DJ Diệp Hồng Phấn (DJ Pink, sinh năm 1995) sinh ra trong một gia đình nông dân, đông con ở Xứ Dừa. Gia cảnh khó khăn, đang học lớp 6, Hồng Phấn phải bỏ học đi làm thuê cho một công ty sản xuất bánh ở Sài Gòn.
Hai năm ở Sài Gòn, Hồng Phấn cho biết cô phải bươn chải nhiều nghề với vô số môi trường làm việc khác nhau, từ công nhân ngành may, da giày, đến bưng bê, phục vụ quán cà phê… Sau đó, cô đến với nghề DJ khá tình cờ khi xem một đàn anh biểu diễn.
DJ Diệp Hồng Phấn
“Em đến với nghề DJ từ lúc 14 tuổi. Lúc đó, em làm phục vụ cho một quán cà phê ở Sài Gòn. Khi đề xuất với nam DJ trong quán theo học nghề, anh đồng ý và em trả học phí dần mỗi khi nhận lương hàng tháng. Sau một thời gian được chỉ dạy, em chính thức theo nghề DJ”, Hồng Phấn nói.
Với thâm niên trong nghề 7 năm, thời gian Hồng Phấn ở các quán bar, club còn nhiều hơn ở nhà và cũng chứng kiến không ít những chuyện nghề mà giờ nhớ lại, cô không khỏi rùng mình.
Hồng Phấn không quên ký ức kinh hoàng khiến cô luôn giật mình mỗi lần nhớ đến. Đó là trận hỗn chiến ở một vũ trường tại thành phố Phan Rang (Ninh Thuận) cách đây hơn 3 năm.
“Đêm ấy, em đánh nhạc cho quán. Thấy một nhóm thanh niên say rượu dùng dao, mã tấu đánh nhau. Sợ quá, em bỏ sân khấu chạy vào nhà vệ sinh trốn, nhưng một trong số bọn họ chạy theo vào sàm sỡ em.
Sau khi một thanh niên bị chém, cả vũ trường hỗn loạn. Công an nhanh chóng ập tới và đưa tất cả mọi người đi. Lúc đó em còn trẻ tuổi nên không có giấy tờ. Chủ quán lại đi công tác. Vì vậy khi bị tam giam 3 ngày, em sút 4kg”, Hồng Phấn nhớ lại.
Theo Hồng Phấn, làm việc trong bar, nữ DJ ngoài việc thường xuyên phải tiếp xúc, hít khói từ thuốc lá, sisha, khói cay... thì còn phải đối mặt với không ít những lời mời mọc, gạ gẫm từ khách.
“Có những người bằng tuổi cha chú, gặp em họ cũng thường đặt thẳng vấn đề đi chơi qua đêm thì sẽ cho nhiều tiền, mua xe xịn, điện thoại đẹp…”, Hồng Phấn nói.
Cô cũng tiết lộ thêm: “Dưới chân mỗi DJ khi chơi nhạc thường để một chiếc xô nhỏ. Mỗi khi khách mời rượu, những nữ DJ không được phép từ chối. Chúng em vẫn uống và sau đó cúi xuống nôn vào xô để giữ tỉnh táo”.
Không ít đại gia chi ra một khoản tiền lớn để mời mọc các nữ DJ. Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Năm 2015, trong một lần biểu diễn ở các tỉnh miền Trung, Hồng phấn được một khách “sộp” ngỏ ý tặng 200 triệu để cô ở lại chơi một ngày. Tuy nhiên cô nàng đã từ chối.
“Dịp Noel năm ngoái, em cùng quản lý và chị ruột đi chơi nhạc ở các tỉnh. Khi em đang ở Đắc Nông, một vị khách đã ngỏ ý với quản lý để em ở lại chơi rồi tặng em 200 triệu đồng, cho quản lý em 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, em từ chối vì anh ấy là người lạ. Hơn nữa ngày đó em vẫn có lịch diễn ở Phan Thiết. Được cái quản lý cũng là người biết nghĩ cho em” - Hồng Phấn kể.
Hồng Phấn cho biết, ngoài vượt lên những cám dỗ trong nghề, các DJ cũng cạnh tranh quyết liệt với nhau. Một số DJ sẵn sàng chơi xấu để làm mất uy tín đối thủ.
Ngoài ra, để giành được suất chơi nhạc trong những giờ đẹp của vũ trường (đồng nghĩa với nhiều tiền hơn, nhanh nổi hơn), không ít nữ DJ sử dụng chiêu trò, thậm chí đán)h đổi tình cảm của mình.
Trên tờ Sức khỏe và Đời sống, BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú (Khoa Giám định - Viện Pháp y Quốc gia cho biết, không chỉ DJ, các bạn trẻ muốn phòng tránh việc bị kẻ xấu cho uống thuốc mê khi lên bar thì không nên uống đồ uống do người khác mời.
Tránh uống bia rượu vì những đồ uống này thường được phục vụ ở dạng rót sẵn ra cốc, do đó không thể kiểm soát được. Nếu có uống chỉ nên uống nước đóng chai hoặc đóng lon do chính tay mình mua và tự khui.
Luôn để ý không cho người khác tiếp cận được chai hay lon nước của mình khi đã khui. Nếu buộc phải để lại chai hay lon nước đã khui trên bàn xa khỏi tầm mắt của mình thì tốt nhất là không uống lại chai hay lon nước đó.
Nếu bị trúng thuốc mê hay say rượu thì cần gây nôn cho người bệnh, sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.