Với diện tích khoảng 4.000m2 - nhỏ hơn kích thước của một sân bóng đá nhưng “tiểu quốc” tự xưng này có lịch sử hình thành đáng kinh ngạc.
“Tiểu quốc” giữa biển khơi
Trong Thế chiến thứ Hai, người Anh đã xây dựng một số pháo đài ngoài biển để sớm phát hiện các cuộc tấn công bất ngờ của quân Đức. Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng trở thành nơi lý tưởng cho các đài phát thanh bất hợp pháp hoạt động.
Vào năm 1965, Paddy Roy Bates, cựu thiếu tá quân đội Anh đã lập Radio Essex, đài phát thanh “lậu”, phát sóng từ Knock John, một pháo đài bị bỏ hoang ngoài khơi.
Khi chính phủ Anh ra sức dập tắt cơn sốt phát thanh này, Bates chuyển đài của mình đến pháo đài Roughs Tower nằm bên ngoài lãnh hải của Anh. Vào đêm Giáng sinh năm 1966, Bates nảy ý tưởng đặt tên cho pháo đài là “Sealand” và tặng nó cho Joan, người vợ yêu của mình, như một món quà mừng năm mới. Khi chính quyền Anh tìm cách gây khó khăn cho việc phát sóng, Bates từ bỏ công việc này nhưng không rời pháo đài Roughs Tower.
Vào ngày 2/9/1967, nhằm sinh nhật của Joan, ông tuyên bố pháo đài là “Công quốc Sealand”, có hiến pháp riêng, cờ riêng, thậm chí cả khẩu hiệu chính thức, E Mare, Libertas, có nghĩa là “Tự do từ Biển cả”. Chẳng bao lâu sau, vợ và hai đứa con của ông cũng chuyển đến sống cùng ông tại “quốc gia” nhỏ nhất trên thế giới này.
Bảo vệ chủ quyền

Việc thành lập một lãnh thổ độc lập ngoài khơi nước Anh đã khiến vương quốc này vô cùng tức tối, xem Sealand như là cái gai trước mắt. Năm 1968, chính quyền Anh điều trực thăng và tàu chiến đến phá hủy một số tháp quân sự cũ gần Sealand.
Và “quốc gia siêu nhỏ” này xem hành động trên là mối đe dọa đối với họ. Lịch sử chính thức của Sealand có ghi chép vụ việc này:
- Gia đình Bates chứng kiến những vụ nổ lớn khiến các cấu trúc khổng lồ văng xa hàng trăm mét. Các mảnh vỡ biến dạng trôi qua Sealand trong nhiều ngày. Máy bay trực thăng mang chất nổ lượn lờ bên trên và tàu hải quân chở đội phá dỡ đi ngang ngôi nhà pháo đài của họ và hét lên: “Kế tiếp sẽ là các người!”.
Để bảo vệ Sealand, con trai của Paddy Roy Bates là Michael Bates, đã mang súng bắn nhiều phát chỉ thiên để cảnh cáo những chiếc tàu này khiến chúng “vội vàng quay đầu và chạy tóe khói về phía Vương quốc Anh”.
Sau đó, Paddy Roy Bates và Michael Bates bị triệu tập về đất liền để trả lời về hành động của họ trước tòa. Nhưng do Sealand ở bên ngoài lãnh hải của Anh, những người đàn ông trong gia đình Bates đã đấu lý đến cùng.
Một thẩm phán tuyên bố: “Đây là một vụ lộn xộn nhưng theo nhận định của tôi, các tòa án Vương quốc Anh không có thẩm quyền giải quyết”. Gia đình Bates xem đó là sự công nhận “tiểu quốc” Sealand về mặt thực tế. Tất nhiên, chính phủ Anh bác bỏ điều này nhưng cũng không làm gì được họ.
Vào những năm 1970, khoảng 50 người đến sống ở “quốc gia nhỏ nhất thế giới” này. Họ là bạn của gia đình Bates, thuộc những người phản kháng, muốn sống ngoài tầm kiểm soát của Vương quốc Anh.
Để pháo đài trở thành nơi đáng sống, gia đình Bates đã lắp đặt một máy phát điện chạy bằng năng lượng gió, cung cấp điện cho các máy sưởi ở 10 phòng trên Sealand.
Các phòng này bao gồm phòng bếp, phòng khách và nhà nguyện. Còn phòng ngủ của các cư dân thì được thiết kế bên trong những chiếc chân trụ rỗng của pháo đài, chủ yếu nằm dưới mực nước.
Theo định kỳ, một chiếc thuyền sẽ mang thức ăn, đồ uống, báo chí và các hàng hóa khác đến tiếp tế cho Sealand.
Vượt qua khó khăn
Nhưng thử thách của Sealand vẫn chưa kết thúc. Năm 1978, một người Đức tên là Alexander Achenbach tự xưng là “thủ tướng” thực sự của Sealand và tiến hành một cuộc đảo chính trên pháo đài. Lợi dụng lúc Paddy Roy Bates đi vắng, ông ta đến Sealand bằng trực thăng cùng một nhóm lính đánh thuê, bắt Prince Michael làm con tin.
Nhận được tin, Paddy Roy Bates cùng một số bạn hữu tổ chức phản công khiến quân Đức phải lên trực thăng tháo chạy, bỏ lại một người bị bắt làm con tin. Sau đó, đại sứ Đức tại Vương quốc Anh phải đến Sealand để thương lượng việc trả tự do cho người này. Sealand xem đây là một dấu hiệu cho thấy vị thế của họ cuối cùng đã được coi trọng.
Tuy nhiên, sự tồn tại của Sealand vẫn chưa được an toàn. Vào những năm 1980, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã mở rộng lãnh hải của Vương quốc Anh sang tận pháo đài Roughs Tower và Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh phủ nhận tính hợp pháp của Sealand. Mặc dù vậy, “tiểu quốc” này vẫn đứng vững cho đến ngày nay.
Năm 1990, gia đình Bates phải hủy bỏ hộ chiếu Sealand vì chúng bị lợi dụng để lừa đảo. Và năm 2006, một trận hỏa hoạn ở Sealand đã thiêu rụi hoàn toàn máy phát điện chính.
Để có ngân sách chi cho hoạt động của “tiểu quốc”, các công dân của Sealand đã nghĩ ra một số giải pháp, đáng kể như thu tiền của những ai muốn trở thành quý tộc của “công quốc”. Ngoài ra, “công quốc” còn phát hành tem, tiền xu, cốc và cờ để bàn, bán chúng làm vật lưu niệm.
Sau một thời gian dài trị vì “công quốc”, Paddy Roy Bates qua đời vào năm 2012, và vợ ông, Joan Bates qua đời vào năm 2016.
Ngoài nhân viên, nhà báo và những người bạn thân của gia đình Bates, rất ít người có cơ hội đến thăm Sealand. Mặc dù không được các quốc gia, tổ chức quốc tế nào công nhận, nhưng “tiểu quốc” Sealand vẫn tồn tại, tự hào trông ra Biển Bắc.