Theo đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đây là trạm thu phí được sử dụng để thu tiền hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng QL2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nhưng Bộ GTVT lại đặt trạm thu phí trên đường Võ Văn Kiệt (Sóc Sơn - Hà Nội) để thu tiền của người tham gia giao thông trên tuyến đường này, dù không hề sử dụng tuyến tránh TP Vĩnh Yên.
Nhiều năm qua, cử tri của Hà Nội đã bày tỏ sự bức xúc và có ý kiến đề xuất Thành phố có kiến nghị lên Bộ GTVT, trình Chính phủ xem xét giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Được biết, Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài do chủ đầu tư là Công ty Viettracimex 8 thực hiện có tổng mức đầu tư hơn 615 tỷ đồng, trong đó vốn DN hơn 530 tỷ đồng, với tổng thời gian thu phí lên tới 16 năm 10 tháng. Trong đó thời gian thu phí hoàn vốn là 12 năm 10 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2011 và thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho DN là 4 năm. Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài chính thức được thu phí từ 1/1/2011.
Hiện, mức thu tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài từ 10.000 - 80.000 đồng/lượt, tùy từng loại xe. Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tháng 7/2016, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu được hơn 4,9 tỷ đồng; tháng 8 thu hơn 5,5 tỷ đồng và tháng 9 thu xấp xỉ 6 tỷ đồng.
Căn cứ trên số liệu thống kê nêu trên, bình quân mỗi tháng trạm này thu về khoảng 5,4 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu đạt 64 tỷ đồng. Theo đó, hết 12 năm 10 tháng thu phí hoàn vốn, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đã có thể đạt hơn 800 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu của DN chỉ hơn 530 tỷ đồng. Lợi nhuận ngay trong kỳ thu hoàn vốn đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đến thời gian 4 năm DN được thu phí tạo lợi nhuận có thể thu thêm khoảng 250 tỷ đồng nữa.
Được biết, từ khi trạm đi vào hoạt động, người dân Hà Nội đã tỏ rõ sự bức xúc vì dù không lưu thông vào tuyến đường tránh tránh ở TP Vĩnh Yên, nhưng các phương tiện vẫn phải đóng tiền phí khi đi qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Năm 2013, UBND Tp.Hà Nội đã kiến nghị lên Bộ GTVT và Bộ cũng đã kiến nghị lên Chính phủ di dời trạm về đúng vị trí. Hai phương án mà Bộ đưa ra vào năm 2013 là Nhà nước mua lại quyền thu phí trạm hoặc di dời trạm này gộp vào trạm thu phí trên QL2 (thuộc dự án BOT QL2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên). Tuy nhiên, chủ đầu tư không đồng thuận với phương án di dời.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 4 trạm thu phí trên các tuyến đường được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý. Bao gồm: Trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thanh Trì); Trạm cao tốc Hà Nội - Lào Cai (Sóc Sơn); Trạm Hà Nội - Bắc Giang (Gia Lâm); và Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Sóc Sơn).
Về mức giá sử dụng đường bộ tại các dự án BOT, đa số người dân và DN đều phản ánh mức giá hiện nay cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhất là với các DN kinh doanh vận tải đường bộ.
UBND TP Hà Nội đề nghị, Bộ GTVT rà soát mức giá dịch vụ trên các dự án BOT để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
Mặt khác, các trạm thu phí hiện đang thu trực tiếp bằng tiền mặt, nhiều thời điểm dẫn đến ùn tắc giao thông khi qua trạm, ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông; đồng thời dễ dẫn đến thất thoát, thiếu minh bạch, khó kiểm soát, quản lý.
Do đó, UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm đầu tư thiết bị để chuyển sang thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là tại các trục đường giao thông đầu mối quan trọng để khắc phục ùn tắc và nâng cao hiệu quả quản lý.