4 nhóm vấn đề "nóng"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn.
Thứ nhất, về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Thứ hai, về công tác quản lý đất đai, tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba về chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh.
Thứ tư về vấn đề lao động và giải quyết việc làm; chất lượng dạy nghề; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6 - Ảnh: VGP |
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là những vấn đề lớn của đất nước, được nhân dân và cử tri quan tâm. Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn, các bộ trưởng, gồm: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH. Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực nêu trên và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan trong các phiên chất vấn khi cần thiết sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình làm rõ thêm những nội dung mà ĐBQH quan tâm đến từng nhóm vấn đề chất vấn.
Để nâng cao hiệu quả, tăng tính đối thoại trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, nhất là trách nhiệm của người trả lời chất vấn trước nhân dân, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới về cách thức chất vấn. Theo đó, mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi với thời lượng cho mỗi đại biểu là 1 câu hỏi, một câu hỏi 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời cho mỗi câu hỏi của ĐBQH.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH, khi cần thiết, có những vấn đề cần làm rõ hơn thì cho phép Đoàn Chủ tịch linh hoạt trong điều hành để cho phép các bộ trưởng có thể nói thêm; các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung thuộc nhóm vấn đề mà Quốc hội đã lựa chọn, bảo đảm đúng thời gian quy định.
“Các bộ trưởng khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề mà ĐBQH chất vấn, thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục, lộ trình thực hiện trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Sau phiên chất vấn, Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết để ghi nhận các giải pháp, những vấn đề đã hứa của bộ trưởng, thành viên Chính phủ, làm cơ sở để Chính phủ, các ngành triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội cũng như nhân dân giám sát việc thực hiện lời hứa.
Theo chương trình kỳ họp, ngay sau phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện - UBTVQH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIV.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất: Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Xử lý nghiêm tiêu cực trong các dự án BOT
Ngay đầu giờ sáng đã có 36 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Mở đầu phiên chất vấn các đại biểu: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ bất cập về số năm, vị trí đặt trạm thu phí BOT; trách nhiệm, giải pháp xử lý vấn đề chênh lệch cốt đường với nền nhà dân sau cải tạo; tiến độ thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT; giải pháp phát triển giao thông vùng Tây Bắc;...
Về chênh lệch chi phí đầu tư và số năm thu phí giữa hợp đồng và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, Bộ trưởng cho biết việc chênh lệch là do hợp đồng được ký ban đầu dựa trên tính toán về kinh phí đầu tư và kinh phí dự phòng; trước khi quyết toán Bộ GTVT đề nghị kiểm toán vào kiểm tra lại, dựa trên kết quả đó để điều chỉnh lại hợp đồng để đảm bảo quyền lợi chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Về chênh lệch cao độ giữa đường và nhà dân sau khi nâng cấp, Bộ trưởng cho biết, luật pháp có quy định cốt, nền dự án giao thông ở đô thị, Bộ căn cứ vào đó để khống chế cốt tuyến đường. Tuy nhiên khu vực ngoài đô thị không quy định nên trong thời gian vừa qua có hiện tượng trên.
Bộ trưởng thừa nhận có trách nhiệm của Bộ GTVT và trách nhiệm địa phương và cho biết về lâu dài Bộ sẽ tiến hành thực hiện giải pháp cào bóc mặt đường cũ, sau đó tiến hành thảm mới để không nâng cốt quá cao.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi về giải pháp căn cơ để hoàn thiện thể chế BOT, giám sát thực hiện dự án để tránh sai phạm, hài hòa lợi ích? Tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp tàu thủy? Tiến độ nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định?
Về Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định hư hỏng nặng, chưa nâng cấp, Bộ trưởng cho biết việc đường xuống cấp là do ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, xe quá tải,... Bộ đã chỉ đạo duy tu, sửa chữa nâng cấp mặt đường, tuy nhiên do kinh phí duy tu chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, nên việc cải tạo, nâng cấp mặt đường còn hạn chế. Bộ đang tiến hành rà soát, nghiên cứu để có giải pháp xử lý triệt để?
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới tiếp tục rà soát, sửa đổi để hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức trong ngành nếu phát hiện các sai phạm liên quan đến BOT....
Bộ trưởng cho biết, việc tái cơ cấu Vinashine chưa hiệu quả, bộ đang tiến hành nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện. Còn đối với Vinaline, sau khi tái cơ cấu năm 2017 doanh nghiệp này đã có lãi trên 500 tỷ đồng, năm nay đặt kế hoạch lãi là 700 tỷ đồng, sắp tới sẽ thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng,..
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Doanh nghiệp phản ánh tình trạng tình trạng ở một số địa phương chỉ có một, hai doanh nghiệp được chỉ định thầu hoặc đấu thầu có dàn xếp các dự án giao thông, doanh nghiệp bên ngoài không "chen chân vào được", dẫn đến tình trạng đội vốn đầu tư, một số nhà đầu tư không đủ năng lực, kéo dài dự án,... vậy có tình trạng này hay không, giải pháp khắc phục như thế nào?
Bộ trưởng cho biết, theo quy định mọi dự án BOT đều được tổ chức đấu thầu và thông báo mời thầu công khai trên mạng. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, có thể nhiều nhà đầu tư chưa rõ thủ tục hoặc ít quan tâm,... nên dẫn đến có những dự án BOT dù đã kéo dài thời gian thông báo mời thầu nhưng chỉ chỉ có 1 nhà thầu tham gia,... nên không thể tổ chức đấu thầu (ít nhất có 2 nhà thầu đăng ký trở lên), buộc phải chỉ định thầu theo quy định.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Bộ trưởng nêu rõ là "có hay không có?" nếu có thì xử lý như thế nào?
Nếu có sai sót liên quan đến Bộ, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm
Trả lời các ý kiến tranh luận của ĐBQH liên quan đến dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về thể chế, chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu, việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP thì sẽ giải quyết được những vấn đề hiện nay. Trước đây chúng ta chưa có Luật, Nghị định cũng chưa hoàn chỉnh, chúng tôi cũng chỉ bám theo những quy định tại thời điểm đó.
Nhóm vấn đề liên quan đến người dân, khi triển khai dự án, chúng tôi đã lấy ý kiến của UBND các cấp. Hiện chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể là lấy ý kiến ai, cụ thể như thế nào, do đó, trong quá trình làm, chúng tôi đều thống nhất với UBND, thậm chí UBND các cấp triển khai giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Tại một số địa phương, chúng tôi còn lấy ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội. Khi thực hiện dự án, chúng tôi căn cứ vào quy hoạch và chấp hành nghiêm.
Một số dự án chúng ta thấy rằng dân xây dựng nhà nhiều nhưng cốt nền không đồng đều. Chúng ta phải lấy bình quân, đảm bảo cốt theo quy định nên một số hộ nền nhà thấp, chúng tôi đã triển khai các đường dân sinh, đường gom kết nối.
Về chi phí qua trạm BOT, chúng tôi cố gắng giảm thấp nhất. Về lâu dài thì chúng ta sẽ chỉ triển khai trên đường song hành.
Về tranh chấp giữa nhà đầu tư với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan, chúng ta sẽ thực hiện theo đúng Luật Dân sự.
Đối với việc chỉ định thầu, sẽ triển khai theo quy định của luật. Việc gì cho phép, Bộ mới làm. Có những dự án, chúng tôi phải xin và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi mới triển khai. Việc làm này hết sức công khai, minh bạch. Cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý vi phạm.
Về một số công trình dân sinh thiết kế chưa hợp lý, trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã có điều chỉnh. Trong khả năng dự án còn tài chính chúng tôi đều có điều chỉnh bổ sung đảm bảo phương án tốt nhất có thể cho người dân.
Về trách nhiệm cá nhân có liên quan với những kết luận của kiểm toán, tôi xin nhắc lại, kiểm toán chỉ ra thời gian giảm là do chúng ta chưa sử dụng dự phòng. Giai đoạn triển khai dự án, lãi suất ngân hàng rất cao. Lập dự án lúc đó phải căn cứ vào mức lãi suất nào. Những phần dự phòng không cần dùng đến hoặc đẩy nhanh tiến độ hoặc làm hồ sơ kỹ nên không phát sinh khối lượng... Những phần không sử dụng này không phải là thất thoát. Hợp đồng nêu rõ là chúng ta sẽ căn cứ vào kết quả quyết toán để điều chỉnh thời gian thu phí. Việc ký ban đầu là ký hợp đồng trên dự án để nhà đầu tư có điều kiện để triển khai các bước tiếp theo.
“Xin khẳng định lại nếu có sai sót liên quan đến Bộ GTVT, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, hoặc nếu liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, hoặc các cơ quan có liên quan, chúng ta sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nói.
Cần điều chỉnh tổng thể quy hoạch các thành phố lớn
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình); Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa); Trần Văn Quý (Hưng Yên) chất vấn về tiến độ thực thiện và trách nhiệm của Bộ GTVT trong giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; giải pháp căn cơ để giảm tai nạn giao thông?; có lãng phí trong thực hiện dự án nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Rẽ với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không, khi cầu đã làm xong nhưng chưa có đường nên chưa đi được?
Về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình hình ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn phức tạp. Bộ trưởng cho biết, các đô thi lớn của chúng ta đã phát triển hàng trăm năm, quy hoạch điều chỉnh nhiều lần nhưng không sát thực tế phát triển, nên những giải pháp đưa ra mới chỉ mang tính tình thế, dù chúng ta rất quyết tâm. Do vậy cần có sự điều chỉnh tổng thể quy hoạch ở các thành phố lớn để có giải pháp căn cơ.
Về giải pháp kéo giảm TNGT, thời gian qua chúng ta đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để thực hiện, tình hình đã có chuyển biến theo hướng tích cực nhưng số người chết vẫn cao. Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gắn liền với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông,...
Về câu hỏi có lãng phí hay không trong dự án đường nối 2 cao tốc, Bộ trưởng cho biết đã trực tiếp làm việc với Hưng Yên, Hà Nam về vấn đề này. Hiện việc bố trí vốn cho dự án đã được trình Quốc hội, khi Quốc hội thông qua sẽ triển khai thực hiện dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng nối các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ...
Xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) chất vấn giải pháp ngăn chặn tình trạng phương tiện không đủ điều kiện (cơ nới, hoán cải, quá khổ, quá tải...) vẫn lưu hành? Thừa nhận có hiện tượng này, Bộ trưởng cho biết, Bộ và các cơ quan trực thuộc đã triển khai các giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ là ghi lại hình ảnh, thông số phương tiện (kích thước, chiều cao, rộng...) trong giấy phép lưu hành để các cơ quan chức năng khi kiểm tra có hình ảnh, số liệu để xử lý nghiêm vi phạm.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, tình trạng xe quá tải phá nát đường dân sinh nhiều năm, nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nhưng chưa được xử lý triệt để. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tồn tại này thuộc trách nhiệm của ai? Tình trạng trên có thể xử lý dứt điểm được hay không?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng Nhà nước bỏ kinh phí rất lớn, việc bảo dưỡng có trách nhiệm lớn, của ngành giao thông và nhiều đơn vị. Vừa qua, các cơ quan chức năng tổ chức tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý xe quá khổ quá tải. Theo đó, trước năm 2011 tình trạng xe quá tải quá khổ hoạt động phổ biến, đến thời thời điểm này theo thống kê, hiện còn 10% xe tải quá khổ quá tải nhưng chỉ hoạt động phạm vi hẹp, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh, ít trường hợp đi xuyên liên tỉnh vì đã có sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Hiện bộ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phối hợp các cơ quan để tăng cường kiểm tra xử lý tận gốc, để bảo quản đường nhà nước đầu tư cho nhân dân.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng việc xử lý xe quá khổ quá tải cần giải pháp mạnh tay hơn, không chỉ là chụp ảnh, ghi các thông số trên giấy đăng kiểm mà cần thiết phải thu hồi đăng kiểm. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, theo quy định hiện hành có thể xử lý hành chính hoặc thu hồi giấy phép tùy theo mức độ vi phạm của chủ phương tiên. Nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ sẽ xử lý được tình trạng xe quá tải...
Bộ nhận trách nhiệm "tham mưu kém"
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt và giải pháp giảm tai nạn giao thông đường sắt;... trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, giao thông đường sắt là tuyến đường quan trọng của đất nước, nếu giải quyết tốt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều, tuy nhiên ngành GTVT "tham mưu kém" nên chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Bộ nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu.
Về tai nạn giao thông đường sắt, hiện vẫn còn hơn 5500 đường giao cắt có gác chắn, còn hơn 4000 đường dân sinh tự mở không có gác chắn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, Bộ đã làm việc với các địa phương để có giải pháp gắn trách nhiệm cụ thể của ngành, của địa phương trong thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt...