn về vấn đề đào tạo luật theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.
Các nhà nhà khoa học còn trao đổi, thảo luận những khía cạnh liên quan đến lý luận lẫn thực tiễn trong việc xây dựng, vận hành chương trình đào tạo ngành Luật ở bậc cử nhân và sau đại học.
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang; PGS.TS Lê Vũ Nam, Trưởng ban điều hành VLSN, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM); PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội); TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS. TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế; GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM và hơn 100 đại biểu khác phụ trách các chương trình đào tạo luật đến từ 59 cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam.