Hiện nay, để chuẩn hoá cán bộ, nhiều cán bộ, công chức đã phải tham gia rất nhiều các lớp học bổ sung để lấy đủ các chứng chỉ về Tin học, Ngoại ngữ, Chính trị, Quản lý hành chính... Nhiều người cho rằng việc các văn bằng chứng chỉ quy định đối với công chức hiện nay đang bộc lộ những bất cập thấy rõ.
Một giáo viên cấp 2 tại huyện Trà My, Quảng Nam cho biết, giống như các công chức, viên chức các ngành nghề khác, việc quy định giáo viên cũng phải có chứng chỉ ngoại ngữ nghe thì rất thuyết phục, nhưng thực tế lại chỉ mang tính hình thức. Thậm chí, bởi những quy định này, đôi khi còn làm nảy sinh những gian dối.
Giáo viên này cho hay, cả năm các giáo viên không chuyên mới được đi bồi dưỡng tiếng Anh, tin học một vài buổi, nhưng sau đó về lại không sử dụng đến, nên mỗi lần học đều như mới: “Những giáo viên mới ra trường thì hầu hết đã có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, còn đa số các giáo viên công tác lâu năm thì đều chưa có chứng chỉ hoặc có nhưng lại là loại đã hết hạn hoặc không được chấp nhận hiện nay. Những giáo viên không dạy tiếng Anh như chúng tôi, trong quá trình công tác rất ít khi tiếp xúc với ngoại ngữ nên hầu như không còn nhớ. Nếu giờ bắt học thật, thi thật thì trượt là chắc”.
Giáo viên này cũng thú thực rằng, vì yêu cầu các giáo viên hiện nay đều có trình độ tối tiểu ngoại ngữ đạt A2 theo khung 6 bậc của Bộ GD-ĐT quy định, hay muốn nâng lương cũng cần chứng chỉ tiếng Anh, do đó, nhiều người vẫn phải bất chấp tìm mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để làm “đẹp" hồ sơ, không thiếu "chuẩn”....
Từ khi bắt đầu công tác đến khi về hưu, công chức, viên chức phải trải qua hàng loạt các kỳ thi để lấy các chứng chỉ từ từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp chính trị, chứng chỉ ngữ, tin học, chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn....
Anh Nguyễn Gia Hoàng, một viên chức đang công tác tại Hà Nội không khỏi lo lắng khi nhận được thông báo cần bằng tiếng B1 chuẩn khung 6 bậc của Bộ GD-ĐT cho đủ hồ sơ. Anh Hoàng cho biết, do vị trí công việc không yêu cầu đến tiếng Anh, nên nhiều năm qua, vốn tiếng Anh của anh đã hạn chế rất nhiều, đến khi cơ quan yêu cầu, lại chạy vạy khắp nơi để tìm chỗ mua chứng chỉ an toàn, uy tín cho đủ thủ tục vì có học cũng không chắc đỗ, hơn nữa công việc ở cơ quan đã kín lịch, nên không còn thời gian đi học thêm.
Rộn ràng thị trường mua bán bằng giả
Có cung ắt có cầu, thực chất việc quy định cứng về các bằng cấp chứng chỉ đang khiến nhiều người tìm cách chống chế bằng cách đi mua các chứng chỉ giả. Thị trường làm giả chứng chỉ, văn bằng đủ loại cũng sôi nổi, nhộn nhịp, công khai trên các trang mạng, thậm chí gửi tin nhắn về các thuê bao di động như rao bán bất động sản.
Theo quảng cáo của một trang mạng, liên hệ qua điện thoại, phóng viên được gặp một người chuyên cung cấp chứng chỉ, văn bằng giả tên Trường ở Hà Nội. Người này nhanh chóng quảng cáo rằng mình đã từng nhận làm hàng loạt các chứng chỉ tiếng Anh, tin học cho nhiều công chức, viên chức từ nhân viên bình thường đến cả bậc lãnh đạo....
Khi nghe phóng viên nói có nhu cầu mua bằng tiếng Anh để thi viên chức, người này dọa: “Nếu thi bằng tiếng Anh B1 bây giờ khó lắm, nội dung mới, mà đều làm trên máy, không mấy người thi được đâu em”.
Theo lời của người chuyên cung cấp chứng chỉ giả này, có 2 cách để có chứng chỉ tiếng Anh. Đơn giản nhất là mua bằng giả, không cần thi, phôi bằng là thật, nhưng chữ ký và con dấu là giả. Trường hợp thứ 2, với những người có chút vốn tiếng Anh có thể đến học cấp tốc từ 4-5 buổi rồi thi, khi học sẽ được giới hạn nội dung và ôn đúng trọng tâm.
Những thí sinh này đi thi như bình thường, nhưng tỷ lệ đỗ chỉ 60-70%. Nếu thi trượt vẫn được hỗ trợ ôn lại đến lần thứ 3. Mức giá cho từng loại bằng cũng khác nhau. Nếu không lưu hồ sơ gốc, bằng tiếng Anh B1 có giá 7 triệu đồng, bằng B2 giá 8 triệu đồng, chỉ cần chuyển tiền, bằng sẽ được “ship” đến tận nơi. Còn loại lưu hồ sơ gốc, thí sinh có đi thi, bao gồm cả phí hỗ trợ ôn thi là 14 triệu với bằng tiếng Anh B1, B2.
Khi phóng viên ngần ngại hỏi về việc liệu các loại chứng chỉ này có bị phát hiện hay không, người này khẳng định đã làm rất lâu năm, nên biết rõ cơ quan, vị trí tuyển dụng nào có rà soát lại bằng.
Nhiều bằng chưa chắc đã giỏi
Từng có nhiều năm làm công tác quản lý tại Bộ GĐ-ĐT, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho biết, việc có nhiều chứng chỉ, văn bằng không đồng nghĩa với việc công chức, viên chức làm việc có hiệu quả hay không. Nhất là khi chưa thể kiểm soát tốt việc văn bằng chứng chỉ giả, thì những quy định bắt buộc về các loại bằng cấp còn dễ nảy sinh tiêu cực.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học. (Ảnh: KT) |
“Mình đang đẻ ra quá nhiều loại chứng chỉ, nhưng khi thực thi công việc lại chỉ cần một số năng lực nhất định. Việc đề ra đủ thứ tiêu chuẩn tạo ra gánh nặng cồng kềnh cho công chức. Quy định về các văn bằng, chứng chỉ hiện còn nặng tính hình thức, chưa đi vào thực chất, nhiều loại tồn tại như một loại giấy phép con để đủ điều kiện nâng ngạch bậc, tăng lương”, TS Khuyến thẳng thắn chỉ rõ.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, việc đưa ra yêu cầu về các chứng chỉ, văn bằng mục đích hướng đến là tốt, nhưng với cách triển khai theo kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay thành ra làm tội người học.
TS Khuyến đơn cử như việc học về Tư tưởng Mác - Lê nin. Đây là môn học bắt buộc ở bậc đại học. Nhưng đến khi học lên các bậc học cao hơn vẫn phải học. Thậm chí công chức, viên chức đi học sơ cấp, trung cấp, đến cao cấp chính trị đều phải học. “Ta bày ra chứng chỉ này, chứng chỉ kia nhưng vẫn rất trùng lặp, không có sự liên thông với nhau, khiến người học phải học đi học lại. Đây là hạn chế của hệ thống, tạo ra những đòi hỏi khép kín riêng biệt, hành tội công chức. Nếu họ đã được học môn này rồi, thì cần công nhận để chuyển sang học những môn khác. Nên đưa về cho các đầu mối quản lý, không nên để như hiện nay. Nếu đưa về thống nhất, có thể tích lũy theo tín chỉ. Những môn nào đã học rồi thì nên bỏ qua. Giống như học đại học, nếu người học học sang văn bằng 2, những môn nào đã học sẽ được bỏ qua, do đó sẽ rút ngắn thời gian học”.
Theo TS Lê Viết Khuyến, công tác quản lý nhà nước cần siết chặt hơn nữa: “Các cơ quan tuyển dụng chỉ nên coi các chứng chỉ là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ phải qua phỏng vấn. Nhưng nội dung phỏng vấn cũng nên đi vào trọng tâm không phải cái gì cũng phỏng vấn hết. Ví dụ như người làm công nghệ thông tin lại bắt trả lời phỏng vấn về tư tưởng Mác Lê nin, hay các thủ tục hành chính thì không ứng viên nào qua nổi. Các bên cũng cần ngồi lại với nhau để rà soát, bớt đi các chứng chỉ, tránh áp lực, tiêu cực không đáng có", TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Còn theo ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, tiếng Anh, tin học là những tiêu chí quan trọng trong thời kỳ phát triển mới. Nhưng vấn đề quan trọng là quá trình thực hiện ra sao.
“Thời kỳ 4.0, không thể chỉ biết mỗi tiếng Việt. Về bản chất, các chứng chỉ văn bằng này để tiến tới chuẩn công chức. Nhưng cũng cần phải xem xét công việc nào yêu cầu ngoại ngữ, công việc nào không, không nên có sự cào bằng. Hơn nữa cũng cần quy định với những người trẻ hiện nay thì trình độ ngoại ngữ ra sao, những người đã có tuổi thì trình độ thế nào. Bộ Nội vụ nên đặt ra những yêu cầu riêng, tránh việc để họ chống chế chế đi mua bằng, chạy bằng”.
Nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ cũng cho rằng, để hạn chế những tiêu cực về vấn đề này, các cơ quan tổ chức khi sử dụng cần tổ chức thi để xác định những chứng chỉ đó có chuẩn hay không. Những trường hợp không có chứng chỉ, nhưng khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học tốt vấn cần được xem xét.