Tiếp tục cuộc chiến kịch tính về Brexit

GD&TĐ - Tuần này sẽ tiếp tục là một tuần gập ghềnh với vấn đề Brexit của Anh. Sau khi Thủ tướng Boris Johnson hân hoan vì đạt được thỏa thuận Brexit với EU hôm 19/10 thì cuối tuần qua, Quốc hội Anh lại từ chối thông qua thỏa thuận này. “Cuộc chiến” nội bộ của nước Anh về Brexit sẽ tiếp tục tuần này với nhiều kịch tính đang hứa hẹn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đứng trước nhiều quyết định khó khăn
Thủ tướng Anh Boris Johnson đứng trước nhiều quyết định khó khăn

Hai bức thư đối lập

Trong khi chỉ còn 10 ngày nữa là đến hạn Anh rời khỏi EU theo cam kết của ông Johnson, thì cuộc “ly dị” này vẫn còn gây xáo trộn mạnh mẽ, bởi chính giới Anh còn tranh cãi liệu sẽ rời EU có thỏa thuận, không thỏa thuận hay tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về thỏa thuận đã đạt được.

Các bộ trưởng Anh khẳng định rằng, Anh vẫn sẽ rời Liên minh châu Âu vào hạn chót là 31/10, mặc dù Quốc hội Anh đã buộc chính phủ phải đề nghị EU gia hạn và Thủ tướng Boris Johnson phải gửi một bức thư không chữ ký lên EU đề xuất lùi thời hạn đến 31/1/2020.

Tình huống rất trớ trêu khi mà ngoài bức thư nói trên, Thủ tướng Anh còn gửi thêm một thư riêng ký tên ông, với nội dung hoàn toàn đối lập, để phản bác việc tiếp tục trì hoãn Brexit. “Tiếp tục lùi thời hạn sẽ làm tổn hại lợi ích của Anh và các đối tác EU khác cũng như quan hệ giữa chúng ta”. Ông tiếp tục thúc đẩy Brexit và ở London, ông sẽ đưa thỏa thuận Brexit mới ra Hạ viện Anh để bỏ phiếu trong ngày 21/10. Nếu một lần nữa không được, ông sẽ phải cố lần nữa vào ngày tiếp theo 22/10.

Nếu Quốc hội Anh vẫn không bỏ phiếu, Chính phủ Anh sẽ phải tiếp tục thúc đẩy dự luật thực thi Brexit có tên Dự luật Thỏa thuận Rút lui (WAB), trong đó lùi việc thực thi Brexit vào 31/10/2019. WAB cũng sẽ được chính phủ giới thiệu ngày 22/10 và phải bắt đầu tiến trình xem xét của quốc hội. Nhưng cách này càng khiến ông Johnson rủi ro với các đối thủ Công đảng đang muốn đẩy ông vào con đường phá vỡ thỏa thuận.

Bất đồng giữa chính phủ với quốc hội là chính sách về hải quan trong thỏa thuận Brexit mới. Thỏa thuận hôm 19/10 của ông Boris Johnson gần giống dự thảo của bà Theresa May năm ngoái, nhưng đã từ bỏ các điều khoản gây tranh cãi mà theo các nhà phân tích có thể giữ Anh gắn chặt với các quy định về hải quan của EU.

Bắc Ireland sẽ vẫn nằm trong liên minh hải quan của Vương quốc Anh, nhưng một số hàng hóa khi vào Ireland và EU sẽ bị kiểm tra hải quan, và nhiều nghị sĩ cho rằng đây là điều không thể chấp nhận được trong biên giới của Vương quốc Anh. Còn nếu toàn bộ khối Liên hiệp Anh rời liên minh hải quan EU, nghĩa là Anh có thể ký thỏa thuận thương mại với các nước khác trong tương lai.

Cuộc chiến kịch tính

Công đảng đối lập đang xây dựng liên minh mới chống lại thỏa thuận Brexit. Họ tuyên bố sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ nổi loạn hoặc Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP) về điều khoản liên quan đến hải quan. DUP cho đến giờ vẫn từ chối ủng hộ Thủ tướng Boris Johnson nếu DUP ủng hộ Công đảng, ông Johnson sẽ phải từ bỏ thỏa thuận Brexit mới, hoặc chấp nhận một Brexit “nhẹ nhàng hơn”.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak hôm 21/10 nói rằng, các nghị sĩ Quốc hội đang muốn dùng “tiểu xảo thủ tục” để gây rắc rối cho Brexit. Khi được hỏi liệu thỏa thuận Brexit mới có quá sát thời hạn 31/10 hay không, ông Sunak nói rằng, quốc hội vẫn có quá nhiều thời gian xem xét thỏa thuận.

Ông cũng nói rằng, việc đánh giá tác động kinh tế của thỏa thuận là không cần thiết, bởi các nghị sĩ trước hết cần thông qua tiến trình rút lui, sau đó mới tập trung vào quan hệ tương lai với EU. Các bộ trưởng khác cũng lên tiếng khẳng định, Anh sẽ rời EU vào 31/10.

Ủy ban châu Âu khẳng định, đã nhận được thư xin lùi hạn mà ông Boris Johnson không ký tên, và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đang tham vấn lãnh đạo 27 thành viên EU về vấn đề này, trong đó có việc Anh sẽ phải giải thích về các bước đi tiếp theo. Một người phát ngôn của EC cho biết thêm, tiến trình phê chuẩn đã được khởi động về phía EU.

Song quan điểm của EU đã được nói rõ là, EU sẽ khoan thai về thời gian Brexit chứ không vội vã. Bộ trưởng Tài chính Đức Peter Altmaier nói với tờ Guardian rằng, EU sẽ đồng ý việc lùi thời hạn Brexit, có thể là kéo dài thời gian kỹ thuật để thông qua luật về Brexit, hoặc để tổ chức tổng tuyển cử hay cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. “Chúng tôi đã hai lần đồng ý lùi thời hạn... Nếu người Anh chọn cần nhiều thời gian hơn thì EU sẽ làm vậy, và tôi cũng đồng ý”, ông cho biết.

Diễn biến ra sao phải chờ thời gian trả lời, mà thời gian đó đang được tính từng ngày một. Cuộc chiến gay cấn về thời hạn Brexit trên chính trường Anh được báo chí chớp ngay lấy cơ hội và phản ánh bằng những ngôn từ đầy chỉ trích.

Tờ Daily Mail dùng những từ ngữ rất nặng nề, cho rằng nỗ lực của Công đảng là “nhằm hoãn Brexit bằng cách phá hoại luật rút khỏi EU”. Trang nhất của tờ này còn giật tít “Tức giật với âm mưu của Công đảng phá hoại thỏa thuận”. Tờ Express cũng dùng ngôn ngữ tương tự: “Âm mưu mới phá hoại Brexit”. Tờ Telegraph nói rằng ông Boris Johnson đang đối mặt với “cuộc chiến tranh du kích” liên quan đến cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận. Tuy nhiên, tờ

Financial Times khá lạc quan về phần thủ tướng và cho rằng ông Johnson vượt qua được các thất bại cuối tuần qua và giờ ông đã có được sự ủng hộ của 320 nghị sĩ cần thiết để giành chiến thắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.