Jakarta bứt tóc bàn quy hoạch

Thủ đô Jakarta của Indonesia đang đứng trước bài toán hóc búa phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, mà trong đó quyền của người đi bộ và không gian vỉa hè là những vấn đề bức bối.

Người đi bộ ở Jakarta bị xe máy leo vỉa hè lấn lướt
Người đi bộ ở Jakarta bị xe máy leo vỉa hè lấn lướt

Từ lâu, người dân ở Jakarta đã phải quen chuyện chia sẻ vỉa hè với những người vô gia cư hay hàng quán lề đường. Và giờ đây, khi số xe cộ ở thủ đô tăng nhanh, sẽ còn lâu nữa người Jakarta mới có thể tản bộ thoải mái dọc các con đường.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê trung ương (BPS), số xe ở Jakarta và các thành phố vệ tinh tiếp tục tăng mỗi năm, lên đến hơn 16 triệu xe các loại tính đến năm 2013. Con số này vào năm 2012 là 14,6 triệu xe. Cảnh sát Jakarta dự đoán năm nay số xe sẽ tăng thêm 9,8%.

Khó bỏ hàng rong

Gần đây cũng đã có những đề xuất xây vỉa hè cao lên hay xây các cọc để cản xe cộ hoặc những xe hàng rong sử dụng vỉa hè trái phép. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách này không hiệu quả vì sẽ gây khó khăn cho người già, trẻ em và người khuyết tật đi xe lăn. Ngoài ra, đối tượng đẩy xe bán rong cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nên việc truy quét họ khỏi các vỉa hè không phải chuyện dễ. 

Cách mà các chuyên gia khuyên là nâng cao nhận thức về quyền của người đi bộ và tất nhiên một hệ thống giao thông công cộng tốt cũng sẽ giúp ích rất nhiều.

Đây là một con số đáng chú ý khi so sánh với tỉ lệ mở rộng mạng lưới đường sá ở Jakarta là 0,9%. Theo báo The Jakarta Globe, các số liệu này khiến nhiều người quan ngại tình trạng tắc nghẽn giao thông toàn diện sẽ xảy ra ở thành phố này ngay trong năm nay.

Nghịch lý vỉa hè

Số xe tăng nhanh đang tác động đến sự yên bình và thoải mái của người đi bộ, đối tượng vốn đang phải chịu ảnh hưởng từ vô số hàng quán vỉa hè mọc lên như nấm cùng cơ sở hạ tầng vỉa hè không phù hợp ở Jakarta.

Người đứng đầu Liên minh khách bộ hành Jakarta, ông Ahmad Safrudin, chỉ ra con số đáng giật mình: thủ đô Indonesia có khoảng 7.200km đường nhưng chỉ có 400km vỉa hè. 

“Giao thông nên được tích hợp với vỉa hè - ông Ahmad bình luận - Với số lượng xe cộ tăng lên, những tiện ích như cầu vượt cho người đi bộ, vỉa hè, lối riêng cho xe đạp và cây cối cũng phải tăng lên”. 

Ông Ahmad chỉ ra rằng hiện chính quyền chưa quan tâm xác đáng đến vấn đề này nhưng đây là lúc phải lên kế hoạch. “Nếu chúng ta có 7.200km đường thì cũng nên có 7.200km vỉa hè” - ông đề xuất.

Bên cạnh đó, theo The Jakarta Globe, do xe quá đông mà đường không đủ nên nhiều xe máy đã leo lên vỉa hè, tận dụng luôn không gian này làm đường đi. 

Nhiều người đi xe máy thú nhận đi xe lên vỉa hè là sai nhưng vẫn đi để tiết kiệm thời gian. Và dường như chẳng ai xử phạt chuyện xe máy leo lề như thế này. Đó là chưa kể với sức ép về không gian, vỉa hè bị tận dụng làm bãi đậu xe.

Chậm trễ nên bó tay

Chủ tịch Hiệp hội giao thông vận tải Indonesia (MTI) Danang Parikesit phân tích việc sử dụng sai mục đích vỉa hè là kết quả của các chính sách yếu kém của chính phủ, và các chính sách này chưa từng ưu tiên khách bộ hành.

Chẳng hạn, Jakarta quy định người đi bộ ẩu, phạm luật sẽ bị phạt 500.000 rupiah (khoảng 40 USD). Ông Danang bực tức đặt câu hỏi: “Thế tại sao không phạt người lái xe máy sử dụng vỉa hè sai luật?”.

 Báo The Jakarta Globe dẫn lời một cảnh sát giấu tên nói không phải là họ không thấy và không phạt người đi xe máy leo vỉa hè nhưng quân số không đủ nên không thể cắt cử người canh chừng mọi lúc mọi nơi được.

Ngoài ra, ông Danang cho rằng Indonesia đã chậm trễ đến 20 năm trong việc thiết lập một hệ thống giao thông công cộng tiện nghi, thoải mái. “Chúng ta không có một hệ thống giao thông tử tế. Làm sao chúng ta có thể trông đợi cải thiện nó bằng cách xây thêm đường để phụ trợ cho những con đường hiện có?

Nếu chúng ta có một hệ thống giao thông công cộng tốt, khi đó chúng ta sẽ xem liệu năng lực đường sá có đầy đủ không” - ông Danang lập luận và cho rằng Jakarta cần thêm nhiều cây xanh vì nếu có thêm đường sá mà thiếu bóng mát thì chất lượng cuộc sống cũng sẽ bị giảm sút.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ