Tiếp tục tăng cường, đa dạng hoá nguồn cung vắc xin phòng COVID-19

GD&TĐ - Cục Quản lý Dược vừa có văn bản gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc yêu cầu tiếp tục tăng cường, đa dạng hoá nguồn cung vắc xin phòng COVID-19

Tiếp tục tăng cường, đa dạng hoá nguồn cung vắc xin phòng COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, nhu cầu về vắc xin tăng cao, làm cho nguồn cung vắc- xin cho Việt Nam bị ảnh hưởng. Vì vậy, để tăng nguồn cung, tăng khả năng tiếp cận với nhiều nguồn vắc xin phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả, Cục Quản lý Dược đề nghị:

Các cơ sở nhập khẩu thuốc tiếp tục các nỗ lực khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng COVID-19 từ các nguồn nhập khẩu (Astrazeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac…) đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc xuất xứ để cung cấp vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ sở sản xuất, nghiên cứu tiếp tục đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 để sớm chủ động được nguồn vắc xin trong nước.

Trường hợp có thông tin về nguồn cung xin gửi về Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế (địa chỉ: 138A - Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội), SĐT: 0243.8641525, Email: qlkinhdoanh.qld@moh.gov.vn.

Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trong nước

Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Ðào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Ngô Quang, Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin cho biết, đến nay các đơn vị trong nước đang nghiên cứu ba loại vắc xin phòng Covid-19.

Ðó là vắc xin Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (NANOGEN) hiện đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn hai; đồng thời đề xuất thử nghiệm giai đoạn ba…

Nếu theo đúng lộ trình (đã được rút ngắn), có thể cuối quý III - 2021, Việt Nam sẽ có vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất.

Ngoài vắc xin Nano Covax, các nhà khoa học, đơn vị sản xuất trong nước cũng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc xin Covivax của Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và một loại vắc xin nữa của Công ty TNHH một thành viên vắc- xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) dự kiến triển khai thử nghiệm giai đoạn một vào tháng 4-2021.

Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo đều cho rằng, các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng của cả ba vắc xin đều được đánh giá tốt, có triển vọng.

Có được kết quả bước đầu này do Việt Nam có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu vắc xin giàu kinh nghiệm.

Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vắc xin uy tín trên thế giới. Hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn; khẩn trương, rút ngắn giai đoạn nhưng bảo đảm các điều kiện khoa học.

Ðánh giá Việt Nam đã có bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vắc xin, các chuyên gia, nhà khoa học tin tưởng, Việt Nam sẽ sớm có vắc- xin sản xuất trong nước.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo ngày 22/3, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhất là các đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin trong thời gian qua đã nỗ lực nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng Covid-19 trong nước, thực hiện theo đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Tuy nhiên, việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước cần tiếp tục thực hiện khẩn trương hơn nữa. Thời gian qua, thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai của vắc xin Nano Covax đã rút ngắn được ba tháng và phương án dự kiến thử nghiệm giai đoạn ba cũng sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian để cuối quý III, đầu quý IV năm 2021, Việt Nam sẽ có vắc xin sản xuất trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.