Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều ý kiến của đội ngũ nhà giáo, dư luận về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Để rộng đường dư luận, Báo tiếp tục đăng tải loạt bài “Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên: Hiểu sao cho đúng?”.
Bài 1: Yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng có từ đâu?
Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên và nhiều ngành nghề khác liên quan đến Luật Viên chức; không phải câu chuyện của riêng ngành Giáo dục.
Áp dụng chung cho viên chức
Năm 2010, Quốc hội khóa 12 nhấn nút ban hành Luật số 58/2010/QH12 - Luật Viên chức - mở ra trang mới trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong toàn quốc. Sau khi Luật Viên chức có hiệu lực thi hành, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành là xây dựng, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để hướng dẫn thực hiện Luật này. Bất cứ người làm chính sách, hoặc có hiểu biết về pháp luật đều hiểu: Tất cả văn bản dưới luật không được phép quy định những nội dung trái luật, không thống nhất với luật, hoặc vượt quá thẩm quyền mà luật cho phép.
Chính vì thế, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên liên quan đến Luật Viên chức, không phải quy định riêng của ngành Giáo dục. Luật Viên chức quy định: “Việc bổ nhiệm CDNN đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc sau: Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào CDNN tương ứng với vị trí việc làm đó; Người được bổ nhiệm CDNN nào phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó” (Khoản 1, Điều 31). Đồng thời, Luật cũng quy định: “Nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng viên chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ quản lý, CDNN” (Khoản 2 Điều 33). Và “bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN” (Điểm b, Khoản 3 Điều 33) là một trong 3 hình thức bồi dưỡng bắt buộc với tất cả viên chức các ngành, lĩnh vực.
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng quy định rõ các loại chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có “chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn CDNN viên chức” (Khoản 1 Điều 26). Như vậy, việc giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập và giảng viên các cơ sở giáo dục đại học - cũng giống như viên chức các ngành/lĩnh vực khác - trong tiêu chuẩn CDNN của mỗi hạng đều phải đáp ứng tiêu chuẩn: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN”. Như vậy, yêu cầu này không phải ngành Giáo dục tự nghĩ ra như một số ý kiến trong thời gian vừa qua.
Chưa thống nhất đầu mối
Hiện nay, phân công, phân cấp quản lý đội ngũ giáo viên ở các địa phương không giống nhau. Theo đó, có địa phương giao cho sở GD&ĐT là đơn vị đầu mối quản lý giáo viên, công tác bồi dưỡng, thăng hạng CDNN giáo viên. Có địa phương giao trách nhiệm này cho Sở Nội vụ. Cũng có địa phương giao cho sở GD&ĐT đầu mối quản lý giáo viên cấp THPT, còn ủy ban nhân dân các quận/huyện/thành phố đầu mối quản lý giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Vì có sự khác nhau về đơn vị đầu mối nên tiến độ và cách thức triển khai thực hiện việc bồi dưỡng, thăng hạng CDNN giáo viên của các địa phương không giống nhau. Có nơi, cơ quan được phân công đầu mối tổ chức các khóa bồi dưỡng, lựa chọn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức bồi dưỡng của các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng. Thậm chí, có địa phương từng đề xuất xin kinh phí Nhà nước cho giáo viên đi học bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. Tuy nhiên, cũng có nơi lại coi đó là chuyện của giáo viên. Học khi nào, học ở đâu, bao giờ phải hoàn thành là chuyện của cá nhân nhà giáo. Thế nên mới có chuyện, cùng một chính sách do Bộ GD&ĐT ban hành, có địa phương triển khai kịp thời, nhưng cũng có địa phương chưa triển khai hoặc triển khai không đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên.
Về phía giáo viên cũng có nhiều điều đáng nói. Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, sở dĩ năm 2015, khi Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ ban hành các thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập, toàn bộ giáo viên được chuyển từ ngạch cũ sang các hạng CDNN giáo viên. Đó là vì Bộ GD&ĐT đã thỏa thuận với Bộ Nội vụ thống nhất cho giáo viên “nợ” các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu, vì nếu chờ đủ điều kiện mới bổ nhiệm sẽ mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên. Cũng vì vậy, trong các Thông tư liên tịch nêu trên cũng cho thời hạn 5 năm để giáo viên hoàn thiện.
Hạn 5 năm ấy đã qua, trong khi đại đa phần giáo viên đều hiểu và thực hiện đúng các quy định, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu, trong khi tiền lương theo hạng CDNN được hưởng từ năm 2015. Chính vì vậy, bộ phận giáo viên này sẽ gặp khó khăn khi Bộ GD&ĐT ban hành các thông tư mới quy định về tiêu chuẩn CDNN giáo viên thay thế cho các thông tư liên tịch cũ.
(Bài 2: Giáo viên có được hưởng lợi?)