Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên: Hiểu để thực hiện đúng

GD&TĐ - Cần sự vào cuộc trực tiếp của các địa phương, mà đầu mối là các sở GD&ĐT, để mỗi giáo viên, cơ sở giáo dục hiểu đúng và thực hiện đúng các quy định về tiêu chuẩn Chức danh nghề nghiệp.

 Trong giờ học tại Trường THCS Thượng Nhật (A Lưới, Thừa Thiên – Huế).
Trong giờ học tại Trường THCS Thượng Nhật (A Lưới, Thừa Thiên – Huế).

Một số điểm mới quan trọng của chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông công lập được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, để từ hiểu đúng sẽ thực hiện đúng theo quy định mới.

Những điểm mới quan trọng

Triển khai Luật Viên chức 2010 từ năm 2015 - 2019, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGD&ĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, một số nội dung trong quy định về tiêu chuẩn CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập không còn phù hợp do một số quy định mới được ban hành.

Do đó, Bộ GD&ĐT xây dựng, ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGD&ĐT-BNV. Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Về kết cấu của tiêu chuẩn CDNN, các Thông tư 01, 02, 03, 04 vẫn bảo đảm theo quy định của Luật Viên chức và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Theo đó, mỗi hạng CDNN giáo viên bao gồm tên gọi và hạng; quy định về nhiệm vụ của hạng và các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Nội hàm tiêu chuẩn theo từng hạng CDNN giáo viên các cấp với một số điểm đổi mới quan trọng được Bộ GD&ĐT quy định trên cơ sở rút kinh nghiệm từ bất cập trong thực tiễn triển khai và cập nhật quy định mới của Luật Giáo dục 2019 cũng như yêu cầu đổi mới giáo dục.

Điểm mới đầu tiên là điều chỉnh tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Cùng với đó, quy định 3 hạng CDNN giáo viên mầm non, tiểu học, gồm: Hạng I, hạng II và hạng III (thay vì hạng II, hạng III, hạng IV như hiện hành). Thay đổi này để phù hợp với yêu cầu về trình độ đào tạo, mức độ phức tạp của công việc và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Mã số hạng CDNN giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được cấp mới bởi Bộ Nội vụ. Riêng cấp trung học phổ thông, do không có thay đổi về trình độ đào tạo nên giữ ổn định về mã số, hạng CDNN.

Điểm mới quan trọng tiếp theo, Bộ GD&ĐT bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ (bao gồm cả trình độ ngoại ngữ 2 với giáo viên dạy ngoại ngữ và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số với những vị trí việc làm sử dụng tiếng dân tộc), trình độ tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Các Thông tư mới quy định về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng hạng CDNN.

Bên cạnh đó, trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, một số tiêu chuẩn quy định về nhiệm vụ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng hạng CDNN được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định mới và định hướng đổi mới giáo dục phổ thông cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Lương khởi điểm của giáo viên mới được tuyển dụng về cơ bản  được xếp tương ứng với trình độ đào tạo theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; đồng thời, hệ số lương áp dụng với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở hạng cao hơn cũng có sự điều chỉnh tăng tuần tự theo quy định.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Phú Thọ). Ảnh: Đại Quang
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Phú Thọ). Ảnh: Đại Quang

Cần sự vào cuộc trực tiếp, quyết liệt của các địa phương

Thông tư số 01, 02, 03, 04  quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục và cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục các cấp. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có trách nhiệm phê duyệt phương án bổ nhiệm CDNN và xếp lương; quyết định theo thẩm quyền hoặc phân cấp việc quyết định bổ nhiệm vào hạng CDNN và xếp lương đối với giáo viên. Đồng thời giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm CDNN và xếp lương với giáo viên trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập trực tiếp quản lý, sử dụng giáo viên có trách nhiệm xây dựng Đề án vị trí việc làm; xác định cụ thể cơ cấu viên chức theo CDNN giáo viên phù hợp với điều kiện và bảo đảm thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển đội ngũ của nhà trường.

Cùng với đó, rà soát Đề án vị trí việc làm, lập phương án bổ nhiệm CDNN và xếp lương đối với giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tạo điều kiện để giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn CDNN theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ sở giáo dục cũng cần căn cứ vào nhiệm vụ của hạng CDNN để bố trí, phân công nhiệm vụ của giáo viên hợp lý, phát huy năng lực và hiệu quả công việc của giáo viên.

Như vậy, trách nhiệm được giao đến từng cơ sở giáo dục và những người có thẩm quyền có liên quan. Vì vậy, việc bổ nhiệm vào các hạng CDNN giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải làm thế nào để bảo đảm đúng người đúng việc, gắn liền với các yêu cầu của tiêu chuẩn CDNN ở từng hạng là trách nhiệm không chỉ của riêng cơ quan quản lý Nhà nước.

Để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ, đồng thời tránh việc thực hiện không đúng các quy định về tiêu chuẩn CDNN giáo viên các cấp, các địa phương phải chủ động xây dựng phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở GD mầm non, phổ thông công lập phù hợp với điều kiện thực tế. Song song đó là tăng cường truyền thông, phổ biến, tập huấn để các đơn vị, cá nhân có liên quan nắm vững và thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn CDNN giáo viên.

Có thể nói, việc quan trọng còn lại cần phải làm, là sự vào cuộc trực tiếp của các địa phương, mà đầu mối là các sở GD&ĐT, để mỗi giáo viên, cơ sở giáo dục hiểu đúng và thực hiện đúng các quy định về tiêu chuẩn CDNN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.