Tiêu chí phụ trong tuyển sinh, đừng để 'xôi hỏng bỏng không'

GD&TĐ - Ngoài chủ động các phương thức tuyển sinh, nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển đầu vào.

Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: TG
Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: TG

Do đó, thí sinh cần lưu ý, đọc kỹ đề án tuyển sinh để không rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Vai trò của tiêu chí phụ

Ở những mùa tuyển sinh trước, có thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng không để ý tiêu chí phụ là điểm học bạ THPT nên bị trượt nguyện vọng 1. Từ thực tế này, TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) lưu ý, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo mình dự kiến đăng ký xét tuyển, tuyệt đối không được bỏ qua tiêu chí phụ.

Chia sẻ về lý do các trường sử dụng tiêu chí phụ, TS Lê Xuân Thành phân tích, giả sử nhà trường gọi hết danh sách thí sinh đủ điều kiện về điểm trúng tuyển. Trong trường hợp này, có thể dẫn đến thừa chỉ tiêu vì nhiều thí sinh có số điểm bằng nhau. Tuy nhiên, nếu không gọi hết số thí sinh này thì sẽ thiếu sinh viên. Đây là lý do mỗi cơ sở giáo dục đại học đặt ra các tiêu chí phụ khác nhau để bảo đảm việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Theo chuyên gia này, tiêu chí phụ mà cơ sở đào tạo có thể áp dụng gồm: Thứ nhất, ưu tiên môn thi. Hiện nay, ưu tiên theo môn thi chính là hình thức thường được sử dụng tại nhiều trường đại học. Đối với những thí sinh có điểm bằng nhau, nhà trường có thể dựa vào điểm thi của môn chính nhân đôi hoặc một trong những môn nằm trong tổ hợp xét tuyển để làm tiêu chí phụ khi tuyển sinh.

Thứ hai, ưu tiên theo thứ tự nguyện vọng. Nếu thí sinh có cùng điểm số, sau khi ưu tiên theo môn mà vẫn không xét tuyển được thì tiếp tục ưu tiên người đăng ký thứ tự nguyện vọng cao hơn.

Thứ ba, tiêu chí phụ dựa vào điểm xét tuyển chưa làm tròn. Hiện nay, các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy và được quy đổi sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển sẽ được làm tròn đến 0,25 điểm. Điểm của thí sinh gần tiệm cận nào thì làm tròn tới tiệm cận đó. Tuy nhiên, có cơ sở đào tạo áp dụng tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn chưa làm tròn. Vì vậy thí sinh cần lưu ý quy định này, nếu chưa rõ có thể hỏi lại cơ sở đào tạo mình dự kiến đăng ký xét tuyển để được giải đáp.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

“Sàng lọc” thí sinh

Cho rằng, tiêu chí phụ còn là yếu tố giúp các cơ sở đào tạo lọc ảo, nhất là với những ngành, trường đại học có mức cạnh tranh cao, TS Lê Xuân Thành viện dẫn, một số đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khá lớn nhưng lại đưa ra mức điểm chuẩn vừa phải. Nhiều trường sợ thí sinh ảo nên gọi vượt so với chỉ tiêu.

Có thể sẽ xảy ra tình huống, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm của các trường nhưng vẫn có nguy cơ trượt sau khi chạy lọc ảo trên hệ thống. “Do đó, ngoài việc có chiến thuật trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển thì thí sinh cần nắm bắt tiêu chí phụ của trường đại học mà mình đăng ký xét tuyển. Điều đó giúp các em không bị trượt oan mà còn gia tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường học mong muốn” - TS Lê Xuân Thành tư vấn.

Dù không trực diện như tiêu chí phụ nhưng Trường ĐH Thương mại đưa ra một số nguyên tắc xét tuyển đầu vào. PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông lưu ý, thí sinh cần nắm chắc các nguyên tắc này để không bị rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Chẳng hạn, điểm xét tuyển sẽ được làm tròn đến hai chữ số thập phân và quy về thang điểm 30.

“Nếu không có tiêu chí phụ, hoặc không đưa ra nguyên tắc xét tuyển thì các trường có thể sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh, thậm chí khó tuyển đủ chỉ tiêu” - PGS.TS Nguyễn Viết Thái cho hay, đồng thời nhấn mạnh, xét tuyển trước không phải là tuyển thẳng.

Đối với các thí sinh có điểm xét tuyển bằng điểm trúng tuyển nhưng nếu số lượng thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường sẽ ưu tiên thí sinh theo nguyện vọng đăng ký từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất) theo quy định trong Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Thí sinh có tên trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển của trường sẽ chắc chắn trúng tuyển chính thức nếu các em tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành học của Trường ĐH Thương mại trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Từng có ngành đạt kỷ lục 120 thí sinh bằng điểm nhau, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, trong trường hợp này buộc phải sử dụng đến tiêu chí phụ nếu không muốn tuyển vượt. Mỗi trường sẽ đưa ra các tiêu chí phụ khác nhau, vừa để “sàng lọc” thí sinh, vừa đảm bảo không tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Thí sinh cần lưu ý, với trường áp dụng tiêu chí phụ khi xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT, vì các trường chỉ có thể kiểm tra học bạ thí sinh sau khi làm thủ tục nhập học. Vì thế, nếu không để ý đến tiêu chí này, khi làm thủ tục nhập học, có thể các em sẽ không nằm trong danh sách trúng tuyển. “Do đó, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường để tránh những sơ suất không đáng có” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền khuyến cáo.

Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) cho biết, nếu có nhiều thí sinh cùng mức điểm tại ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển, nhà trường sẽ sử dụng tiêu chí phụ để xác định thí sinh trúng tuyển. “Nhiều thí sinh đạt được mức điểm chuẩn vào trường nhưng có thể vẫn trượt vì “thua” ở tiêu chí phụ” - TS Võ Thanh Hải nêu thực tế.

Theo TS Võ Thanh Hải, ngoài việc cần chú ý đến tiêu chí phụ, thí sinh cần ghi đúng, đủ thông tin cá nhân, địa chỉ liên hệ, số điện thoại liên lạc… Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, các em cần thực hiện đầy đủ quy trình các bước. Các em nên quay phim lại quá trình mình đăng ký để kịp thời tháo gỡ nếu gặp khó khăn, vướng mắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ