Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên: Hiểu sao cho đúng? (Bài 3)

GD&TĐ - Để rộng đường dư luận về câu chuyện chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trong những ngày qua, người viết xin phân tích từ một góc độ khác:

Cô và trò Trường TH Gia Sàng (TP Thái Nguyên). Ảnh: Thế Đại
Cô và trò Trường TH Gia Sàng (TP Thái Nguyên). Ảnh: Thế Đại

Bảng lương và những tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng tương ứng đang được quy định trong ngành Giáo dục và với công chức hiện nay.

Bài 3: Lương tương xứng tiêu chuẩn chức danh

Theo quy định của các Thông tư mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ GD&ĐT vừa ban hành, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông có hạng cao nhất là hạng I, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, hệ số lương từ 4,40 - 6,78. Hệ số trên tương đương với chức danh giảng viên chính trong các cơ sở giáo dục đại học, tương đương với chức danh công chức chuyên viên chính trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 hệ số lương từ 4,00 - 6,38. Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, hệ số lương 2,34 - 4.98. Hạng thấp nhất của giáo viên mầm non là hạng III, thuộc nhóm viên chức loại A0, hệ số lương từ 2,10 - 4,89.

Nếu so sánh với công chức chuyên ngành hành chính, các mã ngạch công chức chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp đều có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng ngạch. Trong đó, ngạch chuyên viên yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên; ngạch chuyên viên chính yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch tương ứng; riêng ngạch chuyên viên cao cấp yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp. 

Như vậy, nếu so với các ngạch công chức, việc có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên là hoàn toàn bình thường và công bằng. 

Nếu so sánh bảng lương và các phụ cấp theo lương, hiện lương của giáo viên tương ứng với ngạch công chức chuyên ngành hành chính ở chức danh chuyên viên và chuyên viên chính, lương và phụ cấp của giáo viên có phần hơn. Lý do, công chức được hưởng duy nhất 1 loại phụ cấp (phụ cấp công vụ 25%), còn giáo viên có phụ cấp ưu đãi ngành từ 30 - 70%, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút…. 

Trong giờ học tại Trường THCS TT Sông Thao (Phú Thọ). Ảnh: Nam Khánh
Trong giờ học tại Trường THCS TT Sông Thao (Phú Thọ). Ảnh: Nam Khánh

Công chức chuyên ngành hành chính làm việc hành chính 8 giờ/ngày, còn giáo viên, nhất là giáo viên phổ thông làm việc 40 giờ/tuần nhưng giờ dạy thực tế từ 17 – 23 giờ/tuần, còn lại là thời gian chuẩn bị bài và thực hiện các hoạt động khác phục vụ công tác giảng dạy và giáo dục.

Nếu so sánh giữa giáo viên phổ thông với giảng viên đại học, các chức danh nghề nghiệp giảng viên cũng được yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Bên cạnh đó, các yêu cầu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên đều rất cao. Ví dụ, với chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng II (chức danh có hệ số lương tương đương với chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông hạng I), ngoài yêu cầu về trình độ thạc sĩ phải chủ trì thực hiện ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Cùng với đó, phải chủ trì hoặc tham gia biên soạn ít nhất 1 sách phục vụ đào tạo, được hội đồng khoa học (do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập) thẩm định, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên phù hợp với ngành, chuyên ngành giảng dạy hoặc đào tạo của giảng viên và có mã số chuẩn quốc tế ISBN. Đồng thời, giảng viên phải là tác giả của ít nhất 3 bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN.

Dẫu biết mọi sự so sánh đều là bất tương đồng nhưng người viết bài này chỉ mong muốn đưa ra sự đối chiếu một cách khách quan nhất. Để thấy rằng, các chính sách ngoài được quy định phải đúng luật còn phải được đặt trong mối tương quan ngang, dọc giữa các ngành, lĩnh vực để bảo đảm một sự công bằng tối thiếu. 

Tất nhiên, chính sách vốn là thứ khó có thể kỳ vọng đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người, và cũng không có chính sách nào được coi là hoàn hảo. Chỉ có những chính sách đúng quy định của pháp luật và phải thực hiện dù đối tượng thụ hưởng chính sách có muốn hay không. Cho nên, đã đến lúc chúng ta cần có cách nhìn và sự đánh giá về chính sách một cách tổng thể, thực sự khách quan để trả lại sự công bằng cần thiết cho người làm chính sách và cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ