Tìm cách lên cạn

GD&TĐ -Theo ước tính của Chính phủ Indonesia, đến năm 2022, 90% khu vực ven biển của thủ đô Jakarta nằm dưới mực nước biển khiến thành phố lâm vào nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sông ngòi không thể xả nước ra biển nếu không có sự trợ giúp từ các trạm bơm lớn, làm trầm trọng thêm những trận lũ lụt ở thành phố, ảnh hưởng đến hàng nghìn cư dân mỗi năm.

Jakarta đang chìm dần còn Chính phủ Indonesia đang chạy đua với thời gian để xây dựng thủ đô mới trong dự án trị giá 32 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nhiều người dân sống ở Jakarta không nhận thấy mức độ nguy hiểm khi mực nước biển dâng cao, dự kiến có thể nhấn chìm thủ đô vào năm 2050. Họ đang và sẽ tiếp tục góp phần đẩy nhanh tốc độ chìm của thành phố này.

Cơ quan thống kê Indonesia, Jakarta cho biết, năm 2020, 2,4 triệu ngôi nhà trên đất liền, hơn 200 nghìn căn hộ, 130 trung tâm mua sắm và hàng nghìn tòa nhà văn phòng đặt tại Jakarta. Nhưng theo dữ liệu từ công ty phân phối nước máy PAM Jaya, chỉ có 900 nghìn ngôi nhà, văn phòng và nhà máy được sử dụng nước máy.

Phần còn lại trong số 11 triệu dân Jakarta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đào giếng và sử dụng nguồn nước ngầm, nguyên nhân chính gây sụt lún. Việc người dân Jakarta đào giếng bất hợp pháp làm cạn tầng ngậm nước bên dưới thủ đô, giống như làm xẹp lớp đệm hơi khổng lồ bên dưới lòng đất.

Các chuyên gia thuỷ văn học cảnh báo, nếu không ngăn chặn hành vi này, chỉ còn một thập kỷ nữa phía Bắc Jakarta sẽ chìm xuống biển. Còn không ít người sống tại phía Nam vẫn giữ thái độ bàng quan vì họ cho rằng nơi ở của mình sẽ không bị ảnh hưởng.

Bà Nila Ardhianie, chuyên gia nghiên cứu về nước tại Viện Amrta, Indonesia, nhận định người dân tại thủ đô Jakarta đã đào giếng và khai thác nước ngầm trong nhiều thập kỷ nên rất khó để thay đổi hành vi và làm cho họ hiểu được hậu quả của việc này vì vấn đề sụt lún đất xảy ra từng chút một trong nhiều năm.

Jakarta đang chìm nhanh hơn do tác động từ trong lẫn ngoài. Nếu bên trong lòng thủ đô, sụt lún đất là vấn đề của người dân, địa phương thì từ bên ngoài, nước biển đang dâng do vấn đề toàn cầu là biến đổi khí hậu. Nguy cơ lũ lụt càng cao, Chính phủ Indonesia đối diện với áp lực càng lớn phải xây dựng thủ đô mới sau hơn 1,5 năm buộc phải tạm dừng vì Covid-19.

Đầu tháng 6, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ khởi công xây dựng thủ đô mới mang tên Nusantara trên đảo Kalimantan vào nửa cuối năm nay. Chính phủ đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng hỗ trợ, phân bổ ngân sách nhà nước và dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2024.

Hình ảnh về một thủ đô mới đang dần trở nên rõ nét nhưng song hành cùng đó là không ít thách thức cho cả chính phủ lẫn người dân Indonesia. Việc di dời thủ đô cần tính toán đến các chính sách, luật nhằm giữ gìn đời sống truyền thống của người bản địa mà không lặp lại một “Jakarta thứ hai”.

Khi di dời thủ đô sẽ kéo theo sự phát triển một số lĩnh vực như xây dựng, tiêu dùng, nhà ở... Nhân cơ hội này, Indonesia có thể thúc đẩy tăng trưởng các ngành nghề trên, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, góp phần hồi phục nền kinh tế đất nước sau 2 năm dịch Covid-19.

Con đường tương lai nhiều chông gai nhưng cũng không kém phần hứa hẹn. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt là Indonesia phải kiểm soát được tốc độ chìm của Jakarta và bảo vệ an toàn của người dân thủ đô trước vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.

Bài học của Jakarta và Indonesia cũng là cảnh báo chung cho nhiều thành phố có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ