Tìm biểu tượng phụ nữ tân thời

Tìm biểu tượng phụ nữ tân thời

(GD&TĐ) - Một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cho phụ nữ tân thời hôm nay, hình như vẫn đang trong quá trình tìm kiếm...

Nhan sắc không có tội

Có cảm giác, thời buổi này, những người phụ nữ được nhắc nhiều, được xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, là những người phụ nữ đẹp. Ngẫm kỹ một chút, tỉnh táo một chút, thì thời nào chả vậy. Ngặt một nỗi, với tần suất truyền thông khủng khiếp ở thời đại thế giới phẳng, hình như các nàng chỉ mở mày mở mặt được một khi mình… đẹp

Tài Hoa Trẻ đã có nhiều bài viết gần đây đề cập đến khát khao “bỗng dưng ta đẹp” của phần một nửa thế giới ấy: từ chuyện đập vỡ xương kéo dài chân đến chuyện quay quắt tìm phương cách giảm béo. Những bài viết khác về chuyện thần tượng, về cách giới trẻ thích làm nổi bằng cách khoe thân thể… trên Tài Hoa Trẻ cũng phần nào khắc hoạ hiện thực này.

Một sáng thức dậy, bỗng giật mình nghĩ, bao nhiêu phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam đang bị quên lãng nơi đâu? Có một nữ nhà văn người Việt, đã từng buồn bã nói trên blog của mình rằng, phụ nữ Việt đang bị đánh lừa, với những quảng cáo đầy rẫy hiện tại. Chị nghi ngờ rằng cánh phụ nữ đang bị mê hoặc bởi những hình ảnh các bà vừa thành đạt trong công việc, vừa lo toan gia đình chu đáo, lại vừa… đẹp như tiên. Theo chị, làm gì có chuyện đó.

Thực ra, nhan sắc không có tội. Từ bao đời nay, xuyên qua hàng trăm năm phát triển, hàng chục nền văn minh đã rực rỡ, đã tàn lụi, hay vẫn đang hiện hữu, nhan sắc vẫn được xem là cứu cánh của thế giới. Nhưng nhan sắc cũng có thời, ngắn ngủi và phù du. Nếu phải lăn tăn cho hiện tại, chính ở chỗ dường như chúng ta đang coi nhan sắc là thước đo giá trị đầu tiên của người phụ nữ. Và như vậy, tất cả đang dồn cho nhan sắc một chiếc áo quá khổ.

Lý Nhã Kỳ đã cố gắng thay đổi hình ảnh nhưng vẫn nhận búa rìu dư luận
Lý Nhã Kỳ đã cố gắng thay đổi hình ảnh nhưng vẫn nhận búa rìu dư luận

Hành trình tìm biểu tượng

Ngẫm lại, hình như chúng ta đang thiếu một biểu tượng đương đại của người phụ nữ. Chúng ta đã có một bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Những giọt nước mắt ngưỡng mộ khóc chị đã rất rất nhiều. Nhưng chị Trâm đã và vẫn mãi là một biểu tượng của một giai đoạn lịch sử máu lửa.

Xã hội tân thời đang mải miết tìm kiếm, xây dựng những biểu tượng mới, nóng hổi hằng ngày và có thể chạm vào được.

Mới đây, người ta lại rùm beng chuyện lựa chọn đại sứ thiện chí du lịch Việt Nam. Người được chọn là diễn viên điện ảnh Lý Nhã Kỳ, dĩ nhiên, cũng là một người đẹp. Mọi việc sẽ chẳng có gì lớn chuyện, nếu Lý Nhã Kỳ vẫn cứ là Lý Nhã Kỳ. Cô có thể có vài scandal, vài bộ ảnh nóng hoặc vài phát ngôn gây phản ứng. Thế nhưng, để nâng tầm thành một hình ảnh đại sứ thiện chí của ngành du lịch Việt Nam, nghĩa là tiệm cận tương đối với một khái niệm biểu tượng, thì ngay lập tức dư luận sẽ xét nét Lý Nhã Kỳ với một góc độ và sự khó tính hoàn toàn khác.

Trên blog của mình, nhà thơ Đỗ Trung Quân nhận xét rất thâm, anh ủng hộ Lý Nhã Kỳ. Theo Đỗ Trung Quân, chính sự thiếu hụt một cái phông kiến thức toàn diện về văn hóa, qua những gì Lý Nhã Kỳ thể hiện, lại là một thế mạnh của cô. Để cô có thể chuyển tải một cách trung thực nhất cho khách du lịch nước ngoài về tình trạng xuống cấp của những danh lam thắng cảnh, những di sản văn hóa tuyệt vời ở Việt Nam, về cách ứng xử nhiều khi rất thiếu văn hóa nơi công cộng… Phản đối bằng cách ủng hộ rất ác theo kiểu này, là đủ để tóm tắt áp lực mà xã hội đặt ra nếu phải chọn một biểu tượng người phụ nữ hiện đại.

Cách đây không lâu, người ta còn tổ chức hẳn một cuộc thi hoa hậu, với tiêu chí dành cho những người phụ nữ vừa thành đạt, lại vừa đẹp. Khổ nỗi, cuộc thi mang lại nhiều tiếng cười buồn. Sau khi khép lại, cũng chẳng ai buồn nhắc tới nữa. Lẽ ra, với cái tiêu chí tuyệt vời ấy, người đăng quang cuộc thi phải là một hình mẫu lung linh nhất cho xã hội hiện tại. Nhưng không hiểu sao, cái phần nhan sắc cứ được mang ra thi thố, như một cuộc đấu xảo cấp cao. Lại một lần nữa, các người đẹp của chúng ta bị lôi vào một cuộc rượt đuổi biểu tượng lầm lạc, khi mà nhan sắc được xem là giá trị thẩm định đầu tiên.

Một thí sinh trong cuộc thi hoa hậu giành cho các quý bà thành đạt
Một thí sinh trong cuộc thi hoa hậu giành cho các quý bà thành đạt

Thách thức và kỳ vọng

Thách thức dĩ nhiên là nhiều rồi. Khối chị em phụ nữ mệt mỏi vì áp lực phải thế này, phải thế kia của xã hội đặt ra. Như một điều mặc nhiên, kiểu mà bà Hồ Xuân Hương phải than rằng rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn…

Nhưng có lẽ cũng phải có lý do để những kỳ vọng đè nặng trên vai các chị. Đặc biệt là trong những xã hội phương Đông. Lần về sâu, về xa, người phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, trong việc sinh tồn, phát triển vào nuôi dưỡng giống nòi. Yếu tố giới luôn chi phối mạnh mẽ điều này. Và ngay cả khi sự công bằng đã được chị em khẳng định rất lâu rồi, thì có những lĩnh vực, luôn luôn được dành cho cánh đàn ông, hoặc dành cho chị em phụ nữ. Bản thân sự công bằng giới cũng được chị em phụ nữ thừa nhận tính tương đối của nó.

Tìm được một biểu tượng người phụ nữ hiện tại thật là khó khăn. Các chị đang đi chơi vơi trên một sợi dây nhỏ, mà nghiêng hẳn về bên nào cũng bị đám đàn ông, các quý ông chồng đáng ghét, đang ngồi nhẩn nha làm giám khảo dưới kia, kêu réo om trời. Nhưng với cách mà xã hội đang tung hô, đang cổ suý cho những mẫu phụ nữ, đẹp thì đẹp thật, mà chỉ có mỗi chuyện đẹp để khoe ra, thật đáng lo ngại.

Nên chuyện thách thức và kỳ vọng mà nói ra trong ngày Phụ nữ Việt Nam hôm nay, chẳng khác gì nghe ai đó chép miệng bảo: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Vâng, biết rồi, khổ lắm, mà vẫn phải cứ nói mãi. 

Bỏ quên gian bếp gia đình

Nhà thơ Bùi Giáng có đôi câu thơ rất tuyệt, mà cánh đàn ông hay mang ra ngâm nga Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà. Không biết chị em phụ nữ đã nghe đôi câu thơ này bao giờ chưa? Chứ sự ma mị khủng khiếp đến ám ảnh của một bếp cơm gia đình đúng nghĩa, nó quan trọng lắm lắm với cánh đàn ông. Đến độ có một châm ngôn rất hay là “đường đến trái tim của cánh đàn ông luôn đi qua cái dạ dày” đấy thôi.

Không hề có ý định kêu gào phụ nữ phải tiếp tục chui vào gian bếp. Người phụ nữ được yêu nhiều nhất vẫn là người phụ nữ giữ được ngọn lửa bếp. Nghĩa là gánh nặng giữa việc giữ lửa và việc khẳng định mình ngoài xã hội là một cán cân hiếm khi cân bằng. Nhiều người phụ nữ thành đạt chấp nhận hy sinh gia đình, hy sinh cuộc sống riêng tư

Dĩ nhiên, đẹp nhất, là ai đó có thể vẹn toàn cả hai vế, một cách tương đối thôi, cũng được. Điều này cực kỳ khó! Khi mà vai trò của người phụ nữ ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Và nếu bỏ quên gian bếp gia đình, bạn có thể trở thành một biểu tượng của xã hội được đấy, nhưng là một biểu tượng cô đơn.

Nếu phải bàn về vai trò của người phụ nữ hiện đại, thì hẳn có khối cuộc tranh cãi, khối tiêu chí va nhau nảy lửa. Chung quy, chọn một lối đi nào, là chuyện riêng tư của mỗi một người phụ nữ đáng trân trọng. Có điều, đừng bỏ quên gian bếp gia đình.

Kim Đan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ