“Gượng dậy” sau dịch Covid-19
Thời gian dịch, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi Đà Nẵng thực hiện việc giãn cách xã hội, các mặt hàng không thiết yếu đều bị tạm dừng hoạt động. Những tiểu thương trong các chợ truyền thống, chợ loại 1 của thành phố đều gặp khó.
Sau hơn nửa tháng, Đà Nẵng không phát hiện ca nhiễm cộng đồng, thành phố đã thực hiện một số biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Các hàng quán, chợ, cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại. Tiểu thương ở các chợ cũng “rục rịch” dọn dẹp để buôn bán.
Chợ Hàn là một trong những chợ loại 1 của Đà Nẵng. Khác với không khí sầm uất thời gian trước, giờ đây đa phần các hộ kinh doanh đều “cửa đóng, then cài”. Một số hộ tiểu thương “gắng gượng” mở cửa kinh doanh trong tình trạng không người mua.
Chị Lại Nam Định - tiểu thương chợ Hàn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, ảnh hưởng của dịch khiến buôn bán giảm sút. “Trước đây, chợ Hàn rất đông khách du lịch. Nhưng từ dịch bùng phát, chợ rơi vào trạng thái gần như không có khách.
Bên cạnh đó, người dân hạn chế đến chợ để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh, việc buôn bán từ đó cũng ế ẩm theo. Tiểu thương chúng tôi chỉ mong thành phố sớm đẩy lùi được dịch, để khách trở lại, chúng tôi được tiếp tục làm ăn, buôn bán” chị Định nói.
Theo chị Định, trong thời gian nghỉ dịch, thực phẩm khô của chị bị hư hỏng khá nhiều, ước tính thiệt hại gần 30 triệu đồng. Mặc dù biết kinh doanh đang gặp khó khăn, nhưng chị vẫn phải mở cửa với hi vọng “gượng dậy” phục hồi sau dịch.
Chị Trần Hồng Nhịp - tiểu thương chợ Cồn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lo lắng: “Mặt hàng của tôi chủ yếu là thực phẩm khô để bán cho khách du lịch. Tuy nhiên, dịch thế này không có khách du lịch nên tôi đang lo để lâu sẽ hết hạn, dễ bị trắng tay lắm. Chỉ mong được chính quyền hỗ trợ, đồng hành cùng các tiểu thương trong giai đoạn hiện nay. Nếu được thì đây chính là nguồn động lực tinh thần cho tất cả tiểu thương tiếp tục buôn bán”, chị Nhịp nói.
Tại chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), chị Nguyễn Thị Cúc cho biết, các tiểu thương đang làm đơn xin được giảm thuế vì buôn bán ế ẩm. Theo chị Cúc, dù chợ được phép hoạt động nhưng việc kinh doanh của các tiểu thương gặp nhiều khó khăn.
“Dịch bệnh nên người dân hạn chế đi chợ. Khi thành phố áp dụng phát phiếu cho các hộ gia đình vào chợ theo ngày tháng cụ thể (3 lần/tuần) thì số người đi chợ càng ít. Người mua giảm nên mình cũng nhập hàng ít hơn, chỉ bằng khoảng 40 - 50% so với ngày thường. Các tiểu thương như tôi cố gắng duy trì nguồn thu ít ỏi. Mọi người động viên nhau cố gắng duy trì quầy hàng, vực dậy sau thời gian nghỉ vì dịch”, chị Cúc chia sẻ.
Đề xuất miễn tiền thuê mặt bằng và tiền thuế
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Trung Thành – Trưởng BQL chợ Hàn (TP Đà Nẵng) cho biết, toàn chợ có 800 tiểu thương. Hầu hết, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa để bảo đảm công tác phòng chống dịch theo quy định.
Khi TP Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội, cũng chỉ có 15% các hộ kinh doanh mở cửa hoạt động trở lại. Sở dĩ các hộ kinh doanh chưa hoạt động trở lại là do vắng khách du lịch. Theo ông Thành, để hỗ trợ cho các tiểu thương kinh doanh, trong đợt dịch đầu năm, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng (Sở Công Thương TP Đà Nẵng) đã miễn tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương tạm dừng hoạt động.
“Đợt dịch Covid-19 xảy ra tại Đà Nẵng lần này, các tiểu thương tiếp tục dừng hoạt động. BQL chợ Hàn đã có văn bản đề xuất Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng tiếp tục miễn tiền thuê mặt bằng trong thời gian xảy ra dịch. Ngoài ra, BQL chợ Hàn đã làm việc với Đội Thuế của chợ để xem xét miễn thuế cho các hộ tạm dừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”, ông Thành nói.
Về công tác phòng chống dịch, ông Thành chia sẻ, mỗi ngày trước và sau khi chợ hoạt động, nhân viên vệ sinh sẽ làm công tác khử khuẩn, lau chùi toàn bộ chợ. Ngoài ra, bố trí nhân viên ở các cửa ra vào chợ để đo thân nhiệt và yêu cầu người dân sát khuẩn tay, đeo khẩu trang trước khi vào chợ.