Điều chỉnh chỉ tiêu năm 2023 dựa trên nguồn tuyển sinh

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã điều chỉnh chỉ tiêu, phương thức xét tuyển của một số ngành đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng với cuộc thi thực hành trắc địa.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng với cuộc thi thực hành trắc địa.

Điều chỉnh này dựa trên cơ sở phân tích nguồn tuyển, điểm trúng tuyển của 2 năm liền kề.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sử dụng 65% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, 35% cho các phương thức xét tuyển khác. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức sử dụng kết quả học bạ THPT giảm từ 655 chỉ tiêu năm 2022 xuống còn 615 chỉ tiêu vào năm nay.

PGS.TS Võ Ngọc Dương - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Ba năm gần đây, gói chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả học bạ của nhà trường dao động từ 600 - 700. Trong đó, có một số ngành ‘hot’ như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô, nhà trường không sử dụng phương phức xét tuyển bằng kết quả học bạ. Ngoài ra, có một số ngành khác sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả học bạ theo lộ trình như ngành Kỹ thuật máy tính”.

Điều chỉnh chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh, theo PGS.TS Võ Ngọc Dương để đảm bảo sự cân đối giữa tổng nguồn tuyển, chất lượng đầu vào và cơ cấu nhân lực cung cấp cho thị trường lao động. Một số ngành có điểm trúng tuyển học bạ cao, lên tới 25 - 26 điểm liên tục trong 2 năm liền sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này lên.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cũng giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả học bạ THPT từ 400 (năm 2022) xuống còn 337 (năm 2023). Ở chiều ngược lại, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng 300 chỉ tiêu so với năm 2022.

TS Nguyễn Linh Nam – Phó Hiệu trưởng nhà trường trao đổi, với một số ngành có nguồn tuyển hẹp, nhà trường dành khoảng 40-50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Nhưng với ngành có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều, chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ chỉ từ 10 - 15% và sẽ giảm dần.

Tuy không giảm chỉ tiêu với phương thức tuyển sinh bằng kết quả học bạ nhưng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng yêu cầu thí sinh phải thỏa mãn điều kiện cần: Xếp loại học lực giỏi trong 3 năm THPT, sau đó mới tính điểm tổng kết từ trên xuống. “Cũng có một yêu cầu khác nữa là thí sinh phải có tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 26 điểm trở lên” – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thông tin.

Học sinh Quảng Nam tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2023.

Học sinh Quảng Nam tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2023.

Tăng cơ hội trúng tuyển

Phương thức tuyển sinh riêng của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tập trung vào 7 nhóm đối tượng: Đoạt từ giải Khuyến khích cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học; giải Khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia;

Đối tượng đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích tại cuộc thi học sinh giỏi các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Thí sinh học trường THPT chuyên; thí sinh có chứng chỉ tiếng quốc tế SAT từ 1.100, ACT từ 24 (thang điểm 36); thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5,5 trở lên (hoặc TOEFL iBT từ 46 điểm, TOEIC từ 600 điểm trở lên) được cấp trong thời hạn 2 năm tính đến ngày kết thúc nộp hồ sơ xét tuyển. Mỗi nhóm sẽ có điều kiện và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cụ thể.

Đối với xét tuyển thẳng theo phương thức tuyển sinh riêng của Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, ĐH Đà Nẵng, ngoài nhóm đoạt giải các kỳ thi quốc gia, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, ưu tiên thí sinh tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tuần trở lên và đoạt giải Nhất, Nhì, Ba hội thi Olympic Tin học do nhà trường tổ chức. Đây là điểm mới của đơn vị trong mùa tuyển sinh năm nay.

Từ năm 2023, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT có một số thay đổi. Cụ thể, thí sinh chỉ được hưởng ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp THPT và 1 năm kế tiếp.

Theo TS Nguyễn Đức Quận, Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.

Với công thức trên, học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1. Điều chỉnh này nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc khu vực và đối tượng khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh của các trường.

Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng năm nay có thêm phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực khối Sư phạm do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Theo TS Phạm Đức Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo, với kỳ thi đánh giá năng lực khối Sư phạm, có thể đánh giá thí sinh qua 8 môn học riêng biệt. Đầu tháng 6, kỳ thi này có kết quả, nhà trường căn cứ để xét tuyển sớm theo phương thức này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.